05/11/2016 09:59 GMT+7

Tập nói “không” với con...

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG
NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG

TTO - Câu chuyện giáo dục kỳ này xin được giới thiệu hai câu chuyện của hai người mẹ, với nỗi băn khoăn chất chứa trong lòng: làm sao để từ chối hay bớt đi chuyện bảo bọc, chăm lo cho con.

Minh họa NOP
Minh họa NOP

“Đã tới lúc chúng ta - những bậc cha mẹ chộn rộn - phải học. Học cách không làm gì, học cách bình tĩnh chờ con mình lớn lên

 

Biết là con học tập cực khổ nhưng vẫn không thể từ chối môi trường gây khổ ấy cho con mình, vì không biết tìm đâu ra nơi tốt hơn.

Chúng ta đang làm những bậc cha mẹ thật tội nghiệp. Vất vả chăm lo cho sức khỏe của con, lo tìm trường tốt, tìm thầy giỏi, lo tiền học phí, sách vở, quần áo...

Vậy mà chúng ta còn phải vui buồn theo từng điểm số, thon thót theo từng kỳ kiểm tra, từng kỳ thi của con. Lại còn phải ra mặt giúp con lo chuyện bị bạn bè bắt nạt, lo bị thầy cô đối xử không công bằng...

Để con tự lớn, nói dễ nhưng làm không dễ chút nào. Lần đầu tiên nhận được điện thoại của con: “Mẹ ơi, con quên mang vở bài tập, nếu không có vở này con mất cột điểm bài tập về nhà. Cả tháng nay con đã cố gắng để giành hạng nhất, mẹ mang lên trường giúp con nhé!”, mình rất giận trong lòng.

Đã bao nhiêu lần mình nhắc nhở con kiểm tra vở trước khi đi học... Giận, nhưng lại tiếc cái công cố gắng cả tháng nay của con, nghĩ tới khuôn mặt thất vọng của con nếu mẹ từ chối thật không sao chịu nổi.

Ước gì mình có thể dễ dàng nói câu từ chối con hay là một câu mắng mỏ. Ai chẳng có lúc sơ suất, huống gì con mình lại chăm chỉ học hành...

Từ chối con rồi lại đâm lo, không biết con có thấy mình đã cố gắng hết sức, chỉ nhờ cha mẹ giúp một chút mà cũng không được, rồi lại nản lòng, chẳng muốn cố gắng. Thấy mình hồi hộp, lo lắng như đang đi học, hay đúng hơn là con đang đi học giùm mình.

Đó là một chuyện rất nhỏ trong muôn vàn câu chuyện: bị bạn tẩy chay, bị thầy cô ác cảm, chê trách trước đám đông, thầy cô thiên vị... Con còn ở độ tuổi chưa hiểu rõ ngọn ngành, thấy chuyện nào cũng là chuyện động trời đối với mình, rồi lo lắng, chán nản.

Cha mẹ thì biết rõ rồi chuyện gì cũng qua, những chuyện vớ vẩn như vậy xảy ra như cơm bữa. Ngày mình còn nhỏ, cha mẹ làm gì lo lắng những chuyện đó cho mình, rồi mình cũng tự vượt qua, tự lớn lên. Nhưng đến thời mình làm cha mẹ, lại bị cuốn vào, và mang cả trời vất vả vào thân.

Có một câu trong quyển sách dạy con: “Cha mẹ phải bình tĩnh, kiên nhẫn thì mới dạy con bình tĩnh và kiên nhẫn được”. Rồi con cái cũng sẽ như chúng ta, tất tả vì những chuyện của con, lúc nào cũng thấy mình nhọc nhằn vất vả.

Đã tới lúc chúng ta - những bậc cha mẹ chộn rộn - phải học. Học cách không làm gì, học cách bình tĩnh chờ con mình lớn lên.

Được không?

Tôi có cho con được môi trường giáo dục tốt nhất?

Con trai đầu của tôi đang học lớp 2. Cũng như bao phụ huynh khác, tôi muốn con có một môi trường giáo dục hiện đại, không nhiều áp lực, nhưng mang tính ứng dụng cao.

Tôi mong muốn con vui vẻ khi đến trường, muốn con được tham gia những giờ ngoại khóa nhiều hơn là học làm toán, nắn nót từng câu văn. Tôi luôn chờ đợi mỗi buổi con đi học về, để nghe con kể chuyện lớp, chuyện trường, vui vẻ và không bị căng thẳng.

Nhưng rồi tôi nhận ra ngày hôm nay con học còn chịu áp lực hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Qua bao nhiêu cuộc cải cách, thay đổi nhưng giáo dục vẫn hướng tới điểm số, danh hiệu, vẫn là những đánh giá chất lượng mang tính chủ quan (dẫu không chấm điểm).

Và tôi biết con sẽ phải đánh vật với những buổi học thêm (dù là tự nguyện) cùng chúng bạn.

Con tôi học bán trú, rồi tham gia học một số lớp năng khiếu như nhạc, họa, võ thuật... nên con không có ngày cuối tuần. Tôi xót xa khi con đang phải bước vào guồng quay của chuyện học, chuyện thi khốc liệt hơn cả khi tôi vào cấp III.

Có nhiều kỳ thi chờ đợi con, có nhiều khóa học nâng cao, cấp tốc mà con tham gia với nhiều hình thức khác nhau, cho ra lò những giải thưởng để sau này xét tuyển vào cấp II như lời giải thích của cô giáo chủ nhiệm.

Vì vậy, càng nhiều cuộc thi ra đời thì con càng phải nai lưng ra để tham gia, để đấu chọi. Ngẫm nghĩ, tôi thấy thương con trai vô cùng. Con còn quá bé để hiểu giá trị của giải thưởng đến đâu.

Và trong cuộc đua kia, để không bị tụt lại phía sau, con buộc phải chiến đấu hết công suất.

Thi thoảng chồng tôi vẫn nói đùa: “Con là công dân nhỏ của thế kỷ học hành tốn sức nhất”. Quả không sai. Có thể nói, hành trình học tập để đi đến tương lai của thế hệ chúng tôi so với con bây giờ là còn khá nhẹ nhàng.

Nhìn con ngày ngày đánh vật với chuyện học, tôi cứ nghĩ rồi mai đây tôi chẳng thể nghĩ con sẽ là gì? Con sẽ có một bảng thành tích đẹp, với nhiều danh hiệu? Đâu là lối ra cho tương lai của con?

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư đúng đắn, thế nên vợ chồng tôi mỗi ngày đi làm, còng lưng ra làm thêm để trang trải cuộc sống, để con có được một môi trường giáo dục tốt về vật chất, nhưng tôi nhận ra thế là chưa đủ.

Bởi ở môi trường đó, mỗi ngày con bước chân vào, tuy hiện đại đấy, cao cấp đấy nhưng vẫn chứa đầy những khiếm khuyết về kỹ năng.

Nhưng biết cho con vào đâu để chuyện học nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực hơn? Tôi muốn từ chối những vất vả đó để con mình được học nhẹ nhàng hơn, nhưng tôi đâu thể cho con được môi trường giáo dục tốt nhất?

Yến Phương

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên