Phóng to |
Học sinh tranh thủ ăn tối trước khi vào luyện thi tại Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) - một điểm học của cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng - (ảnh chụp chiều 22-5-2012) - Ảnh: Như Hùng |
Gần 21g một ngày trung tuần tháng 5-2012, chúng tôi dạo qua Trường THPT Ernst Thalmann (một trong những điểm trường mà cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng tổ chức dạy luyện thi cho học sinh lớp 9), học sinh ùa ra ồn ào, náo nhiệt không thua gì giờ học chính khóa.
Vừa ngóng con, anh Hưng - một phụ huynh ở Q.Bình Tân - cho biết: “Một tuần cháu nhà tôi luyện thi hết năm buổi tối. Hằng ngày, sau giờ làm tôi mua hai ổ bánh mì rồi vội vã đến trường đón cháu chở thẳng đến đây. Đường phố bây giờ đông đúc quá, thường đi mất hơn 60 phút, trong thời gian đó cháu có nhiệm vụ ăn hết ổ bánh mì để lấy sức học tiếp. Nhà xa, có về cũng không kịp nên tôi đành đứng chờ hết ba giờ rồi chở cháu về”.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Hưng giải thích: “Phải cho cháu luyện thi mới có cơ hội đậu vào lớp 10 chuyên được. Cháu ước mơ được học ở Trường phổ thông Năng khiếu. Nếu không được vẫn hi vọng thi đậu lớp chuyên toán ở Trường Mạc Đĩnh Chi”.
Học cả ngày lẫn đêm
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này học sinh lớp 9 đang “chạy nước rút” để cố gắng “nạp” vào đầu thật nhiều kiến thức phục vụ kỳ thi quan trọng sắp tới. Và đa số thí sinh có nguyện vọng vào trường, lớp chuyên đều đang trải qua một thời gian biểu giống nhau: sáng - chiều học ở trường, tối học luyện thi.
Căng thẳng tỉ lệ “chọi” Theo thống kê ban đầu của Sở GD-ĐT TP.HCM, tỉ lệ “chọi” vào lớp chuyên ở Trường THPT Lê Hồng Phong là 1/6,8 (tính theo số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1); Trường Trần Đại Nghĩa là 1/6 (tính theo số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vì các học sinh thường chọn nguyện vọng 1 vào Lê Hồng Phong, nguyện vọng 2 vào Trần Đại Nghĩa). Tỉ lệ “chọi” vào lớp không chuyên ở Trường Lê Hồng Phong là 1/19, ở Trường Trần Đại Nghĩa là 1/26,6. |
Ngoài việc học ở các trung tâm luyện thi có tiếng, mô hình đang được nhiều phụ huynh, học sinh ưa chuộng là xin học trực tiếp tại nhà của các giáo viên nổi tiếng “mát tay” trong việc luyện thi vào lớp 10 chuyên. Thầy N.Đ.T., một giáo viên nổi tiếng “mát tay” trong công tác đào tạo học sinh giỏi, kể: “Ba phụ huynh tự tổ chức một lớp học ở Q.Bình Thạnh rồi mời tôi qua đó dạy ngay từ hè năm lớp 8. Trong đó có người ở tận Q.9 vẫn chở con lên, không nghỉ buổi nào”.
Ngoài việc đầu tư về thời gian, các phụ huynh còn không ngại đầu tư về kinh phí, nếu như cho con em luyện thi ở các trung tâm với mức phí chỉ vài trăm ngàn/tháng thì mức học phí học riêng với thầy giỏi hiện 1,5-2 triệu đồng/tháng/học sinh.
Tại lớp luyện thi môn hóa của thầy T. ở Q.Tân Bình, gần 30 học sinh ngồi chen chúc trong phòng khách nhà thầy chỉ rộng khoảng 20m2. Theo thầy T: “Dạy kèm 5-8 em một lớp là lý tưởng nhất. Lớp ít học sinh giáo viên sẽ sâu sát hơn, dễ phát hiện điểm mạnh, yếu của từng em và điều chỉnh bài dạy của mình cho hợp lý. Sự trao đổi giữa thầy và trò cũng nhiều hơn, học sinh có thắc mắc gì sẽ hỏi được ngay. Tôi đã giải thích như thế nhưng phụ huynh cứ đến năn nỉ mãi, họ bảo thầy cố gắng dạy như thế nào cho cháu đậu vào trường chuyên, thời bây giờ nếu không học trường chuyên sẽ khó có cơ hội đậu vào các trường đại học lớn...”.
Quan trọng vẫn là năng lực của học sinh
“Thường xuyên thấy phụ huynh ngồi đợi con dọc dài ngoài cổng trường, tôi hỏi chuyện mới biết nhiều người trong số ấy ở ngoại thành, vùng ven. Đường sá xa xôi lại hay bị kẹt xe, họ đưa con đi rồi ở lại đợi con học xong mới về. Thế mà nhiều người bắt đầu hành trình ấy ngay từ khi con học lớp 4 đến bây giờ để con em thi vào lớp 10 chuyên. Phụ huynh nào chậm nhất cũng cho con đi học thêm từ hè năm lớp 8 với quyết tâm con mình sẽ được học trường chuyên” - bà Đàm Lê Đức cho biết.
Thế nhưng, thầy H. - giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM - lại nhận định: “Học sinh đang phải luyện thi quá căng thẳng. Các em đã bị cha mẹ tác động, ép buộc phải học thêm cái này, phải học thêm cái kia mà không xem xét lực học thật sự của con em mình ra sao. Tỉ lệ chọi vào lớp 10 chuyên Trường phổ thông Năng khiếu hằng năm đều ở mức 1/11 nhưng nhiều em ở vùng sâu vùng xa, không luyện ngày nào vẫn thi đậu”.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Tấn - hiệu trưởng cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thăng Tiến - Thăng Long - đúc kết: “Điều thuận lợi của việc luyện thi là các em được làm quen với nhiều mẫu đề khác nhau, rèn luyện phương pháp giải toán nhuần nhuyễn hơn. Tuy nhiên, luyện thi vào lớp 10 chuyên có đặc thù riêng: ông thầy chỉ đóng vai trò 10-15% thành công, phần còn lại chính là năng lực thật sự của học sinh. Tôi biết nhiều học sinh nghèo ở Quảng Ngãi không luyện thi ngày nào nhưng các em có tinh thần tự học, tự tìm hiểu thêm qua sách báo, Internet, có sự đam mê học hỏi... vẫn đậu vào các trường chuyên nổi tiếng ở TP.HCM”.
Thầy H. kết luận: “Vấn đề quan trọng nhất là các em có kiến thức nền tảng hay không, có năng khiếu thật sự hay không. Bởi mục đích của việc tuyển sinh vào các trường, lớp chuyên là tìm học sinh giỏi. Nếu bản thân học sinh không có năng lực thì có nhồi nhét bao nhiêu cũng bằng không. Một ông thầy giỏi cũng không thể biến không thành có được”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận