Phát biểu tại Hội nghị lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam ngày 12-3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng phát huy tối đa nội lực.
Cùng đó là sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu nói riêng.
Thu hút có chọn lọc các ngành kinh tế số, công nghệ
Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Về đầu tư nước ngoài, ông Quang khẳng định đây là khu vực đóng vai trò quan trọng, song Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo ra sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Trong đó, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện...
Đồng thời thu hút các ngành công nghệ lõi tiềm năng như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế; nông nghiệp công nghệ cao…
Đánh giá nhiều tiềm năng hợp tác với khu vực Bắc Âu, Phó thủ tướng mong muốn hai bên có giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, nắm bắt cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến của doanh nghiệp, ông Quang khẳng định tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Tuy nhiên, ông mong muốn các doanh nghiệp Bắc Âu tăng cường hợp tác, mở rộng “củng cố các chuỗi cung ứng", đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định. Phát huy vai trò cầu nối, tăng cường gắn kết, tuyên truyền thông tin chính sách môi trường đầu tư của Việt Nam, kết nối doanh nghiệp.
Trong đó, cần thúc đẩy một số định hướng hợp tác mà doanh nghiệp Bắc Âu có thế mạnh như tài chính - ngân hàng, các ngành công nghiệp xanh, giáo dục đào tạo, y tế…
Chú trọng cải cách thủ tục, đào tạo nhân lực
Ông Quang cũng giải đáp những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, về cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương gắn liền với sự hỗ trợ, giúp đỡ tăng cường năng lực cho cấp cơ sở; kiểm soát quy hoạch, giám sát thực thi pháp luật, đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm bớt thủ tục hành chính, minh bạch hóa thủ tục.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số để đến cuối nhiệm kỳ này, tiến tới tất cả thủ tục hành chính của Việt Nam sẽ được đưa lên môi trường mạng để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu được một cách chi tiết; khuyến khích giao dịch qua môi trường điện tử.
Việc đào tạo nhân lực sẽ luôn được quan tâm, chú trọng, song ông Quang mong muốn doanh nghiệp Bắc Âu hợp tác trong đào tạo nghề, đào tạo chuyên sâu, đặc biệt lĩnh vực bán dẫn…
Về cung ứng điện và giảm phát thải, Phó thủ tướng khẳng định không thiếu điện và Việt Nam đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo hướng nâng tỉ lệ của năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về nông nghiệp, ông cũng cho biết Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đủ năng lực cung cấp lương thực cho nhiều nước.
Với nhiều thành tựu từ các hoạt động ngoại giao, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực để mở rộng thị trường, phù hợp với xu hướng thế giới…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận