Năm 1924, nhà thám hiểm người Mỹ Joseph Rock (1884- 1962) đã ghi nhận vùng núi cao trên dãy Himalaya này là "nơi bình yên cuối cùng trên hành tinh, nơi cuối cùng không có chiến tranh, nơi mà cư dân sống bình yên và chan hòa".
Một phụ nữ Ma Thoa xinh đẹp được xuất hiện trong quảng cáo du lịch
Mãi cho đến thập niên 50 của thế kỷ trước, tộc người Ma Thoa thiểu số ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vẫn theo chế độ mẫu hệ độc tôn, và xem nam giới "không là gì cả".
Và đặc biệt, tại vùng đất này không có hai khái niệm "cưới hỏi" và "cuộc sống vợ chồng" bởi sinh hoạt tình dục là hoàn toàn tự do, tùy theo sở thích của mỗi người.
Trẻ em sinh ra chỉ biết mẹ mà thôi và những người cậu sẽ thay cha gánh vác trách nhiệm nuôi dạy chúng.
Nhà thám hiểm người Mỹ Joseph Rock trong thời gian khảo cứu tại Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 - Ảnh: GEO
Khi bước vào độ tuổi 13- 14, trẻ em cả nam lẫn nữ sẽ bắt đầu "yêu". Khi đó, bé gái sẽ được đặt cho tên mới và được nhận một phòng riêng - "phòng hoa chúc" - để có thể tự do tiếp đón tất cả các bạn trai nào mà em thích, không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội gì cả.
Riêng các chàng trai thì phải hành động kín đáo bằng những "cuộc viếng thăm vụng trộm": chui vào phòng qua cửa sổ khi màn đêm buông xuống và ra về vào sớm sáng hôm sau.
Chàng trai sẽ "bắn tin" bằng cách gãi gãi nhẹ vào lòng bàn tay cô gái, nếu đồng ý, cô gái không rút tay lại và cho anh ấy vào phòng. Một cô gái cũng có thể đón nhiều chàng trai lần lượt trong cùng một đêm.
Bà Du Zhi Ma, 61 tuổi, sống chung với bạn trai là Gan Ru từ năm 18 tuổi. Hiện bạn trai vẫn thường lui tới nhà bà nhưng chỗ ở chính thức của ông ấy vẫn là nhà mẹ ruột - Nguồn: GEO
Tuy nhiên, "người đến từ phương xa" sẽ luôn được ưu tiên số một, mục đích là để tránh đồng huyết thống. Và hẳn nhiên là cô gái không được chọn người trong cùng một dòng tộc vì cũng có quy luật chặt chẽ là những người thân khác phái trong cùng một dòng tộc bị cấm tất cả những cử chỉ gì liên quan đến tính dục, thậm chí họ cũng không được nhảy múa cùng nhau trong những ngày hội làng.
Hiện nay vẫn vậy, nam nữ trong cùng một dòng tộc không được phép ngồi xem tivi chung để tránh cả hai phải xem những cảnh tình tứ có thể có trên màn hình.
Phụ nữ Ma Thoa chuyển sống hiện đại
Hai chị em Jua Ma và La Tsuo xuất thân từ dân tộc thiểu số Ma Thoa ở tỉnh Vân Nam . Họ lên thủ đô Bắc Kinh kiếm sống nhưng bị mất việc do kinh tế giảm tăng trưởng nên phải quay trở về làng quê trên sườn núi Himalaya.
Khi trở về làng, hai chị em cũng phải tìm cách mưu sinh để nuôi gia đình. Người chị cả Jua Ma theo đuổi nghề ca hát còn cô em La Tsuo thì ở nhà làm nông nhưng vẫn mong ước sẽ tìm được một cuộc sống tốt hơn trên thành phố chứ không nghĩ là mình sẽ bám mãi với ruộng nương.
Hai chị em Jua Ma và La Tsuo - Ảnh: AFP
Quan niệm "chiếc bình tưới"
Trong suốt thời gian quen nhiều bạn trai, cô gái có thể mời một người mà mình thích nhất về nhà dùng bữa với gia đình. Anh ấy cũng có thể ở lại nhà cô một thời gian, nhưng phải làm việc nhà cho cô gái và chấp nhận những chàng trai khác bí mật đến "phòng hoa chúc" vào ban đêm.
Cho nên, trong cộng đồng người Ma Thoa không hề có khái niệm "ghen tuông" và trong ngôn ngữ của họ cũng không có chữ này.
Nói cho cùng, tập tục tự do tính dục là nhằm để loại bỏ tình trạng ức chế về thể xác và tránh hiện tượng mua bán dâm. Cư dân ở đây cũng không hề biết khái niệm "mua bán dâm" là gì cả.
Về mặt sinh học, trong quan niệm của người Ma Thoa, tinh dịch chỉ là "nước" dùng để "tưới cây" mà thôi, còn hình hài của bào thai trong bụng mẹ đang lớn dần lên là do chính xương cốt của người phụ nữ tạo thành. Điều này được hiểu là nam giới chỉ là chiếc bình tưới cho cây non mọc lên, không hơn không kém.
Bà Geiku Dorma, 77 tuổi, hình chụp tại nhà riêng. Hiện nay nhờ du lịch trong vùng đang phát triển nhanh, gia đình bà mở một quán ăn phục vụ du khách đến tham quan văn hóa Ma Thoa và thưởng thức vẻ đẹp trong vùng - Ảnh: GEO
Trong xã hội Trung Quốc hiện đại ngày nay, việc quản lý dân số bắt buộc phải ghi tên đứa trẻ vào sổ hộ khẩu gia đình để nó được hưởng các chính sách và được đi học, cho nên trong cộng đồng người Ma Thoa hiện nay, cứ sau mỗi lần cô gái ngủ với một người tình qua đêm thì họ được làm cho một "chứng nhận hôn nhân" để đứa bé sinh ra sẽ được nhập hộ khẩu hợp lệ.
Còn nếu như người bạn trai nào không muốn ra mặt thì anh hoặc em trai của cô gái sẽ đứng ra khai tên trong "hôn thú" giùm.
Những hình ảnh về người Ma Thoa:
Bà Naju Dorma, 73 tuổi, và bà Lacuo Dorma, 66 tuổi, là người làng Lô Thủy, trong trang phục truyền thống của người Ma Thoa - Ảnh: GEO
Một bà ngoại người Ma Thoa và đàn cháu trong gia đình không biết cha là ai - Ảnh: GEO
Phụ nữ Ma Thoa ngày xưa - Ảnh: GEO
Phương tiện vận chuyển thủy trên hồ Lô Cô vẫn là những chiếc xuồng gỗ vì thuyền máy bị cấm để không làm ô nhiễm nước hồ. Theo tín ngưỡng của người Ma Thoa, nữ thần Gemu sống trên núi cao gần đó và nước hồ Lô Cô là do nước mắt của nữ thần chảy ra sau một lần thất tình - Nguồn: GEO
Bà Sada Dorma, 77 tuổi, người làng Ngọc Khê tỉnh Vân Nam: "Cách đây vài năm, nhiều du khách đã đến Ngọc Khê để tham quan các hang động rất đẹp. Nhưng 2 năm trước, chính quyền cho xây một sân bay trên vùng núi gần đây và giờ thì đường bộ đi lại rất khó khăn" - Ảnh: GEO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận