Tập huấn giáo viên cho chương trình mới sẽ có nhiều hình thức, trong đó có việc tập huấn ngay trong quá trình làm việc. Trong ảnh: giáo viên TP.HCM trong một đợt tập huấn tập trung - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã chú trọng việc tập huấn giáo viên để đổi mới việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng của chương trình mới.
Theo đó, không nhất thiết dạy phổ thông theo từng tiết 45 phút nữa, mà giáo viên được phép sắp xếp lại nội dung bài học trong sách giáo khoa (SGK) để tạo thành chủ đề dạy học phù hợp, theo hướng dạy học tích cực.
Có nghĩa là căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, nhà trường được quyền xây dựng lại kế hoạch giáo dục, không cần theo từng bài, từng tiết, không cần theo chương trình cứng nhắc của bộ.
Trong đó, có cả việc tích hợp những nội dung kiến thức từ những môn liên quan đến nhau, tránh tình trạng học sinh phải học hai lần cùng một nội dung kiến thức nằm ở hai môn khác nhau.
Xây dựng các chuyên đề cho 4 đối tượng
* Vậy sau khi công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, việc triển khai tập huấn giáo viên tiếp tục thực hiện những gì, thưa ông?
- Để xây dựng công tác bồi dưỡng giáo viên thì cấu phần bồi dưỡng giáo viên được thể hiện rõ trong Dự án RGEP (dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông) và ETEP (chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông). Trong đó, thực hiện các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới.
Trong bồi dưỡng, tập huấn, các trường sư phạm phải là những đơn vị nòng cốt. Bộ GD-ĐT chuẩn bị bài bản các chuyên đề tập huấn. Mỗi chuyên đề xác định những nội dung thiết thực đã được đề xuất từ thực tiễn.
* Cụ thể, những đối tượng nào nằm trong diện cần được tập huấn?
- Từ khi ban hành chương trình mới đến nay, Bộ GD-ĐT đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để tiến hành thực hiện một cách bài bản nhất, bao gồm xây dựng các chuyên đề cho 4 đối tượng, đó là: cán bộ quản lý sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, giảng viên cốt cán các trường sư phạm, hiệu trưởng - giáo viên các trường phổ thông.
Kế hoạch bồi dưỡng này được triển khai trong một tổng thể, tiếp nối tất cả những lần tập huấn trước đây. Như vậy, việc bồi dưỡng giáo viên đã thực hiện một cách bài bản, mang tính tổng thể, theo từng lộ trình.
Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên ở thời điểm sau khi công bố chương trình mới bắt đầu triển khai từ tháng 3-2019 và kéo dài đến năm 2021. Riêng năm 2019, tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán và 100% giáo viên dạy lớp 1.
* Ước tính có bao nhiêu giáo viên sẽ được tham gia các đợt tập huấn trực tiếp hoặc tập huấn qua mạng?
- Tới đây, toàn bộ giáo viên sẽ được bồi dưỡng, tập huấn, nhưng kế hoạch tập huấn của Bộ GD-ĐT sẽ theo lộ trình. Đầu tiên là tập huấn đội ngũ giảng viên nòng cốt để thực sự am hiểu chương trình và phương pháp dạy học, trở thành lực lượng báo cáo viên để triển khai tập huấn mở rộng. Tiếp theo là tập huấn các giảng viên sư phạm cốt cán, giảng viên cán bộ quản lý cốt cán để họ làm công tác bồi dưỡng.
Sau đó, bộ sẽ triển khai tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở tất cả các môn học. Hiện có kế hoạch tập huấn cho 35.000 giáo viên cốt cán. Đội ngũ cốt cán này sẽ về triển khai, hỗ trợ giáo viên tại địa phương mình.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Tập huấn ngay trong quá trình làm việc
* So với hình thức tập huấn của lần thay đổi chương trình SGK trước đây, việc tập huấn cho giáo viên lần này có gì khác về hình thức, nội dung?
- Hình thức bồi dưỡng được đổi mới, đó là kết hợp bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng trực tiếp. Các nguồn tài liệu, bài học sẽ được thiết kế, đưa lên mạng bao gồm các dạng khác nhau, bài giảng điện tử, tương tác, video..., có những câu hỏi kiểm tra, đánh giá.
Khi đội ngũ cốt cán được tập huấn vừa qua mạng vừa trực tiếp, có một nội dung quan trọng họ cần được tập huấn, đó là được tập huấn về tư vấn cho đồng nghiệp.
Tài liệu đã có trên mạng nên tất cả giáo viên được tiếp xúc trực tiếp với nguồn tài liệu gốc. Một đội ngũ cốt cán kết hợp với đội ngũ giảng viên chủ chốt của các trường sư phạm (tại các vùng miền) sẽ là những người huấn luyện, hỗ trợ giáo viên ở địa phương trong quá trình bồi dưỡng.
Như vậy, các giáo viên và cán bộ quản lý được hỗ trợ liên tục bởi mạng lưới gồm đội ngũ chuyên gia sư phạm và đội ngũ cốt cán tại 63 tỉnh thành. Đây là những điểm khác biệt so với các hình thức tập huấn trước đây.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT hết sức quan tâm tới việc tổ chức tập huấn ngay trong quá trình làm việc. Giáo viên cốt cán sẽ hỗ trợ giáo viên trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn trong nhà trường. Địa phương cũng có giáo viên cốt cán, đảm bảo việc hỗ trợ này đến với tất cả giáo viên.
Hướng tới, tất cả gần 900.000 giáo viên sẽ được tập huấn đến tận nơi theo hình thức kể trên. Tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn cũng là một hình thức tập huấn.
Nội dung tập huấn cũng sẽ trải dài dần. Năm 2019, tập trung tập huấn 2 chuyên đề về chương trình mới và về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo chương trình mới - điểm quan trọng nhất trong thực hiện chương trình mới. Những kỹ năng, năng lực sẽ tiếp tục tập huấn vào những năm tiếp theo.
* Những nội dung mà nhiều giáo viên thấy băn khoăn, vướng mắc nhất là gì? Họ đã được hướng dẫn, hỗ trợ như thế nào để giải tỏa lo lắng?
- Một số giáo viên lo lắng không biết là dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh nghĩa là như thế nào? Thực ra thì năng lực của học sinh được phát triển thông qua cách học sinh được hoạt động học và vận dụng kiến thức, mỗi loại hoạt động học sẽ góp phần hình thành và phát triển một hay một số năng lực tương ứng với hoạt động đó.
Lần này sẽ tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện cho giáo viên để tổ chức được hoạt động học tích cực của học sinh, tiếp nhận, vận dụng kiến thức, không truyền thụ một chiều.
* Làm thế nào để kiểm soát và chấn chỉnh khi giáo viên hiểu sai tinh thần và không đạt được yêu cầu khi dạy chương trình mới?
- Việc bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, trong đó các tài liệu bồi dưỡng cần đưa lên mạng ít nhất một tuần trước khi tổ chức bồi dưỡng trực tuyến; tăng cường trao đổi, thảo luận trong quá trình bồi dưỡng trực tiếp.
Việc giám sát thực hiện kế hoạch và đánh giá kết quả bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý phải được thực hiện nghiêm túc (qua mạng và trực tiếp), làm căn cứ để các địa phương bố trí, sử dụng. Bộ sẽ theo dõi, tổng hợp số lượng, chất lượng công tác bồi dưỡng, xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo viên và cán bộ quản lý.
Một tiết học nhóm của cô trò lớp 1/3 Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). 100% giáo viên lớp 1 sẽ được tập huấn trong năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
* Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên sẽ đảm nhiệm dạy lớp 1 - năm đầu tiên triển khai đại trà chương trình mới?
- Giáo viên lớp 1 không khác các giáo viên lớp khác vì họ đã và đang có những nội dung kiến thức về phương pháp dạy học, được triển khai tập huấn từ nhiều năm qua.
Trong năm 2019-2020 - năm đầu tiên áp dụng chương trình này, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung cao độ vào việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ này để đảm bảo việc dạy chương trình mới thành công. Chúng tôi tin tưởng họ sẽ đảm đương tốt nhiệm vụ.
Trường sư phạm là nòng cốt
Với quan điểm trường đại học sư phạm đóng vai trò nòng cốt trong quá trình phát triển nội dung chuyên đề và tổ chức bồi dưỡng, bộ chỉ đạo tập trung bồi dưỡng giảng viên sư phạm cốt cán, giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý giỏi làm nòng cốt để phát triển tài liệu và tổ chức bồi dưỡng theo các chuyên đề được lựa chọn.
Bồi dưỡng trước một số giảng viên sư phạm cốt cán, cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông cấp tiểu học về chương trình mới và đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận