Thí sinh tham quan thư viện Học viện Cán bộ TP.HCM sau khi đăng ký xét tuyển vào học viện - Ảnh: T.HUỲNH |
Học viện vừa thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 ngành học này với 200 chỉ tiêu.
Vì sao ngành quản lý nhà nước được học viện chọn là “mũi nhọn” đầu tiên? Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cho biết: “Trong quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là bộ phận quản lý nhà nước, trở thành nơi phục vụ nhân dân vô cùng quan trọng.
Ý thức được tầm quan trọng này, nhà trường đã tiên phong xây dựng chương trình đào tạo ngành quản lý nhà nước để được phép đào tạo cử nhân quản lý nhà nước, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các cơ quan phường, xã, quận, huyện và các sở ban ngành làm tốt dịch vụ công”.
* Cụ thể hơn, sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức gì, thưa ông?
- Trong số thí sinh vừa trúng tuyển đợt 1 năm nay, có khoảng 60% là công dân TP.HCM, 40% còn lại đến từ các tỉnh thành khác. Để đáp ứng việc cung cấp nguồn nhân lực nói trên, học viện sẽ phải đào tạo ra những sinh viên có kiến thức chuyên môn giỏi, có kỹ năng chuyên nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi đặt nặng việc trang bị cho người học kiến thức và yêu cầu họ phải đạt chuẩn quốc tế về ngoại ngữ, tin học...
Trong quá trình học, sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, xây dựng chương trình, thuyết trình trước công chúng, giao tiếp...), đặc biệt là các kỹ năng sống. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo có phần trang bị kiến thức thực tế cho người học. Theo đó, từ năm thứ ba, sinh viên sẽ được đi thực tế tại các cơ quan, đơn vị ở các quận, huyện.
Ngoài ra, học viện cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và công tác sinh viên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đào tạo kỹ năng. Trung tâm sẽ đồng hành cùng sinh viên ngay từ khi các em bước vào học viện, cán bộ của trung tâm sẽ cùng sống và làm việc, hỗ trợ sinh viên...
Tốt nghiệp ngành học này, sinh viên còn được công nhận đạt chuẩn trung cấp lý luận chính trị.
* Vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp luôn được người học quan tâm. Trước khi quyết định mở ngành này, học viện có khảo sát nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực ngành quản lý nhà nước?
- Mục tiêu đào tạo của ngành quản lý nhà nước là nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về hành chính học, kiến thức chuyên sâu về quản lý hành chính nhà nước (trên các lĩnh vực đô thị, tài nguyên môi trường, đất đai, văn hóa giáo dục, quản lý kinh tế...).
Học đến năm thứ tư, sinh viên sẽ được đào tạo, thực tập theo từng lĩnh vực chuyên sâu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có kiến thức và những kỹ năng hành chính, đảm đương được công việc của chuyên viên trong lĩnh vực hành chính và quản lý hành chính nhà nước.
Sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý nhà nước có đủ năng lực chuyên môn để được tuyển dụng làm cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước, khu vực công (các bộ, sở, ban ngành, UBND cấp tỉnh thành, quận huyện, xã phường, đoàn thể...) và nhân viên hành chính, thư ký văn phòng tại các doanh nghiệp. Ngành học này trang bị cho sinh viên kỹ năng văn phòng, kỹ năng quản lý, quản lý hành chính...
Công ty nào cũng có văn phòng, phòng tổ chức hành chính nên đều cần đội ngũ quản lý các bộ phận này. Vì vậy, đầu ra của ngành này rất đa dạng. Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta còn rất lớn.
Tốt nghiệp khá, giỏi sẽ được chọn đào tạo chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ Những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được Thành ủy TP.HCM lựa chọn để đào tạo theo chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ. Thành ủy đã đặt hàng cho học viện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này nên có sự tham gia trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đào tạo, cụ thể như giám đốc các sở sẽ thường xuyên báo cáo chuyên đề cho sinh viên. Đội ngũ giảng viên rất nhiều người từng là phó chủ tịch quận huyện, trưởng phòng các sở ban ngành, bí thư, chủ tịch phường... với nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận lời đến chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên học viện. Hầu như các xã phường, quận huyện, ban ngành đều rất cần tuyển dụng các cử nhân quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình, với nhu cầu rất lớn. Chủ trương tinh giản biên chế hiện nay không có nghĩa là không tuyển chọn người tài. Vấn đề còn lại là học viện phải đào tạo được nguồn nhân lực đảm đương, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. |
Ông Trương Văn Phỉ (TP.HCM, phụ huynh của thí sinh Trương Vũ Huy Hoàng): Hi vọng có việc làm trong cơ quan nhà nước Tôi chọn Học viện Cán bộ TP.HCM vì là trường của Thành ủy TP.HCM. Đây là năm đầu tiên học viện tuyển sinh đào tạo cho nhu cầu nhân lực TP trong tương lai, ở cấp phường, quận trở lên. Hôm rồi tôi đưa con đi dự Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ của báo Tuổi Trẻ thì gặp gian hàng của học viện. Cô nhân viên tư vấn cho biết trong quá trình học, trường tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát thực tế tại các cơ quan hành chính trên địa bàn TP, hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên... Hi vọng sau khi học xong, con tôi thi đậu viên chức để làm trong cơ quan nhà nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận