24/07/2022 10:13 GMT+7

Tập thói quen phân loại rác

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Dù chưa xử phạt nhưng theo các chuyên gia, Nghị định 45 của Chính phủ - có hiệu lực từ ngày 25-8 - là cơ hội tốt để người dân tập làm quen với việc phân loại rác hằng ngày.

Tập thói quen phân loại rác - Ảnh 1.

Các bạn trẻ bỏ rác được phân loại tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nghị định 45 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực từ ngày 25-8 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT), sau ngày 25-8 vẫn chưa tiến hành xử phạt bởi Luật bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31-12-2024). 

Dù chưa xử phạt nhưng theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt để tập làm quen với việc phân loại rác hằng ngày.

Các tỉnh thành sẽ có những quy định riêng

Ông Nguyễn Thành Yên - phó vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) - cho biết chỉ riêng TP.HCM và Hà Nội mỗi ngày đã có khoảng 16.400 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

"Hầu hết chi phí cho việc xử lý rác đều do ngân sách nhà nước chi trả, do đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường", ông Yên nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25-8 tới không có nghĩa là áp dụng để xử phạt luôn. Lộ trình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024.

"Luật bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện rất rõ, UBND các tỉnh dựa vào tình hình thực tế quy định phân loại. Có 3 năm để các địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn. Dù nghị định có hiệu lực nhưng hiện tại chưa thể xử phạt luôn được", ông Thịnh thông tin.

Theo ông Thịnh, hiện Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại rác. Sau khi có ý kiến của các địa phương, Bộ TN-MT mới ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác, địa phương dựa vào tình hình thực tế, tiếp tục xây dựng chi tiết để thực hiện.

Tận dụng "lộ trình" tuyên truyền, hướng dẫn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT - cho rằng từ nay đến thời điểm xử phạt cần phải tính toán tuyên truyền mạnh để người dân xem phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội.

Theo ông Võ, ngoài tập trung xử lý rác ở các đô thị thì cũng cần quan tâm đến khu vực nông thôn, miền núi vì các khu vực này những năm gần đây không ít nơi vấn đề rác thải đã trở thành điểm nóng. 

Thực tế nhiều dòng suối, lòng sông, ao hồ đã bị lấp đầy rác thải sinh hoạt... Và để biến rác thành tài nguyên, chúng ta nên học các quốc gia đã rất thành công trong công nghệ xử lý rác thải như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu, Bắc Mỹ...

Ông Trần Phan Mỹ - phó chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết hiện nay người dân ở phường vẫn chưa biết phân biệt đâu là rác hữu cơ, vô cơ, tái chế. 

Cần phải có định hướng "dài hơi", tuyên truyền cho người dân biết cách phân loại. "Ví dụ màu túi đựng thế nào để dễ nhận biết, thu gom, cũng như tính đến câu chuyện bảo vệ môi trường do phát sinh túi đựng. 

Nếu phải bố trí 3 thùng đựng rác, với những gia đình có diện tích hẹp thì triển khai cũng rất khó. Theo tôi, trước mắt tuyên truyền để các cơ quan đoàn thể làm trước, sau đó đến nhân dân rồi mới tiến hành xử phạt", ông Mỹ nói.

Theo ông Mỹ, mức phạt vài triệu đồng sẽ do UBND xã, phường thực hiện nhưng khi triển khai cũng gặp không ít khó khăn. 

Ví dụ, nghị định 155 (năm 2016) quy định hành vi vứt rác ra đường, hè phố phạt 5-7 triệu đồng, vứt rác ra nơi công cộng phạt 3-5 triệu đồng. Do số tiền phạt lớn nên rất khó cho chính quyền địa phương cấp phường vì mức tiền từ 5 triệu đồng thuộc thẩm quyền cấp quận.

"Bởi vậy nên theo tôi, để xử phạt không phân loại rác trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng, những trường hợp cố tình vi phạm mới phạt tiền", ông Mỹ nói.

Tập thói quen phân loại rác - Ảnh 2.

Hiện nay nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác đầu nguồn và thậm chí từ khâu phân loại cho đến thu gom rác vẫn chưa đồng bộ - Ảnh: QUANG THẾ - HỮU HẠNH - TRƯỜNG TRUNG - T.T.D.

Chờ Bộ TN-MT có hướng dẫn cụ thể

Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Bà Lê Thị Hoàn (68 tuổi, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bà ủng hộ xử phạt các hộ gia đình nếu không phân loại rác nhưng cần có hướng dẫn cụ thể để người dân nắm bắt. 

"Chất thải thực phẩm chúng tôi có thể phân biệt được nhưng rác thải rắn hay rác thải có khả năng tái chế nhiều người còn mơ hồ. Ngay tại khu dân cư tôi sinh sống chưa phân loại theo Luật bảo vệ môi trường 2020 mà chỉ mới có hai thùng đựng rác thải vô cơ và hữu cơ" - bà Hoàn chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho biết sau khi có Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã hướng dẫn các phòng ban, chi cục tập huấn. Tuy nhiên theo vị này, đối với hướng dẫn cụ thể, quy trình phân loại rác vẫn đang chờ Bộ TN-MT để áp dụng trên toàn TP.

Theo GS Đặng Hùng Võ, muốn phân loại rác tại các hộ gia đình thành công thì cần đầu tư từ khâu thu gom, tập kết, vận chuyển đến các nhà máy xử lý rác. Để rác thải trở thành tài nguyên thì phải có một hệ thống thu gom, tái chế, xử lý hiện đại.

"Ví dụ như thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ hay rác tươi, rác khô, bởi có những loại rác khô nhưng vẫn là hữu cơ. Chia thành nhiều loại thì bắt buộc phải dùng nhiều thùng chứa, nhiều túi đựng sẽ gây tốn kém trong khi đã phân loại khâu xử lý sẽ rất gọn nhẹ vậy có giảm phí thu gom cũng như có các chính sách bảo vệ môi trường", ông Võ nói.

Đồng quan điểm, GS Đặng Kim Chi - chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết phân loại rác là vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên theo bà Chi, ngoài chuyện học tập từ các nước tiên tiến thì cần có chính sách phù hợp với doanh nghiệp, khuyến khích người dân, tạo nên một chuỗi liền mạch từ khâu thu gom đến nơi xử lý.

Bà Chi cho biết từ những năm trước nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm phân loại rác, tuy nhiên kết quả thu được chưa cao do thực hiện chưa đồng bộ. "Phân loại xong đến khâu thu gom, chôn lấp lại trộn lẫn vào nhau thì chắc chắn không hiệu quả, phản khoa học", bà Chi nhận xét.

Ông Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Phải hướng dẫn để người dân "thuộc bài"

Chôn lấp rác tại các địa phương ở nước ta đang triển khai đã quá lạc hậu, cần phải có hướng dẫn, tổ chức, thực hiện phân loại ngay. Sau khi Luật bảo vệ môi trường 2020 ra đời thì có nghị định 45, đáng lẽ ra ngay lập tức phải có hướng dẫn, trong trường hợp này Bộ TN-MT hơi chậm, cần phải rút kinh nghiệm.

Nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa xử phạt được là điều rất bất cập. Tuy nhiên theo tôi, khi tuyên truyền không nên nói nhiều đến xử phạt mà phải tập trung hướng dẫn để người dân "thuộc bài", hiểu rõ nguồn lợi của rác như tài nguyên để phân loại, thực hiện.

Singapore: tăng cường phổ biến kiến thức phân loại rác

Phan loai rac o Singapore

Một thùng rác có 4 ô phân loại từ trái qua là giấy, kính, nhựa, kim loại ở Singapore - Ảnh: Straitstimes

Tại quốc đảo sư tử, gần như ở khắp nơi đều xuất hiện những thùng rác mang "màu xanh hy vọng". Đây là các thùng rác chỉ "nhận" những thứ có thể tái chế được làm từ thủy tinh, giấy, nhựa và kim loại. Kích thước các thùng này rất lớn, cao khoảng 1,6m, to gấp 3 lần so với các thùng rác thông thường.

Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải người dân nào cũng biết rác nào tái chế được, rác nào không. Trong các năm qua, theo báo Straits Times, Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) Singapore nhận thấy khoảng 40% lượng rác bỏ vào những thùng màu xanh này không thể tái chế. Vì lẽ đó, chính quyền ở đây đã tăng cường truyền thông, lập trang web www.go.gov.sg/recycleright để phổ cập kiến thức phân loại rác cho người dân.

Kể từ tháng 7-2021, Singapore chú trọng hơn việc giải quyết rác thải điện tử khi NEA khởi động hệ thống tái chế mới dành riêng cho loại rác này. Tới nay trên toàn đảo quốc đã có hơn 640 thùng thu gom riêng rác điện tử được đặt tại các cửa hàng bán đồ điện tử, siêu thị và các trung tâm cộng đồng.

ĐỖ DƯƠNG

Nhật Bản: phạt là bị "ôm" rác

Anh N.T.P., một kỹ sư môi trường ở Tokyo, chia sẻ về cách rác thải của các hộ dân đang được xử lý như sau:

- Rác trước hết phải chia làm 2 loại là rác tươi, có thể đốt được. Anh P. nói vui về loại rác này: "Ở đây khổ lắm, rác tươi cũng phải... om vì một tuần chỉ có 2 ngày người ta gom rác này".

- Rác tái chế thì có nhiều loại như túi nilông, vỏ lon, chai nhựa, chai thủy tinh, giấy bìa, vải vóc quần áo... Tất cả phải để riêng từng loại và được gom mỗi tuần một lần.

Rác tái chế khác như đồ điện nhỏ, kim loại... thì 2 tuần được gom 1 lần. Với đồ điện, đồ gia dụng có kích thước lớn thì phải mua tem (có giá cả theo quy định) dán vào đồ dùng, hẹn ngày đơn vị thu gom đến mới được "thải" ra.

Tại các thành phố lớn, rác thải được quy định đựng trong các túi nilông có độ trong suốt nhất định, để đơn vị thu gom rác nhìn thấy trong túi là loại rác nào. Loại túi này phải mua theo quy định. Ở các tỉnh có quy định túi riêng.

Do đã có quy định kỹ càng nên hình phạt dành cho việc không phân loại rác chính là... không được thu gom. Rác thải sau khi phân loại kỹ thì chỉ được đem ra lề đường chờ gom theo đúng lịch của từng loại.

Ở Nhật không có chuyện nhà này đem rác qua nhà kia nên không phân loại đúng và thải đúng ngày, bịch rác cứ chình ình trước cửa nhà mình khi "ông đi qua bà đi lại" thì rất... dị thường trong một xã hội ngăn nắp, nề nếp như Nhật Bản.

P.N.

Vì sao sau ngày 25-8 vẫn chưa xử phạt hộ gia đình không phân loại rác? Vì sao sau ngày 25-8 vẫn chưa xử phạt hộ gia đình không phân loại rác?

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết từ ngày 25-8 nghị định 45 có hiệu lực, tuy nhiên vẫn chưa tiến hành xử phạt các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải tại nguồn.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên