18/11/2022 08:41 GMT+7

Tàu cá gặp nạn vì dây điện gió

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Ngư dân tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khổ sở vì tàu cá vướng vào dây điện của một dự án điện gió trên biển. Dây dẫn điện đi nổi, không đảm bảo độ tĩnh không, khoảng cách giữa hai trụ điện quá gần khiến tàu thuyền gặp khó.

Tàu cá gặp nạn vì dây điện gió - Ảnh 1.

Ngư dân tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bức xúc vì dự án điện gió làm cản trở việc di chuyển trên luồng tàu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đứng trên mũi tàu, ông Nguyễn Văn Dũng - tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác thủy sản 2 (xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) - chỉ tay về cửa sông Hàm Luông nói: "Giờ muốn đi ra biển đánh bắt cá là phải chui qua mớ dây điện chằng chéo trên đầu vậy đó".

Tàu cá liên tục bị tai nạn

Cửa sông Hàm Luông hiện có hàng chục trụ tuốc bin điện gió và trụ dây dẫn 22kV thuộc dự án điện gió do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. Hai đường dây dẫn điện bắc ngang bên trên, tàu cá đi qua vướng làm đứt một đường dây, đường dây còn lại chỉ cách mặt nước vài chục mét. Tàu cá đi ngang phải vất vả né tránh. Tuy nhiên, gặp những lúc thời tiết xấu hoặc vào ban đêm thì không thể né được.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thời gian qua rất nhiều tàu cá của địa phương khi đi qua luồng tàu khu vực có dự án điện gió đã bị tai nạn. 

"Vào tháng 6-2022, tàu cá của Bến Tre đã va trúng sà lan đang thi công gây thiệt hại trên 350 triệu đồng. Tháng 9-2022, một tàu cá vướng vào dây điện của dự án khiến hệ thống định vị bị hư hại. Cùng ngày đó, tàu cá khác bị dây điện 22kV của dự án điện gió đứt rơi xuống tàu gây cháy hệ thống thông tin...", ông Nguyễn Văn Dũng liệt kê.

Ông Bảy - một tài công lâu năm tại huyện Ba Tri - cho biết dù đã quen với công việc lái tàu cá và đã có nhiều kinh nghiệm nhưng khi gặp gió mạnh là không dám cho tàu đi qua dự án điện gió. 

"Sóng có thể xô tàu va vào trụ bất cứ lúc nào vì khoảng cách giữa hai trụ quá gần", ông Bảy cho biết và kể thêm có một lần mạn tàu của ông đã sắp cạ vào trụ điện gió chỉ vì né một tàu khác chạy hướng ngược lại.

Sẽ đi âm đường dây dẫn

Trong buổi làm việc giữa Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh với các đơn vị liên quan, ông Cảnh đã kết luận trong hồ sơ phương án đảm bảo an toàn hàng hải do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu trình các cơ quan kiểm tra, cấp phép an toàn hàng hải chỉ thể hiện tọa độ các trụ tuốc bin, không thể hiện các trụ và đường dây 22kV.

Hệ thống trụ và đường dây 22kV băng ngang luồng chạy tàu của cửa sông Hàm Luông, không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào cửa sông Hàm Luông. Tỉnh Bến Tre đã yêu cầu phía công ty ngưng ngay việc thi công hệ thống trụ và đường dây 22kV cắt ngang luồng chạy tàu (đoạn nối từ trụ tuốc bin WTG2-2 sang trụ tuốc bin WTG3-2 và từ trụ tuốc bin WTG3-6 sang trụ tuốc bin WTG3-7), đồng thời điều chỉnh thiết kế, xây dựng phương án đảm bảo an toàn hàng hải, trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp phép.

Tại cuộc họp này, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra hai phương án cho chủ đầu tư chọn lựa: hoặc là xây dựng đường dây cáp ngầm kết nối hai trụ tuốc bin có độ sâu 12m xuyên qua tuyến luồng chạy tàu cửa sông Hàm Luông, hoặc xây dựng đường dây trên không vượt tuyến luồng chạy tàu cửa sông Hàm Luông với chiều rộng hai trụ 250m và chiều cao tính từ mặt nước trung bình đến vị trí dây dẫn gần nhất từ 48m trở lên.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì sau đó chủ đầu tư đã đi đường dây trên không nhưng không đảm bảo độ tĩnh không và khoảng cách giữa các trụ khiến tàu bè liên tục xảy ra tai nạn.

Bà Trần Thị Mỹ Châu - phó chủ tịch xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre - cho biết qua nắm bắt dư luận, thời gian qua nhiều ngư dân địa phương đang rất bức xúc trước việc trụ điện gió và đường dây dẫn điện băng ngang giữa luồng tàu, gây tai nạn cho ngư dân địa phương.

"Thẩm quyền của chúng tôi không thể giải quyết, chỉ có thể thông báo với ngư dân về lịch đóng điện của dự án điện gió nói trên để ngư dân tránh xa các trụ điện gió, trụ dây dẫn để đảm bảo an toàn. Còn những vấn đề ngư dân bức xúc thì chúng tôi ghi nhận để báo cáo cấp trên", bà Châu cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre - cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư dự án tháo dỡ dây dẫn điện trên không, đồng thời yêu cầu phải đi ngầm đường dây dẫn này. "Tuy nhiên, đi ngầm ở độ sâu bao nhiêu thì cần phải chờ cơ quan chuyên môn quyết định trước khi thực hiện", ông Sáu nói.

Rơi cánh quạt tại nhà máy điện gió ở Trà Vinh

Ngày 17-11, ông Phạm Văn Tám - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh - xác nhận đã nắm được sự cố rơi cánh quạt tại Nhà máy điện gió Đông Hải 1 ở huyện Duyên Hải.

Theo ông Tám, vào chiều 14-11 có xảy ra sự cố rơi cánh quạt tại trụ số 18 của Nhà máy điện gió Đông Hải 1 ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. "Các bên liên quan nơi sản xuất cánh quạt đang điều tra nguyên nhân cũng như khắc phục sự cố trên", ông Tám nói.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 thuộc Trung Nam Group đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, với tổng công suất 100MW, quy mô 25 trụ gió, bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh hằng năm.

HOÀI THƯƠNG

Một nông dân nuôi cá kèo kiện UBND thị xã liên quan đến dự án điện gió Một nông dân nuôi cá kèo kiện UBND thị xã liên quan đến dự án điện gió

TTO - Công ty điện gió gây thiệt hại nhiều ao nuôi cá kèo giá trị khoảng 7 tỉ đồng chưa được giải quyết thì UBND thị xã Vĩnh Châu đã huy động lực lượng xâm nhập trang trại và treo bảng "cấm vào". Chủ trang trại làm đơn khởi kiện.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên