26/03/2019 20:02 GMT+7

'Tập đoàn, Tổng công ty có quyền của người ta, đừng can thiệp vào'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cần tránh tình trạng quản lý nhà nước muốn làm chức năng đại diện chủ sở hữu và đại diện sở hữu lại 'mon men' muốn làm chức năng quản lý. Cần phân vai rõ ràng và tôn trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tập đoàn, Tổng công ty có quyền của người ta, đừng can thiệp vào - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phân định rõ vai trò cơ quan chủ sở hữu vốn với quản lý nhà nước - Ảnh: CHÍ TUỆ

Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ủy ban quản lý vốn nhà nước chiều ngày 26-3.

Theo Phó thủ tướng, mô hình ủy ban quản lý vốn nhà nước tách bạch chức năng quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu, tạo điều kiện cho các bộ làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước.

Những khó khăn thách thức mà Ủy ban đặt ra khi hình thành tổ chức, hoàn thiện mô hình và đi vào hoạt động có từ trước, do đó Phó thủ tướng đề nghị cần quán triệt thống nhất các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến Ủy ban vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước để có hoạt động hiệu quả.

"Cần quán triệt sâu sắc nghị định 131/2018 của Chính phủ về thành lập Ủy ban, tránh tình trạng quản lý nhà nước muốn làm chức năng đại diện chủ sở hữu và đại diện sở hữu lại mon men muốn làm chức năng quản lý. Dù hai lĩnh vực này có mối quan hệ gắn bó quan hệ, nhưng quản lý nhà nước là quản lý nhà nước, còn đại diện chủ sở hữu phải làm cho đúng vai, đúng chủ trương đường lối" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thực hiện tiếp nhận và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quân đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Hùng - phó chủ tịch Ủy ban - cho biết đến nay đã tiếp nhận quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 bộ ngành.

Sau khi tiếp nhận, cơ quan này đã kiện toàn bộ máy quản lý, kiểm soát viên, nhân sự người đại diện vốn nhà nước, phê duyệt tiền lương, giải quyết trách nhiệm với các dự án đầu tư, xử lý khó khăn vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp, xếp loại doanh nghiệp, tái cơ cấu...

Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn vướng mắc liên quan các vấn đề như như trình tự, thủ tục trong xem xét; quyết định chủ trương đầu tư với các dự án; thẩm định dự án đầu tư; quy định quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông; sắp xếp lại, xử lý nhà đất; thanh kiểm tra giám sát...

Ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - cho hay đã chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban giúp bộ tập trung cho quản lý nhà nước. Song cũng có lo lắng bởi quá trình thực hiện cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa Ủy ban và bộ quản lý chuyên ngành để đảm bảo hiệu quả công việc.

"Thực tế ngành công thương có nhiều lĩnh vực liên quan đến an ninh năng lượng, nhiều khó khăn vướng mắc xin cơ quan chủ sở hữu thì phải quyết càng nhanh càng tốt, đặc biệt là dự án trọng điểm, quyết nhanh nhưng không quyết bừa nếu không ảnh hưởng đến hiệu quả và dự án của ngành" - ông Hải nói.

Đại diện Bộ Tư pháp thì băn khoăn lo lắng vấn đề đại diện chủ sở hữu nhà nước liệu làm có tốt không? Bởi có những nội dung mà Ủy ban đang muốn làm thêm vai của quản lý nhà nước, đơn cử Ủy ban đề nghị được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đây không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng lưu ý vấn đề cốt lõi là Ủy ban không phải đi kinh doanh vốn nhà nước mà là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Theo đó, việc xây dựng chiến lược phát triển cần tập trung vào các doanh nghiệp, chứ không phải là chiến lược phát triển của Ủy ban này.

"Các Tập đoàn, Tổng công ty 'có quyền của người ta, đừng can thiệp vào'. Bởi đã có quy định tổng giám đốc làm gì, chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị làm gì, nên cần làm cho đúng vai, đúng luật" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Phó thủ tướng đề nghị kế hoạch trước mắt và lâu dài, cần xây dựng kế hoạch và sản xuất kinh doanh của 19 doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm... gắn với tập trung tái cơ cấu toàn diện chiến lược, tài chính, quản trị, nhân sự và đầu tư.

"Quá trình làm đề án có gì vướng mắc phát sinh thì báo cáo lên. Phải rà soát lại các quy chế, quyết định chức năng nhiệm vụ. Cứ yên tâm làm theo nghị định 131 chứ đừng đề nghị ban hành cái nọ cái kia, hoạt động rồi sau đó đánh giá lại thấu đáo kết quả thực hiện, phân định rõ trách nhiệm các bên, cố gắng tập trung củng cố bộ máy" - ông Huệ nhấn mạnh.

Đối với vấn đề nhân sự, Phó thủ tướng yêu cầu cần rà soát lại, ngay cả với 50 cán bộ theo chỉ tiêu, cần rà soát để đảm bảo am hiểu, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn... 

Đặc biệt, cần triệt để sử dụng nhân sự từ các bộ ngành, "gạn đục khơi trong" chiêu hiền đãi sĩ những cán bộ đủ năng lực phẩm chất. Ủy ban cũng sớm đề xuất nhân sự cho hai phó chủ tịch, ưu tiên giỏi về tài chính doanh nghiệp, hiểu thấu đáo về doanh  nghiệp nhà nước.

Chuyển giao 5 doanh nghiệp giao thông sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

TTO - Chiều 12-11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã ký biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu 5 tổng công ty sở hữu hơn 46.000 tỉ đồng vốn nhà nước.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên