04/04/2016 11:03 GMT+7

Tập leo núi ở nơi đào tạo porter

HUY ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG, [email protected]

TT - Trước khi bước vào những chuyến trèo đèo lội suối gian khó cùng khách du lịch, các porter (người khuân vác) của hang Sơn Đoòng sẽ được trải qua một khóa học về cách sử dụng các thiết bị leo núi. Và ít ai biết, lớp học đó diễn ra ngay tại Sài Gòn.

Chênh vênh, lơ lửng khi leo ở khu Bouldering - Ảnh: H.Đ.
Chênh vênh, lơ lửng khi leo ở khu Bouldering - Ảnh: H.Đ.

Đó là CLB leo núi Vertical Academy ở Q.2, TP.HCM, vừa được thành lập hồi cuối năm 2015. Người đứng lớp khóa đào tạo này và cũng là chủ của CLB là ông Cedric Deguilhem (người Pháp, 40 tuổi) - một chuyên gia trong ngành leo dây công nghiệp (rope access). Ông Cedric hướng dẫn cho các porter cách thức sử dụng thiết bị leo núi, cách giữ an toàn trên cao và họ được thực tập ngay trong phòng tập nơi đây.

“Hang động” của những “người vượn”

Khóa đào tạo đặc biệt của các porter chỉ kéo dài ba ngày, nhưng lớp rèn luyện các kỹ năng leo núi dành cho tất cả mọi người thì diễn ra quanh năm. Những ai yêu thích việc leo trèo có thể đến đây tập luyện với giá vé vào cửa là 150.000 đồng/ngày. Nghe lời giới thiệu của một anh bạn người nước ngoài, tôi tò mò đến đây xin tập luyện thử.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân vào là nơi đây giống như một “hang động”, với những anh chàng cởi trần trùng trục đang đu bám trên trần nhà. Họ gần như không có một điểm tựa nào ngoại trừ việc bám hai tay vào các mấu leo gắn trên tường. Điều này khác với hình ảnh thông thường ở các phòng tập leo tường khác, nơi người chơi chỉ buộc mình vào sợi dây ròng rọc và leo lên vách tường thẳng đứng.

CLB có cả thảy ba khu vực leo khác nhau. Khu vực đầu tiên có tên Top rope (leo dây), gồm vách tường thẳng cao khoảng 8m như mô tả ở trên. Đây là khu vực leo phổ biến nhất ở các phòng tập leo tường, dành cho những người mới tập chơi. Người chơi buộc mình vào một sợi dây ròng rọc và leo thẳng từ dưới lên, bám vào các mấu leo. Đầu dây còn lại có nhân viên của phòng tập giữ chặt, phòng trường hợp người chơi buông tay có thể bị rớt xuống.

Lần đầu tiên có giải đấu

Hôm 26-3, CLB lần đầu tiên tổ chức một giải đấu leo núi mang tên Bouldering Cup, trong đó người chơi tham gia vào hàng chục đường leo khác nhau có độ khó tăng dần. Ngay trong lần đầu tiên tổ chức, giải đã có khoảng 100 người tham dự.

HLV Hiền Thục cho biết phòng tập nơi đây có 20-30 khách tập mỗi ngày, còn số thành viên của hội vào khoảng 200, trong đó có 70-80 là người Việt.

Hai khu vực còn lại ở CLB có tên Bouldering (leo trên đá tảng) vốn là những căn phòng được phủ lên lớp mút và các mấu leo tường trải đều từ vách tường lên đến trần nhà, trông giống như các mẩu thạch nhũ trong hang động. Dù đã được khuyên nên thử sức trước với Top rope, nhưng độ cao của khu vực leo này khiến tôi cảm thấy e ngại và quyết định bắt đầu với Bouldering, một lựa chọn sai lầm.

Loay hoay hơn 10 phút, tất cả những gì mà tay leo tường “tay mơ” làm được chỉ là dịch chuyển ngang tầm... 2m. Trước khi leo, tôi những tưởng chỉ có việc đu mình lơ lửng trên trần nhà mới là chuyện khó, còn bám vào các mấu rồi leo ngang thì có khác gì leo hàng rào - điều mà đứa trẻ nào cũng quen thuộc. Nhưng thử rồi mới biết, các mấu leo dù được trải khá nhiều nhưng nằm ở các vị trí cực kỳ khó chịu. Khi tay với đến thì chân lại không có điểm tựa, và ngược lại. Quan sát các anh bạn cùng leo, tôi thấy họ duỗi thẳng tay, co chân đu mình trên bức tường chẳng khác gì những chú vượn.

Sau hơn 10 phút, tôi tạm bỏ cuộc và định tìm một điểm tập khác dễ hơn. Nhưng vừa rời tay khỏi các mấu leo thì cảm thấy các ngón tay đã tê cứng, gần như không thể duỗi thẳng được. Mất hơn 15 phút co duỗi, các ngón tay mới trở lại bình thường. Tôi lại leo tiếp, kết quả là... tệ hơn lần trước, khi chỉ mới được 5 phút các ngón tay đã lại tê nhức. Sau vài lần nghỉ, rồi lại tập, tôi đành bỏ cuộc. Buổi tập đầu tiên như vậy là thất bại.

Học leo núi để an toàn

Yashumi Tsuitsui, một anh bạn người Nhật vốn là người leo quen thuộc tại nơi đây, an ủi tôi: “Tất cả những ai mới đến tập đều như vậy cả, dù cho có khỏe mạnh thế nào đi nữa. Khi tôi mới tập, phải sau vài tuần các ngón tay của tôi mới có thể co duỗi bình thường”.

Sau đó Ngô Hiền Thục, một HLV ở phòng tập, hướng dẫn cho tôi một số cách tập luyện cơ tay, cơ chân, cơ bụng và các ngón tay, những phần quan trọng nhất của cơ thể với môn leo núi. Trong phòng tập cũng có các thanh xà đơn, dụng cụ tập luyện phổ biến cho môn này. Nhưng khó hơn thông thường, người tập leo núi cần phải hít mà chỉ sử dụng các ngón tay, thay vì bám chặt cả bàn tay lên thanh xà. Một mẹo nhỏ thú vị khác là chọn giày (do phòng tập cung cấp) nhỏ hơn chân một số, vì mang giày chật sẽ giúp co phần mũi chân lại, nhằm dễ bám vào các mấu leo hơn.

Sau chừng ba, bốn ngày, người tôi mới hết nhức mỏi để bắt đầu buổi tập thứ hai. Lần này, tôi chọn khu vực leo Top rope như hướng dẫn và lần đầu tiên trong đời đạt được cảm giác “chinh phục” độ cao 8m. Quả thật, leo thẳng lên trên như thế này đơn giản hơn nhiều. Khi sẩy chân cũng không phải e ngại vì luôn có nhiều nhân viên dưới mặt đất giữ chặt dây để giúp “hạ cánh an toàn”. Nhưng khu vực này cũng chia làm nhiều đường leo có độ khó khác nhau.

Sau ba buổi tập luyện, dù đã dần quen với việc leo bám nhưng tôi vẫn chưa thể tiến bộ nhiều ở khu vực leo Bouldering. So với Bouldering 1, phòng tập Bouldering 2 càng khó hơn khi các vách tường còn có thêm độ dốc kèm những chướng ngại vật (mô phỏng các tảng đá lồi lõm) rất khó chịu, hầu như chỉ có những người nước ngoài quen leo núi từ nhỏ mới có thể leo được.

Pierre Fontain, một người Pháp, nói: “Tôi sinh trưởng ở Annecy, một thành phố đông nam nước Pháp có nhiều đồi núi nên từ nhỏ đã quen với việc leo núi. Thật may khi ở TP.HCM cũng có một nơi như thế này để duy trì việc tập luyện 2, 3 buổi/tuần. Tôi chơi nhiều môn thể thao nhưng leo núi là môn tăng cường sức mạnh ở nhiều bộ phận cơ thể nhất”.

Fontain không chỉ là khách quen mà còn là một “tình nguyện viên” ở đây, mỗi tuần anh đều phụ giúp các nhân viên sắp xếp lại các mấu leo để tạo ra những đường leo mới. Ngoài Fontain còn có khoảng 10-20 thành viên (chủ yếu là người nước ngoài) trong hội leo núi của CLB, vốn là bạn bè của ông chủ phòng tập Cedric Deguilhem. Có kinh nghiệm về việc leo núi, ông Cedric mở riêng phòng tập nơi đây để tạo thêm điều kiện cho bạn bè của ông tập luyện.

Ông Cedric nói: “Ở châu Âu, chúng tôi có thói quen đi du lịch, dã ngoại mỗi dịp cuối tuần nên hầu như mọi đứa trẻ đều quen việc leo trèo từ nhỏ. Không phải cứ mang dây, sử dụng dụng cụ chuyên nghiệp, leo trên những ngọn núi chót vót mới là leo trèo. Leo trèo, hay như các bạn người Việt thường gọi chung là “leo núi”, có thể chia làm hai: climbing - tức loại leo như vừa nói và bouldering - leo, bám trên các vách, tảng đá. Loại hình này phổ biến hơn nhiều và hầu như ai cũng có thể chơi ở mọi nơi. Vì vậy, tập leo trèo cũng giống như học bơi vậy, chúng tôi xem đó là một kỹ năng sống, học hỏi cách giữ an toàn hơn là một môn thể thao mạo hiểm như người Việt hay gọi”.

Không chỉ có người nước ngoài, CLB nơi đây còn có không ít bạn trẻ VN đến tập thử. Các thành viên của CLB còn hay tổ chức những chuyến đi leo núi dã ngoại ở các vùng ngoại ô.

_____________

Đón xem kỳ tới:

Chinh phục vách đá

Nhiều người đã ngược xuôi khắp VN để khám phá những địa điểm thích hợp cho niềm đam mê leo trèo của họ. Phóng viên Tuổi Trẻ theo chân 12 người gồm 5 người Singapore, 2 người Việt, 2 người Pháp, 1 người Anh, 1 người Bỉ và 1 người Philippines chơi leo núi ở khu vực chân dãy núi Minh Đạm, thị trấn Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

HUY ĐĂNG, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên