27/04/2012 10:40 GMT+7

Tập làm kiếm sĩ

 DƯƠNG MINH VƯƠNG(ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)
 DƯƠNG MINH VƯƠNG(ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)

AT - Vào các chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy hằng tuần, sân tập luyện của Câu lạc bộ thể dục thể thao Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) như hừng hực khí thế bởi những tiếng thét, tiếng của những thanh kiếm tre đập vào nhau chan chát.

Đó là do các bạn trẻ trong CLB Kiếm hữu TP.HCM đang say sưa tập luyện với bộ môn thể thao - võ thuật Kendo.

YBQabF2s.jpgPhóng to
Đấu tập đối kháng

Hết mình trong từng đường kiếm

Khi luyện Kendo, người chơi sẽ dùng thanh kiếm tre tập tấn công vào bốn vị trí trên cơ thể đó là: đầu, cổ họng, cổ tay và hông. Chính vì vậy mà bốn phần này cần được bảo hộ một cách kỹ lưỡng với nón sắt, áo giáp, găng tay... Bạn Du Hải Kiên, thành viên kỳ cựu của CLB, cho biết: “Những phần quan trọng đều được bảo hộ, vì thế người chơi có thể thoải mái tập luyện mà không cần lo nghĩ nhiều về việc bị chấn thương như các môn võ thuật khác”.

Kiên cho biết thêm về một số chấn thương nho nhỏ có thể gặp: “Lúc đầu, do cầm kiếm chưa quen nên tay có thể bị xuất hiện bóng nước, hoặc khi tập luyện lâu với kiếm thì lòng bàn tay xuất hiện những nốt chai. Đồng thời, khi tập luyện Kendo, người chơi phải đi chân trần. Trong quá trình di chuyển tập luyện, chân chà xát xuống mặt sàn có thể gây ra một ít xây xát”.

Trần Phương Hà, thành viên CLB, dù tay đang bị trầy xước vẫn vui vẻ chia sẻ: “Tập từ từ rồi cũng quen, dù có hơi đau một tí nhưng khi được đến sân tập, được khoác lên mình bộ võ phục, được cầm kiếm thì mình thấy vui, quên hết những vết trầy xước cỏn con mà tập hết mình với từng đường kiếm”.

Bộ giáp phục đẹp nhưng hơi... mắc

Nhiều bạn tham gia tập luyện Kendo một phần vì bị “hút hồn” bởi bộ trang phục luyện tập tuyệt đẹp này. Bạn Lê Hương Lan (ĐH RMIT) hào hứng nói: “Mình đã “kết” ngay lần đầu nhìn thấy bộ võ phục. Khi mặc võ phục vào, cầm kiếm trên tay, mình có cảm giác như được trở thành một kiếm sĩ thật thụ”.

Kendo có nghĩa là kiếm đạo, một môn thể thao - võ thuật phát triển từ môn kiếm thuật cổ truyền Nhật Bản - Kenjutsu, được hình thành vào khoảng thế kỷ 19 với mục đích tập luyện cho các võ sĩ. Khi các võ sĩ Nhật Bản vào Việt Nam công tác đã du nhập Kendo vào Việt Nam. đội tuyển Kendo Việt Nam đã giành một số giải thưởng trên đấu trường quốc tế như cúp bạc đồng đội tại Giải vô địch Hong Kong châu Á mở rộng lần thứ 11 (tháng 3-2010), huy chương bạc đồng đội tại giải Vô địch Kendo các nước Asean lần thứ 9 tổ chức tại Singapore tháng 10-2010.

Các bạn muốn tập luyện Kendo có thể đến tham gia cùng CLB Kiếm hữu TP.HCM tại 235 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM.

Kiên cho biết: “Võ phục có thể mua ở Việt Nam nhưng không được dày và bền như nhập từ Nhật Bản. Một bộ trang phục chỉn chu đầy đủ giáp, nón sắt, găng tay... mất khoảng 5 triệu đồng. Riêng thanh kiếm tre thì bắt buộc phải đặt mua từ Nhật Bản vì ở Việt Nam vẫn chưa có nơi nào sản xuất thanh kiếm này. Mỗi thanh kiếm tre có giá thấp nhất là 500.000 đồng”.

Luyện Kendo, rèn tính cách

Người chơi Kendo không chỉ rèn luyện sức khỏe dẻo dai mà còn luyện tinh thần minh mẫn. Theo các chuyên gia kiếm đạo Nhật Bản, Kendo kết hợp cả kỹ thuật đấu kiếm điêu luyện lẫn tư tưởng của đạo Khổng thấm nhuần trong từng đường kiếm. Kendo là kiếm đạo. Kiếm là luyện sức khỏe, đạo là rèn nhân cách. Ngay khi nhập môn, võ sinh được truyền dạy năm đức tính: nhân đức, công bằng chính trực, tư cách cao thượng, trí tuệ minh mẫn, trung tín.

Kiên chia sẻ: “Những nghi lễ được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc trong từng buổi tập. Trước buổi tập, người luyện Kendo phải quỳ trước lá cờ nước tỏ lòng trung thành với Tổ quốc, cúi chào thầy, các đàn anh hướng dẫn. Khi bắt đầu hay kết thúc tập luyện đều cúi đầu chào các bạn đồng môn. Đặc biệt, trước và sau mỗi buổi tập phải ngồi thiền để tịnh tâm, tu dưỡng sức mạnh tinh thần”.

Một thành viên của CLB cho biết: “Khi giao đấu với đối thủ phải báo trước vị trí mà mình chuẩn bị tấn công, nên chiến thắng trong Kendo là chiến thắng của nhân cách cao thượng”.

Đối với Kendo, bạn chỉ thực hiện một số động tác trong suốt quá trình tập luyện. Điều này có thể gây nản nếu bạn không có sự đam mê và kiên trì. Hải Kiên nói: “Trong khoảng thời gian ba tháng, người tập Kendo có thể quen với các động tác nhưng để đạt đến đỉnh cao của Kendo thì có thể mất đến... cả đời. Cũng là động tác đó nhưng với những người tập luyện lâu năm sẽ ra đòn nhanh hơn, chuẩn xác hơn, lực mạnh hơn. Nếu không kiên trì, mỗi ngày tập đi tập lại vài động tác bạn sẽ dễ dàng cảm thấy nản. Vì vậy tập Kendo sẽ luyện cho bạn tính kiên nhẫn”.

Sau những giờ học căng thẳng thì Kendo có thể là môn thể thao - võ thuật giúp bạn xả stress hiệu quả.

Bạn Hương Lan bật mí: “Khi tập luyện, tiếng thét sẽ giúp bạn giải tỏa những căng thẳng trong lòng. Chơi Kendo đòi hỏi bạn phải tập trung, dốc nhiều sức để ra đòn nên bạn sẽ không còn thời gian nghĩ đến những việc khác. Đồng thời, khi tập Kendo những cách gọi trang phục, chiêu thức, các khẩu lệnh đều bằng tiếng Nhật, mình thấy thú vị khi biết được một số tiếng Nhật chuyên ngành Kendo".

pUg5PvKE.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 DƯƠNG MINH VƯƠNG(ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên