26/12/2022 20:29 GMT+7

Tập trung dân chủ: Một số lãnh đạo lấy quyền uy làm chính, khiến cấp dưới ngại ý kiến

TIẾN LONG
TIẾN LONG

Làm sao để việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng không hình thức, quan liêu, giả hiệu, là nội dung được thảo luận kỹ tại hội thảo "Thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng - các vấn đề đặt ra".

Tập trung dân chủ: Một số lãnh đạo lấy quyền uy làm chính, khiến cấp dưới ngại ý kiến - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng - các vấn đề đặt ra" - Ảnh: TIẾN LONG

Hội thảo do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 26-12.

Phát biểu đầu hội thảo, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết trong nhiệm kỳ 12, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trong đó có 214 tổ chức đảng vi phạm về các nguyên tắc tập trung dân chủ, chiếm 24,6% số tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật và 3.943 đảng viên vi phạm, chiếm 7,1% đảng viên bị kỷ luật.

"Phần lớn các vụ việc vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc trong quá trình thực hiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ bộc lộ, phát sinh một số vướng mắc, khó khăn", ông Hiếu cho biết và đề nghị thảo luận kỹ những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và kinh nghiệm từ việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tập trung dân chủ: Một số lãnh đạo lấy quyền uy làm chính, khiến cấp dưới ngại ý kiến - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia - cho rằng bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ là lấy ý kiến của đa số để ra quyết định.

Những sai phạm của cá nhân lãnh đạo về nguyên tắc tập trung dân chủ vừa qua là do sai quy trình dân chủ, dân chủ giả hiệu, hình thức, quan liêu. Một số lãnh đạo có phong cách điều hành lấy quyền uy làm chính, khiến cấp dưới ngại ý kiến.

Theo ông Khiển, việc khó khăn và đòi hỏi tài năng nhất của người lãnh đạo là có tinh thần tập trung dân chủ tốt nhất để ra các quyết định có ảnh hưởng đến "sinh mạng" cá nhân, tổ chức, cơ quan, địa phương. 

Mặt khác, trong việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ hiện có hai mặt khó khăn cần giải quyết. Thứ nhất, người được hỏi (về vấn đề cần thảo luận) có trình độ khác nhau nên đòi hỏi khi lấy ý kiến phải định hướng nội dung thuộc chuyên môn, sở trường... của từng nhóm đối tượng. 

Thứ hai, sẽ có những người hiểu biết vấn đề nhưng không nói hoặc không muốn nói. "Khi hỏi ý kiến mà người ta không muốn hoặc không thèm nói là rất nguy hiểm. Một lãnh đạo ra quyết định mà không thu nạp được tất cả những ý kiến tốt nhất của các cộng sự thì rất khó khăn, bất cập. Chính vì vậy lãnh đạo cần có uy tín, năng lực, kinh nghiệm xử lý tình huống", ông Khiển nêu ý kiến.

Nói về tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, TS Nguyễn Thị Thảo - Học viện Chính trị khu vực II - cho rằng đặc điểm nổi bật của nguyên tắc tập trung dân chủ là quyết định theo đa số, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nên cần phải có cơ chế phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, và cá nhân để tránh tình trạng vượt quyền, sai quyền.

Bà Thảo nêu thực trạng ở một số tổ chức đảng, cấp ủy, người đứng đầu không phát huy dân chủ, bảo đảm quyền của đảng viên trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ như quyền được thông tin, thảo luận, quyền được phê bình, chất vấn…

Thực trạng đó đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy phải thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm, tránh bưng bít thông tin để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy chức, chạy quyền.

Mặt khác, theo bà Thảo, không ít nơi, người đứng đầu thiếu tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đảng viên, phân biệt, đối xử, trù dập với ý kiến thuộc về thiểu số, trái với chủ trương của người đứng đầu, dẫn đến tình trạng thờ ơ, vô cảm, ngại trình bày ý kiến.

"Mặc dù Đảng đã ban hành nhiều quy chế, quy định, quy trình về từng khâu cả công tác cán bộ, tuy nhiên vẫn còn khoảng trống dẫn đến tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng tập thể, chi phối cá nhân, hoặc còn tình trạng đảng viên thờ ơ, không quan tâm đến việc thực hiện quyền dân chủ trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn cán bộ...", bà Thảo nêu và đề nghị cần ban hành quy chế, quy định, quy trình thống nhất.

Giám sát quyền lực, mở rộng dân chủ Giám sát quyền lực, mở rộng dân chủ

TTO - Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có kiểm soát. Quyền lực càng cao càng phải kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả. Nếu không được tổ chức tốt, quyền lực nhà nước sẽ bị lợi dụng, lạm quyền, lộng quyền như Tổng bí thư nêu.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên