Từ trên xuống: Ttu chiến Mỹ, Nhật và Úc dàn đội hình trên Biển Đông - Ảnh: Hải quân hoàng gia Úc
Thông cáo ngày 20-10 của Hải quân Mỹ cho biết đây là lần thứ 5 trong năm 2020 tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận chung trong khu vực phụ trách của Hạm đội 7 Mỹ.
Trong suốt thời gian tập trận, tàu chiến 3 nước đã tham gia các khoa mục "được thiết kế để tăng cường khả năng tập thể của các đồng minh trong việc duy trì an ninh hàng hải và sự sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào trong khu vực".
Cuộc tập trận diễn ra không bao lâu sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông cùng với các tàu chiến hộ tống USS Antietam và USS Halsey.
Tàu khu trục USS John S. McCain trước đó đã tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, thách thức yêu sách vô lý của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông cáo ngày 20-10 của Hải quân Mỹ cho biết đây là lần thứ 5 trong năm 2020 tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận chung trong khu vực phụ trách của Hạm đội 7 Mỹ.
Là hạm đội lớn nhất của Hải quân Mỹ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia hàng hải khác để xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải, ổn định và ngăn chặn xung đột. Ngoài Hawaii, hạm đội này duy trì một số lượng lớn tàu ngầm, tàu khu trục và một biên đội tàu sân bay tại Nhật Bản.
Tàu chiến Nhật Bản diễn tập săn ngầm trên Biển Đông ngày 9-10 - Nguồn: Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản
Vai trò của Nhật Bản tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng lớn kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền.
Hồi đầu tháng này, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã đưa tàu sân bay trực thăng, khinh hạm và tàu ngầm đến Biển Đông diễn tập. Biên đội này cũng đã tham gia một sứ mệnh tuần tra răn đe trên Ấn Độ Dương.
Theo giới quan sát, sự tích cực chủ động của Tokyo đã kéo các nước còn lại trong Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ lại gần nhau. Trong động thái được xem là "nâng cấp" quan hệ, Ấn Độ đã chính thức mời Úc tham gia tập trận hải quân Malabar do nước này tổ chức cùng với Mỹ và Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 Úc tham gia cuộc tập trận chung với 3 nước còn lại trong nhóm QUAD. Trung Quốc, vốn luôn xem bộ tứ này là nỗ lực kiềm chế mình, đã thể hiện sự tức giận khi Úc tham gia tập trận Malabar năm 2007.
Trong diễn biến khác có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo ngày 19-10 đã kết thúc cuộc họp ở Nhật Bản. Tuyên bố chung được phát sau cuộc gặp đã phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông dù không nêu tên trực tiếp.
"Hai bộ trưởng phản đối mạnh mẽ các nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép ở Biển Đông, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Hai bộ trưởng tiếp tục thể hiện mối quan ngại sâu sắc về các sự cố gần đây, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể địa lý đang tranh chấp, sử dụng tàu tuần duyên và “lực lượng dân quân biển” một cách nguy hiểm cũng như các nỗ lực quấy rối các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận