Sáng 20-9 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất.
Phát triển cao tốc Tây Nguyên
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh các bộ ngành và lãnh đạo địa phương phải tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng kết nối nội vùng Tây Nguyên và giữa Tây Nguyên với các vùng khác.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2023 để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương.
Trong đó, bộ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để các tỉnh Tây Nguyên đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; các chính sách về phát triển kinh tế rừng, giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân; công tác quản lý và bảo vệ môi trường; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực.
Trong phần thảo luận, đa số lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều nhấn mạnh Chính phủ cần ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Nghiên cứu đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa); mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…
Đã có hành lang pháp lý
Về những lo ngại của các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trao đổi hành lang pháp lý đã có đủ và các nhiệm vụ trên sẽ sớm được triển khai, sau đó sẽ đẩy mạnh thực hiện trong 2 năm tiếp theo để kịp thời hạn đề ra. Các địa phương phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt và lưu ý về biến đổi khí hậu, công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ông nhận định hội nghị như là sự khởi đầu để hội đồng vùng cùng xây dựng cơ chế riêng thúc đẩy phát triển toàn vùng. Theo ông, trước mắt ưu tiên cho ba nhiệm vụ chính.
Thứ nhất là hoàn thiện, kết nối hạ tầng giao thông cho toàn vùng, sau đó liên kết với các vùng, địa phương lân cận.
Thứ hai, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần xây dựng cơ chế để phối hợp trong việc thực hiện thu hút, xúc tiến đầu tư với nguyên tắc vì lợi ích chung của toàn vùng.
Thứ ba là triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp theo chuỗi, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy sản xuất để tận dụng lợi thế của khu vực.
Hội đồng điều phối vùng thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận