Không chỉ là chuyện cần kíp cho việc khám chữa bệnh ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM), tàu cấp cứu là chuyện cần nhân rộng hơn nữa.
Nâng cao hệ thống cấp cứu ngoại viện
Ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - chia sẻ đây là chương trình ý nghĩa, một mô hình cấp cứu phù hợp với những vùng sử dụng phương tiện chính là tàu thuyền, đáp ứng nhu cầu cấp cứu và khám chữa bệnh cho người dân.
Theo ông Khoa, mô hình này sẽ nâng cao hệ thống cấp cứu ngoại viện, cần thiết tại những địa phương có người dân sinh sống ở đảo. Một số tỉnh phía Nam đã có kinh nghiệm cấp cứu đường thủy và có thể vận hành mô hình này cho tàu.
"Tuy nhiên, ngoài việc đóng góp kinh phí để triển khai ban đầu, đơn vị cũng phải tính toán đến các phương án kinh phí cho việc vận hành, duy trì mô hình. Đây là vấn đề cần được tính toán lâu dài", ông Khoa nhấn mạnh.
Bên cạnh việc huy động xã hội hóa để nâng cấp hệ thống cấp cứu ngoại viện, theo ông Khoa, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nêu rõ hệ thống cấp cứu ngoại viện nằm trong danh mục được Nhà nước ưu tiên đầu tư.
Vì vậy, các địa phương cần phân bổ ngân sách để hoàn thiện hệ thống, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Người dân sẽ được chăm sóc tốt hơn
Theo ông Nguyễn Văn Hồng - chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Thành ủy và UBND TP.HCM đã có nhiều chính sách phát triển ngành y tế của huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, các điều kiện vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ nói chung và xã đảo Thạnh An nói riêng.
Nhân dân huyện Cần Giờ đã rất mừng khi TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm cấp cứu đường thủy tại Cần Giờ (do Trung tâm Cấp cứu 115 quản lý). Và mới đây nhất, báo Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM đã vào cuộc với chương trình "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ".
"Đây là điều kiện hết sức thuận lợi, lãnh đạo địa phương và nhân dân hết sức vui mừng và phấn khởi", ông Nguyễn Văn Hồng đã nói như vậy khi nhắc đến chương trình "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ" do Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM phát động.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư xã đảo Thạnh An, cho biết UBND xã đảo Thạnh An cũng đã thường xuyên kêu gọi nhà hảo tâm đến hỗ trợ cho bà con xã đảo có hoàn cảnh khó khăn. Có nhà hảo tâm mua tặng chiếc máy trợ thở cho người dân Thạnh An.
Chương trình "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ" đã được phát động. Đây đúng là điều mà bà con xã đảo Thạnh An mong mỏi từ nhiều năm nay để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, an cư lập nghiệp.
"Tôi rất ủng hộ chương trình và mong rằng các ngành, các cấp cùng người dân chung tay hỗ trợ và quan tâm đến bà con ở xã đảo duy nhất của TP.HCM", ông Hiếu bày tỏ.
Đảm bảo người dân biển, đảo được tiếp cận chăm sóc y tế
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 28 tỉnh thành nằm ở ven biển, trong đó có 136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm 12 huyện đảo) với 675 xã, phường, thị trấn nằm ở ven biển và có đường biên giới biển...
Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế nêu rõ định hướng phát triển hạ tầng y tế, dịch vụ y tế và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc ở vùng biển đảo. Theo đó, sẽ đầu tư cho bốn trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu và vận chuyển cấp cứu trên biển, sáu bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển đảo.
Của ít lòng nhiều, góp tay cho tàu cấp cứu
Sáng 11-6, bạn đọc L.T.M.P. (quận 3, TP.HCM) đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ đóng góp số tiền 20.000.000 đồng cho chương trình "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ". Bà P. là một trong những bạn đọc thường xuyên tham gia quyên góp các chương trình của Tuổi Trẻ.
"Tôi đã nghỉ hưu, đây là số tiền tích lũy, dành dụm của cá nhân. Hôm nay tôi đến đóng góp chút ít, với mong muốn của ít lòng nhiều để cùng góp chút công sức cho việc làm ý nghĩa. Chương trình này rất cần thiết. Hy vọng có sự chung tay, góp sức của nhiều người, chương trình nào cũng làm được", bà P. chia sẻ
Còn bà Nguyễn Hồng Yến (82 tuổi, ở Phú Nhuận) cho biết: "Tôi đọc báo Tuổi Trẻ, thấy câu chuyện sắm tàu cấp cứu cho Cần Giờ, đọc xong tôi thương lắm. Qua sách báo và tivi, tôi cũng hiểu được cái khổ, cái cực của miền sóng nước ấy.
Tôi nhờ anh hàng xóm mang chút tấm lòng nhờ tòa soạn góp vào tấm lòng lớn của mọi người dành cho bà con nơi xã đảo. Tôi cũng cảm thấy vui nếu những đóng góp nhỏ của mình mang lại sự thay đổi tốt hơn cho cuộc sống của bà con Cần Giờ".
Đến chiều 11-6, gần 60 bạn đọc đã ủng hộ cho chương trình. Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn những bạn đọc hảo tâm đã chuyển khoản và góp tiền trực tiếp trong ngày 11-6:
Nguyen Thi My Le, Mai Thi Cam Chi, Luong Thi My Tham, Le Nguyen Thanh Thao, Hoang Dinh Vuong, Dang Anh Ngoc, Nguyen Van Nhan, Pham Thi Hanh, Nguyen Tan Trung, Nguyen Thi Tuyet Nga, Nguyen Van Thanh, Vo Anh Dung, Le Hoang Tuan, Le Thi Yen Nhi, Nguyen Thanh Su, Bạn đọc, Nguyen Dinh Hong Bich, Bui Quang Huy, Truong Bon Dat, Truong Nguyen Thanh Thuy, L.T.M.P....
Nguyen Quoc Viet, Nguyen The Anh, Vo Dai Gia Kien, Nguyen Minh Tu, Dinh Thi Diem Huong, Ho Ngoc Lua, Phan Thi Thanh Phuong, Nguyen Le Thanh, Nguyen Thanh Hao, Tran Thanh Tu, Tran Thi My Hanh, Nguyen Thi Cam Linh, Ho Nguyen Minh Tan, Nguyen Khai Hoang An, Ha Thi Hien (Q.3), Nguyen Thanh Giang Tu, Cong Ty Luat HD Nghiem Va Chinh.
Đóng góp cho chương trình, bạn đọc xin vui lòng chuyển qua tài khoản:
Báo Tuổi Trẻ: 113000006100 tại Ngân hàng Công Thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ" hoặc tại phòng tiếp bạn đọc: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM và các văn phòng đại diện của báo trên cả nước.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về:
Báo Tuổi Trẻ
Tài khoản USD
007.137.0195.845
Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
Swift code BFTVVNVX007
Tài khoản EUR
007.114.0373.054
Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
Swift code BFTVVNVX007
Nội dung: Ủng hộ "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận