Tác giả Nguyễn Thị Hậu (giữa) chia sẻ câu chuyện bảo tồn di sản Sài Gòn tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền |
Khách mời cùng dẫn chuyện là nhà văn Nguyễn Đông Thức - một cư dân Sài Gòn nặng tình với những trang viết.
Và trong hai phần nội dung của tập Nghĩ ngợi đường xa, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng ông thích phần hai bao gồm những câu chuyện về bảo tồn di sản Sài Gòn - một đô thị từng sầm uất và có bề dày văn hóa.
Có những con số từ tập sách được nhiều bạn đọc tại buổi ra mắt sách chú ý, như 40% biệt thự của Sài Gòn cũ nay bị phá hủy hoàn toàn, đa số biệt thự cũ đang được sử dụng không đúng với công năng...
Tác giả Nguyễn Thị Hậu tâm sự rằng cái nhan đề Nghĩ ngợi đường xa là một phần suy nghĩ của cô, từ những chuyến đi xa nhớ về Sài Gòn và khi ở Sài Gòn nghĩ đến những đất nước xa xôi.
Rằng mai đây Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng còn những gì là di sản? Trong khi hệ thống di sản ở thành phố nào được bảo quản tốt thì thành phố ấy sẽ luôn phát triển cả về kinh tế và tinh thần của người dân.
Bởi những cư dân ở đấy không bị mất ký ức của mình với thành phố - nơi không đơn thuần chỉ là nơi cư trú.
Nhiều bạn đọc chia sẻ ý kiến rằng những người lớn tuổi có ký ức với Sài Gòn nên thương tiếc những di sản bị phá bỏ hay hư hại đã đành, có cả những người trẻ vừa đến Sài Gòn không lâu cũng tha thiết giữ gìn những giá trị di sản từ vật chất đến tinh thần của mảnh đất này...
Đồng ý với nhận xét đó, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng ngoài đặc điểm là vùng đất của những cơ hội tìm kiếm thành công và an cư lạc nghiệp, người nhập cư dành cảm tình cho Sài Gòn còn có lý do:
Họ bị thuyết phục bởi cư dân và đời sống ở đây, bị thuyết phục bởi chính người Sài Gòn, cảm giác an tâm, đời sống thoải mái, các mối quan hệ và cảm tình, lượng tri thức thu nhận được qua giao tiếp, công việc...
Đó là những yếu tố làm nên sức mạnh níu kéo những “người xa xứ” một khi đã “đến đây thì ở lại đây”.
Thế nên, ai càng nặng tình với Sài Gòn càng thấy câu chuyện bảo vệ giá trị di sản ở đây là rất bức thiết.
“Có những thứ đến nay không còn giữ được nữa rồi, như Ba Son, như bùng binh Nguyễn Huệ và bùng binh chợ Bến Thành.
Rồi mai đây cái từ “bùng binh” đậm chất Sài Gòn liệu có còn ai hiểu một khi thực thể của khái niệm ấy không còn trong đời sống” - TS Hậu lo lắng.
Quan trọng hơn, nhìn từ lịch sử, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng việc đấu tranh bảo tồn di sản ở Sài Gòn “chính là con đường hòa giải với quá khứ, bởi ký ức của người dân gắn với các di sản đô thị ở đây, nếu chúng ta không đủ trân trọng, không gìn giữ được các giá trị này, ký ức của người dân sẽ bị tổn thương” - bà nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận