10/07/2015 00:10 GMT+7

​Tập trung chăm sóc lúa, rau màu trong tình hình hạn hán

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ NN&PTNT yêu cầu sở NN&PTNT các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa, rau màu vụ hè thu, vụ mùa 2015 trong tình hình hạn hán.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, nắng nóng gay gắt trên toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, đặc biệt tháng 4, 5 và tháng 6-2015 vừa qua nhiệt độ cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, lượng nước bốc hơi bề mặt lớn làm thiếu hụt trầm trọng dòng chảy và dung tích các hồ chứa trong tình trạng cạn kiệt, hạn hán xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến đời sống nông thôn vùng khô hạn.

Đến nay toàn vùng đã xuống giống lúa vụ hè thu 202.580 ha, bằng 93,3% so cùng kỳ năm trước. Tỉnh Ninh Thuận có 5.023 ha lúa và khoảng 5.000 ha đất màu phải bỏ đất trắng; Khánh Hòa chỉ đủ nước gieo sạ 8.300 ha lúa, còn gần 10.000 ha chờ mưa, chưa gieo sạ được; Bình Thuận phải chuyển trên 2.000 ha hè thu sang gieo sạ vụ mùa khi có mưa; Bình Định có 8.500 ha lúa hè thu bị thiếu nước, trong đó có khoảng 500 ha lúa vụ hè đang trổ bị mất trắng.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ có khả năng sẽ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ tháng 7 và có khả năng tiếp tục thiếu hụt mưa, do vậy tình trạng khô hạn sẽ vẫn xảy ra nghiêm trọng.

hinh-3-1436500105.jpg

Trước tình hình nắng nóng, hạn hán vẫn đang tiếp tục xảy ra, Cục Trồng trọt đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tập trung chỉ đạo sản xuất lúa, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, lưu ý đối với diện tích lúa đã xuống giống, các tỉnh bị hạn và đang tiếp tục có nguy cơ hạn kéo dài như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định cần tập trung khoanh vùng diện tích đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ, tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh, bón phân cân đối NPK, theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời để khai thác tối đa tiềm năng năng suất lúa.

Áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm. Tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thủy nông, điều tiết nước khoa học, tiết kiệm phù hợp với yêu cầu cây trồng.

Vùng hiện đang gặp khó khăn nước tưới hoặc đang có nguy cơ thiếu nước (hiện nay lúa đang thời kỳ cây con đến đẻ nhánh) cần tập trung mọi nguồn lực để chống hạn cứu lúa, tăng cường đào thêm ao hoặc khoan thêm giếng, tìm nguồn nước để chống hạn.

Đối với diện tích bị hạn không có nước hiện đang dừng sản xuất, chủ động cày ải phơi ruộng, chờ mưa chuyển sang gieo sạ vụ mùa. Những vùng đất hoàn toàn không có khả năng tưới hoặc không có nguồn nước chống hạn nên rà soát chuyển đổi sang cây trồng cạn như cây sắn, đậu các loại, vừng..., hoặc phải ngừng sản xuất để hạn chế thiệt hại.

Những vùng thường xuyên bị hạn, không đủ nước tưới dưỡng cho lúa qua các năm, đặc biệt với điều kiện hạn như năm nay phải dừng sản xuất cần rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sản xuất để chuyển đổi sang cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần tiết kiệm nước tưới cho các vùng khác.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên