11/06/2011 07:39 GMT+7

Tàu cá Trung Quốc xông thẳng vào tàu Viking 2

ĐÔNG HÀ - MINH LUẬN thực hiện
ĐÔNG HÀ - MINH LUẬN thực hiện

TT - Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, về vụ tàu Viking 2 bị tàu cá Trung Quốc cố tình cắt cáp. Trong khi đó phía Trung Quốc lại ngang ngược đổ thừa tàu cá của họ bị phía Việt Nam rượt đuổi.

Read this on Tuoitrenews.vn

ejdcZgm6.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hùng Dũng (thứ tư từ trái sang) tặng giấy khen cho thủy thủ tàu Bình Minh 02 tại Nha Trang - Ảnh: Phạm Đình Kiên
Xem video tàu ngư chính Trung Quốc phá cáp tàu Việt Nam - Nguồn Petrotimes.vn

Chiều 10-6, tại TP Vũng Tàu, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Dũng - tổng giám đốc PTSC - xung quanh sự việc hai tàu khảo sát địa chấn của đơn vị này bị tàu hải giám, tàu cá Trung Quốc cố tình phá hoại, cắt cáp. Ông Dũng cho biết:

- PTSC được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khảo sát địa chấn để tiến hành thăm dò tài nguyên dầu khí, tài nguyên biển trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đây là dịch vụ truyền thống của PTSC. Nếu công tác khảo sát được tiến hành kỹ, thu thập được nhiều dữ liệu đầu vào sẽ tiết kiệm được chi phí cho công tác khoan thăm dò và đánh giá đúng tiềm năng vùng biển chủ quyền của nước ta.

* Thưa ông, tinh thần làm việc của các nhân viên tại các tàu khảo sát địa chấn trên vùng biển nước ta hiện tại như thế nào?

- Tôi khẳng định ngay tinh thần làm việc của anh em trên tàu cũng như của tổng công ty đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền là hoàn toàn vững vàng và bình thường. Bởi anh em làm việc đều có kiến thức về biển, đều biết rõ chủ quyền, quyền tài phán của nước ta đến đâu.

Những địa điểm mà PTSC đã và sẽ khảo sát đều nằm trong phần biển chủ quyền của nước ta theo luật pháp quốc tế. Tôi khẳng định lại, những việc PTSC làm là công việc sản xuất kinh doanh, dịch vụ bình thường, trong vùng chủ quyền của Việt Nam được pháp luật quốc tế công nhận.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với việc làm đúng đắn của mình, chúng tôi đã và sẽ được Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan chức năng bảo vệ và dư luận quốc tế ủng hộ.

* Ông đánh giá thế nào về việc tàu khảo sát địa chấn của PTSC liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công gần đây?

- Bên cạnh việc động viên tinh thần, lãnh đạo PVN và PTSC cũng chỉ đạo anh em phải hết sức bình tĩnh, không được manh động trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của đối phương. Việc tàu đánh cá số hiệu 62226 của Trung Quốc xâm phạm vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam, xông thẳng vào vị trí tàu Viking 2 đang hoạt động khảo sát là việc làm có chủ đích.

Khi phát hiện tàu 62226 quấy phá tàu Viking 2, các tàu bảo vệ của chúng tôi đã có cảnh báo bằng pháo hiệu, gọi loa... nhưng họ vẫn bất chấp. Điều này cho thấy đây không phải là tàu đánh cá bình thường của ngư dân Trung Quốc.

* Phía Trung Quốc nói rằng do tàu của Việt Nam đuổi tàu cá Trung Quốc nên họ bỏ chạy và làm cáp vướng vào chân vịt. Ông có ý kiến gì về phát ngôn này của Trung Quốc?

- Chúng tôi hoàn toàn phản đối phát ngôn đó. Bởi chúng tôi là đơn vị sản xuất trực tiếp ngoài biển, là người chứng kiến diễn biến sự việc. Cụ thể, tàu khảo sát Viking 2 đang chạy khảo sát theo hướng 900, lúc này tàu cá Trung Quốc chạy theo hướng 1800. Nhưng bất ngờ tàu cá Trung Quốc chuyển hướng sang phải và tăng tốc cắt ngang dây cáp của tàu Viking 2.

* Ông có thể cho biết tình hình hoạt động hiện nay của tàu Bình Minh 02 và Viking 2?

- Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục công việc hoạt động khảo sát bình thường trong vùng biển của đất nước mình. Anh em cán bộ, công nhân viên trên tàu cũng đã quán triệt rõ ràng nhiệm vụ này. Hiện tàu Bình Minh 02 đang làm việc bình thường theo kế hoạch, còn tàu Viking 2 đang gấp rút khắc phục sự cố để tiếp tục công việc.

Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ khảo sát và thu nổ địa chấn của các tàu Bình Minh 02, Viking 2 không đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị nhằm góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Các hoạt động khảo sát địa chấn và thăm dò dầu khí của PTSC diễn ra hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thuộc chủ quyền của Việt Nam và phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển cũng như các luật quốc tế có liên quan.

Với mục đích và ý nghĩa đúng đắn như trên, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tất cả hướng về tàu Bình Minh 02, Viking 2 với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thủy thủ, thuyền viên trên tàu yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

* Thưa ông, tàu cá Trung Quốc liên tục quấy phá hoạt động khảo sát của tàu Bình Minh 02, Viking 2, vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để hoạt động bình thường này không bị cản trở?

- PTSC chỉ thuần túy là một đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ nên chúng tôi không có trang bị gì ngoài những thiết bị kỹ thuật để làm nhiệm vụ khảo sát. Tuy nhiên, do bị các tàu Trung Quốc liên tục quấy phá nên hiện nay tập đoàn và tổng công ty đã có kế hoạch phối hợp cụ thể, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị chức năng khác để có kế hoạch và phương án bảo vệ phù hợp đối với tàu Bình Minh 02, Viking 2 với quyết tâm không để tái diễn việc cáp của chúng ta bị phá hoại.

Trả lời về câu hỏi xoay quanh phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc tàu 62226 cùng hai tàu ngư chính 311 và 303 của Trung Quốc phá cáp tàu thăm dò Viking 2 và đã xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam, ngày 9-6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngang nhiên cho rằng chính các tàu cá của họ đã bị phía Việt Nam rượt đuổi.

Ông Hồng Lỗi còn ngang nhiên nói rằng vấn đề cần chỉ rõ hiện nay đó chính là Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí và truy đuổi tàu cá Trung Quốc một cách phi pháp ở bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích biển cũng như chủ quyền của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi còn nói rằng Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội ngưng ngay mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng như không được lặp lại những hành động đe dọa đến an toàn tài sản và tính mạng của ngư dân Trung Quốc, không được lặp lại những hành động làm phức tạp hóa và gây tranh cãi về vấn đề biển Đông.

______________

Theo các báo cáo từ tàu khảo sát địa chấn Viking 2, chỉ riêng trong ngày 8-6 đã có hàng chục tàu cá Trung Quốc quấy rối việc khảo sát của tàu Viking 2. Để bảo vệ việc khảo sát của tàu Viking 2, PTSC G&M đã cử sáu tàu bảo vệ gồm các tàu Vạn Hoa 731, 734, 737, 746 và hai tàu HQ 954 và 621. Dù các tàu bảo vệ đi theo Viking 2 liên tục đẩy đuổi nhưng các tàu Trung Quốc vẫn cố tình xâm lấn vùng khảo sát của Viking 2. Cụ thể như sau:

Tại tọa độ 6048' Bắc - 109017' Đông, tàu Vạn Hoa 737 làm nhiệm vụ bảo vệ trước mũi tàu mẹ (Viking 2) đã đuổi tám tàu cá Trung Quốc không rõ số. Tại tọa độ 6047' Bắc -109019' Đông, tàu Vạn Hoa 746 bảo vệ mạn trái phía trước tàu Viking 2 đã đuổi ba tàu cá Trung Quốc số hiệu 80105, 80115 và 62226 (tàu này sau đó một ngày quay lại cắt cáp tàu Viking 2). Đáng chú ý, tại tọa độ 6047' Bắc-109021' Đông, chỉ trong ngày 8-6 đã có 26 tàu Trung Quốc quấy rối phía trước mũi tàu Viking 2, tất cả đã bị tàu bảo vệ Vạn Hoa 731 đẩy đuổi thành công.

Một lãnh đạo PTSC nói: “Căn cứ hành vi này của tàu 62226, có thể khẳng định rõ ràng họ hoạt động có chủ đích, có nhiệm vụ phá hoại theo những âm mưu, kế hoạch đã được vạch sẵn trước đó”. Các tài liệu Tuổi Trẻ có được cũng cho thấy các hoạt động phá rối của tàu Trung Quốc không phải là tàu đánh bắt hải sản bình thường. Điển hình như tàu cá số hiệu 62226 cắt cáp của tàu Viking 2 lúc 6g ngày 9-6-2011, trước đó đã có hành động phá hoại tàu Viking 2 và đã bị tàu bảo vệ đuổi đi. Cụ thể, vào sáng 8-6, tàu 62226 phá rối phía mạn trái phía trước tàu Viking 2, ngay lúc đó đã bị tàu bảo vệ Vạn Hoa 746 đẩy đuổi. Sáng sớm hôm sau, tàu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 tiếp tục quay lại phá hoại thiết bị của tàu Viking 2.

______________

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6 về việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển, ngư trường của VN và đặc biệt quấy nhiễu, phá cáp khảo sát của tàu Viking 2 hôm 9-6, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề cá VN, khẳng định: “Đây là hành động không thể chấp nhận của phía Trung Quốc. Hội Nghề cá VN kịch liệt phản đối hành động bành trướng này”.

Theo ông Thắng, việc Trung Quốc có lệnh tạm ngừng đánh cá từ ngày 16-5 đến 1-8 mà phạm vi mở rộng cả vào vùng biển VN là hoàn toàn sai trái. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều năm nay và phần nào nói lên ý đồ bành trướng, xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN. Ông Thắng cho biết không chỉ vụ việc sáng 9-6 với tàu khảo sát Viking 2, trong thời gian cấm biển đã có rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển VN. Điều này minh chứng rất rõ cho ý đồ bành trướng của Trung Quốc, khi nói cấm biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng thực tế vẫn có nhiều tàu cá của Trung Quốc hoạt động trên cả vùng biển VN.

Ông Thắng cũng cho biết trong vòng một tháng trở lại đây, Hội Nghề cá VN đã hai lần gửi công văn phản đối các hành động này tới Đại sứ quán Trung Quốc. Công văn gửi đi nhưng hội không hề nhận được phản hồi gì.

______________

Chiều 10-6, ông Cao Xuân Tiều, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định với địa hình đáy biển ở vùng biển tại tọa độ tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn (6O47'30'' Bắc - 109O17'30'' Đông), việc hành nghề lưới kéo ở đây không thể khả thi và hiệu quả. Cụ thể, theo ông Tiều, nền đáy của vùng biển này là đá gan gà và san hô nhiều tầng.

Nhiều ngư dân dày dạn kinh nghiệm, am hiểu biển Đông đang ở Vũng Tàu cũng cho biết vị trí tàu Viking 2 bị quấy rối có độ sâu gần 180m. Ở những vùng lân cận vị trí trên cũng có độ sâu từ 135-180m, nên đây không phải là ngư trường mà ngư dân tìm đến đánh bắt cá. Theo ngư dân Trần Văn Hai, qua hình ảnh tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải có thể khẳng định đây là loại tàu cá đánh lưới kéo đơn, bởi sau đuôi tàu cá có hai cần như cần cẩu.

Đây là loại tàu cá đặc trưng của Trung Quốc. Ông Hai khẳng định với độ sâu và địa hình đáy biển ở khu vực này đánh bắt bằng hình thức lưới kéo (giã cào) là không thể được. Vùng biển ở đây chỉ có thể đánh bắt được bằng hình thức lưới bao hoặc câu. Điều đáng nói, ở những vùng biển có đá gan gà nhiều cũng rất ít cá. Do đó có thể nói mục đích của tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển trên không phải là để đánh cá mà theo ý đồ tính toán từ trước.

ĐÔNG HÀ - MINH LUẬN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên