Tàu hộ vệ Prairial của Hải quân Pháp - Ảnh: ĐSQ Pháp
Trao đổi với phóng viên ngày 11-3 tại Hà Nội, đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định chuyến thăm này là sự kiện rất quan trọng của Pháp ở Việt Nam trong năm nay.
"Như các bạn đã biết, Pháp là nước hết sức quan tâm tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đặc biệt về vấn đề tự do hàng hải và hàng không.
Cùng với chuyến thăm của tàu Hải quân Pháp lần này, chúng tôi cũng muốn đưa ra thông điệp ủng hộ quan điểm của Việt Nam, giống như quan điểm của chúng tôi, là ủng hộ tự do hàng hải và hàng không", đại sứ Warnery nói.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Marc Razafindranaly cho biết tàu Prairial xuất phát từ căn cứ của Pháp ở Tahiti, khởi hành ngày 15-1.
Theo trung tá Razafindranaly, con tàu dài 93m này đã đến Cam Ranh từ ngày 9-3 và sẽ tiến hành một số hoạt động chuyên môn trước lúc rời đi vào ngày 12-3.
Ông Razafindranaly tiết lộ trong chuyến đi này, Hải quân Pháp cũng đã sửa chữa chiếc trực thăng Alouette III trên tàu Prairial và phía Bộ Quốc phòng cũng như địa phương đã hỗ trợ Pháp trên nhiều phương diện.
"Với sự giúp đỡ từ phía Việt Nam, chúng tôi đã mời kỹ sư từ Pháp sang Việt Nam để lên tàu chữa máy bay trực thăng trên đó", trung tá Razafindranaly nói.
Phía Đại sứ quán Pháp nhấn mạnh chuyến thăm của tàu chiến Pháp lần này nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp. Hoạt động của tàu Prairial cũng phản ánh lập trường của Pháp về tự do hàng hải và hàng không.
Trong thời gian qua, Pháp cũng như các nước châu Âu đã có nhiều hoạt động điều tàu tới Biển Đông, tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Trước đó, Hải quân Pháp xác nhận tàu đổ bộ Tonnerre và tàu hộ tống Surcouf của nước này đã rời cảng Toulon hôm 18-2 để tham gia một nhiệm vụ kéo dài ba tháng ở khu vực Thái Bình Dương, nơi họ sẽ hai lần đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5.
Hoạt động của hai tàu Tonnerre và Surcouf được công bố không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly xác nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine đã thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Khi được hỏi về sự hiện diện của tàu Pháp hồi tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận