26/11/2014 09:10 GMT+7

​Tất bật lo cụm thi quốc gia

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Nhiều trường ĐH cho biết thời gian qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trực tiếp về trường để khảo sát và giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Thí sinh xem bài giải trên báo Tuổi Trẻ sau khi thi xong môn toán tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh xem bài giải trên báo Tuổi Trẻ sau khi thi xong môn toán tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 - Ảnh: Như Hùng

Dù đã có kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, nhưng các trường vẫn xác định nhiệm vụ mới phức tạp hơn vì thí sinh đông hơn, số môn thi nhiều hơn và quan trọng không chỉ tổ chức thi cho thí sinh dự thi vào trường mình...

Sẽ có cụm 50.000 thí sinh

Thí sinh được tự chọn cụm thi gần nhà nhất

“Các cụm thi liên trường trước đây phục vụ thí sinh cả vùng có nguyện vọng dự thi vào các trường ở Hà Nội hoặc TP.HCM.

Cụm thi do các trường ĐH chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới dự kiến sẽ phân bố đều hơn, nghĩa là dành cho thí sinh vài ba tỉnh lân cận dự thi để thuận lợi trong việc đi lại.

Thí sinh tham dự kỳ thi tại các cụm thi này dùng kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Trước đây thí sinh phải thi tại trường có tổ chức thi hay tại bốn cụm thi liên trường ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ.

Sắp tới thí sinh sẽ lựa chọn cụm thi gần nhà nhất, thuận lợi nhất để tham gia dự thi” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Trước đây, Bộ GD-ĐT nhiều lần đưa ra “quy ước” mỗi cụm thi không quá 30.000-40.000 thí sinh. Song đến nay, thực tế ở một số địa phương, số lượng thí sinh ở một cụm thi có thể lên đến hơn 50.000.

Theo ông Hoàng Văn Thi - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã trực tiếp về trường để bàn xung quanh việc tổ chức cụm thi.

Theo đó, Trường ĐH Hồng Đức đang được chọn để đảm nhận vai trò chủ trì cụm thi cho toàn bộ thí sinh hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình tham dự kỳ thi THPT quốc gia với khoảng 50.000 thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng tổ chức kỳ thi cho hơn 30.000 thí sinh từ gần... 20 năm trước, trường hoàn toàn tự tin có thể chủ trì tốt cụm thi Thanh Hóa - Ninh Bình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết kinh nghiệm tổ chức thi chung những năm trước cho thấy điều kiện lý tưởng để tổ chức tốt các cụm thi là số lượng thí sinh ở mức vừa phải, khoảng 30.000-40.000 thí sinh.

Tuy nhiên trên thực tế, để bảo đảm các nguyên tắc tổ chức cụm thi, về sự thuận lợi cho thí sinh, khả năng đảm đương nhiệm vụ của các trường, nên sẽ có những cụm thi có số lượng thí sinh vượt 40.000 nhưng cũng có cụm thi dưới 30.000 thí sinh.

Điều đáng nói là các năm trước, khi tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nhiều trường luôn than phiền “lỗ vốn” vì bất đắc dĩ phải gánh thí sinh thi nhờ vào trường khác, thì năm nay không ít trường lại xung phong để được làm cụm trưởng cụm thi cho dù với cách thi mới “thi trước, chọn trường sau” không thể biết đích xác thí sinh nào sẽ dự thi vào trường mình.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện có các trường như ĐH Thủy lợi, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH An Giang...

Ông Trịnh Minh Thụ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi - cho biết năm ngoái tổ chức “ba chung” trường lỗ vài trăm triệu đồng, nhưng năm nay vẫn quyết định đề nghị được giao chủ trì cụm thi để chủ động hơn trong công tác tổ chức thi.

Theo ông Thụ, nhiều người nghĩ thi ĐH trước đây mang tính cạnh tranh cao hơn vì thí sinh chung phòng thi, trường thi là cùng thi vào một trường, nhưng nay thi trước, chọn trường sau, không ai biết ai có nguyện vọng thi vào đâu nên có thể thí sinh mang tâm lý dễ dãi hơn, dễ “chia sẻ” hơn.

“Theo tôi, về hình thức, Bộ GD-ĐT nói đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét vào ĐH, nhưng bản chất đây là kỳ thi có mục tiêu chính để tuyển sinh ĐH và xét công nhận tốt nghiệp. Do đó, các trường được giao chủ trì phải thực hiện như thi ĐH trước đây, nâng cao trách nhiệm, tập huấn giám thị kỹ lưỡng”- ông Thụ phân tích.

Ông Thụ cho rằng nếu được giao chủ trì cụm thi thì chỉ có một chút khó khăn là trước đây trường có thể sử dụng hoàn toàn giảng viên trường mình coi thi, còn khi quy mô cụm thi lớn, trường sẽ phải nhờ sự hỗ trợ từ các trường ĐH lân cận.

“Không phải giảng viên do mình quản lý trực tiếp tất nhiên có thể sẽ khó hơn bình thường...” - ông Thụ nói.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, sau khi thống nhất phương án tổ chức cụm thi, dự kiến sẽ có cuộc họp giữa các trường đã tổ chức các cụm thi liên trường trước đây và các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi năm nay để trao đổi kinh nghiệm.

Vẫn có ĐH lớn về địa phương hỗ trợ

Trước đó, tại các hội nghị về tuyển sinh trước đây, một số trường ĐH bày tỏ lo lắng việc để trường ĐH về địa phương chủ trì cụm thi sẽ gây tốn kém, mà cũng không đảm bảo đem lại một kỳ thi trung thực.

Ông Nguyễn Quý Khoát - phó giám đốc Học viện An ninh nhân dân - cho rằng kể cả điều lãnh đạo trường ĐH danh tiếng về địa phương phối hợp công tác coi thi thì công tác tổ chức vẫn có thể gặp khó vì chỉ có lãnh đạo trường ĐH lớn thôi không đủ, không có giảng viên của mình thì không làm được gì, không can thiệp được với địa phương.

Song đến thời điểm này, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sau khi nghiên cứu, khảo sát, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ tận dụng nguồn lực tại chỗ, giao các trường ĐH tại địa phương đủ năng lực chủ trì cụm thi.

Tuy nhiên, việc giao hoàn toàn cho ĐH địa phương chủ trì cụm thi lại khiến một số chuyên gia lo ngại.

“Ví dụ ở Hà Nội, nếu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì cụm thi mà quy mô cụm thi quá lớn, nhân lực trong trường không đủ, trường hoàn toàn có thể nhờ trợ giúp từ giảng viên các trường lân cận như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Xây dựng. Tương tự, nếu Trường ĐH Thủy lợi chủ trì thì xung quanh khu vực đó có một loạt trường như Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Công đoàn... giúp sức.

Còn ở địa phương, có nơi chỉ có một trường ĐH, năng lực chính ĐH địa phương ấy còn hạn chế, nhân lực không đủ, lại “bao sân” quy mô thí sinh quá lớn thì rốt cuộc, không cách nào khác sẽ phải huy động chủ yếu giáo viên THPT. Giáo viên THPT coi thi học sinh THPT của chính địa bàn ấy không thể không lăn tăn...” - lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội chia sẻ.

Tiếp nhận thông tin này từ Tuổi Trẻ, ông Ga cho biết với một số nơi mà ĐH ở địa phương chưa đáp ứng hết các điều kiện đặt ra cho một ĐH chủ trì cụm thi, bộ đã có kế hoạch giao nhiệm vụ cho một vài trường ĐH lớn, đủ năng lực về địa phương hỗ trợ, phối hợp thi, bảo đảm an toàn nghiêm túc.

Thực tế, trước nay khi Bộ GD-ĐT mới bố trí bốn cụm thi quốc gia, nhiều trường ĐH lớn như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Thủy lợi cũng vẫn chủ động bố trí nhân sự đến các cụm thi làm công tác giám sát coi thi.

Song trước đây các trường chủ động giám sát việc coi thi cho thí sinh thi vào trường mình, còn năm 2015 do không biết trước thí sinh chọn trường nào nên việc giám sát, hỗ trợ sẽ do Bộ GD-ĐT phân công, giao trách nhiệm.

ĐBSCL: dự kiến 3 cụm thi

PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: “Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 khu vực ĐBSCL sẽ có ba cụm thi: Cần Thơ, Đồng Tháp và Trà Vinh.

Trong đó cụm Cần Thơ có số thí sinh nhiều nhất với khoảng 74.000, hai cụm còn lại khoảng 20.000 thí sinh.

Tuy vậy, theo tôi thì nên có thêm cụm An Giang vì những năm qua ĐH An Giang tổ chức thi tuyển sinh khá tốt. Mặc dù đã dự kiến ba cụm thi nhưng đến thời điểm hiện tại bộ vẫn chưa phân chi tiết thí sinh ở tỉnh nào sẽ dự thi ở cụm nào.

Ngày 27-11 Bộ GD-ĐT sẽ vào làm việc với các cụm ở đây và có thể khi đó sẽ có phân bổ chi tiết học sinh trường THPT nào dự thi ở đâu.

Riêng với cụm Cần Thơ, những năm qua lượng thí sinh khá lớn nên năm nay ĐH Cần Thơ đã gửi công văn cho UBND tỉnh Vĩnh Long xin ý kiến chỉ đạo thành lập điểm thi của cụm thi do ĐH Cần Thơ chủ trì ở tỉnh Vĩnh Long. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chấp thuận đề xuất này.

Đây là lần đầu tiên ĐH Cần Thơ mở rộng điểm thi của cụm sang tỉnh khác ngoài TP Cần Thơ.

Việc tổ chức điểm thi tại tỉnh Vĩnh Long sẽ giúp học sinh tỉnh này đỡ phải di chuyển cũng như giảm áp lực lượng thí sinh đổ về TP Cần Thơ. Tuy nhiên, cụm Cần Thơ chỉ mượn điểm tổ chức thi tại Vĩnh Long, toàn bộ cán bộ coi thi, chấm thi đều do ĐH Cần Thơ chủ trì thực hiện”.

M.G.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên