11/01/2019 11:09 GMT+7

Tập huấn đổi mới giáo dục, giáo viên phải 'ổn' trước

LÂM MINH TRANG
LÂM MINH TRANG

TTO - Qua nhiều lần cải cách, thử nghiệm, việc tổ chức tập huấn luôn vấp phải những bất cập, khi thì từ cán bộ tập huấn, khi thì từ chính giáo viên.

Tập huấn đổi mới giáo dục, giáo viên phải ổn trước - Ảnh 1.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM. Theo chương trình giáo dục mới, bậc THCS đã có số môn học giảm - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đọc bài Tập huấn kỹ để giáo viên chủ động thực hiện , tôi chia sẻ những nỗ lực từ phía Bộ GD-ĐT khi bộ đã đặt vai trò của người thầy làm trung tâm cũng như đánh giá vai trò của người dạy vào kết quả triển khai chương trình.

Tôi hi vọng rằng khi đã có quan điểm đúng đắn, hợp quy luật thì việc tổ chức triển khai chương trình mới bắt đầu từ người thầy thông qua các khóa tập huấn sẽ được nghiên cứu và tiến hành một cách thực chất, hiệu quả. Vì sao giáo viên nuôi dưỡng "niềm hi vọng" này?

Vì từ thực tế, đã qua rất nhiều lần cải cách, thử nghiệm, việc tổ chức tập huấn luôn vấp phải những bất cập, khi thì từ cán bộ tập huấn, khi thì từ chính giáo viên.

Có thể kể ra một ví dụ: trong một khóa tập huấn triển khai chương trình cải cách ở một bộ môn được đăng cai tại TP cho các tỉnh phía Nam, cán bộ tập huấn đã phải thay đổi liên tục vì cũng… đang bận cho việc học khác.

Các cán bộ tập huấn "đóng thế vai" lại chưa từng được tập huấn từ bộ, nhận việc vào giờ chót và phải tự nghiên cứu, kết hợp với thực tế giảng dạy của mình mà trình bày.

Các cán bộ đi học tập huấn thì… "lâu mới có dịp lên TP" nên thường "tranh thủ" đi tham quan phố phường, đi… mua sắm và đi đâu không ai biết.

Có những buổi học mà "quân số" chỉ còn toàn người TP, trong khi cán bộ các tỉnh đã… "bốc hơi". Từ đó dễ hình dung ra kết quả khi các cán bộ này về triển khai lại cho đội ngũ cơ sở, với mớ kiến thức lôm côm, lỗ chỗ.

Thứ nữa, chương trình đổi mới, theo như những gì mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT vừa nêu, với các phương pháp mới bao giờ cũng có điều kiện bắt buộc đi kèm, đó là cơ sở vật chất, là sĩ số lớp học, là phương tiện.

Ở những nơi vùng sâu vùng xa, trường học là tranh tre vách nứa hoặc ngay ở những đô thị lớn với những lớp học mà sĩ số học sinh quá cao, trình độ không đồng nhất… thì việc triển khai những tiết học bao gồm nhiều thầy cô vừa chính vừa phụ cho các môn… tích hợp, liên môn liệu có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn? 

Đây là vấn đề rất mong được bộ lưu ý đặc biệt.

Việc chúng ta phải đổi mới giáo dục mà thực chất không phải vì chúng ta lạc hậu tri thức, mà là lạc hậu khi không thể đào tạo ra đội ngũ học sinh có thể tự vận dụng tri thức vào thực tế, thiếu óc sáng tạo và không tự tin trong cuộc sống, là xu thế không thể quay lui, là bắt buộc. 

Nhưng muốn có được đội ngũ học sinh như vậy, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải thực sự được đào tạo cơ bản các kỹ năng đó trước.

Khi "máy cái" chưa hoàn chỉnh, thì dù cho nhiên liệu (ở đây là nội dung chương trình mới) có nhiều phụ gia, có tốt thế nào đi nữa cũng khó lòng sản xuất ra những "sản phẩm hoàn chỉnh" là học sinh thế hệ mới.

Tập huấn kỹ để giáo viên chủ động thực hiện chương trình giáo dục mới

TTO - Không 'cầm tay chỉ việc' mà có hướng dẫn rõ ràng để giáo viên chủ động thực hiện chương trình mới. Vì mỗi giáo viên có những điểm mạnh, yếu khác nhau và họ mới là người biết cần phải điều chỉnh thế nào.

LÂM MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên