Công ty cổ phần Tập đoàn SSG (SSG) - chủ đầu tư dự án Saigon Pearl - vừa có công văn nêu quan điểm không ủng hộ, khi cơ quan chức năng đề xuất dỡ bức tường chắn đường ven sông qua khu dân cư Saigon Pearl (đường D4) và Vinhomes.
Ủng hộ thông đường nhưng... không ủng hộ đập tường
Lý do được SSG đưa ra là do cư dân Saigon Pearl không ủng hộ việc tháo bức tường tạo điều kiện cho người đi bộ, xe đạp lưu thông qua lại với mục đích kết nối giữa hai khu dân cư.
SSG cho rằng điều này không cần thiết mà chỉ làm tăng tình trạng mất an toàn giao thông, an ninh và quá tải cho hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Như vậy một mặt SSG khẳng định ủng hộ chủ trương làm tuyến đường ven sông Sài Gòn, nhưng một mặt lại không đồng tình phá dỡ bức tường để khơi thông tuyến đường.
Theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho cơ quan chuyên ngành của Nhà nước quản lý các công trình công cộng (bao gồm đường giao thông được duyệt trên đồ án quy hoạch chi tiết 1/500) sau khi được xây dựng hoàn chỉnh.
Nghị định 11 năm 2014 về quản lý đầu tư phát triển đô thị có quy định căn cứ vào tiến độ đầu tư, xây dựng và kinh doanh của dự án, chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án chuyển giao quản lý hành chính các công trình trong khu vực thực hiện dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để các bên có liên quan thực hiện.
Thời hạn chuyển giao không chậm quá 3 tháng kể từ khi chủ đầu tư kết thúc dự án cũng như hoàn thành các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Đơn vị quản lý hành chính phải thông báo trụ sở làm việc và tổ chức bộ máy phù hợp với quy mô quản lý được chuyển giao, để thực hiện quản lý hành chính bảo đảm quyền lợi của dân cư đến ở.
Quyết định công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án Saigon Pearl cũng nêu chủ đầu tư cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện về kỹ thuật, mặt bằng thi công và các vấn đề khác khi TP.HCM triển khai kết nối tuyến đường ven sông của TP với tuyến đường ven sông của dự án.
Trong công văn của SSG cũng đã nêu rõ dự án trải qua nhiều giai đoạn đầu tư và đưa vào sử dụng các năm 2009, 2011, 2022. Hiện tại dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ các hạng mục của dự án.
SSG cũng ủng hộ chủ trương mở tuyến đường kết nối ven sông với lộ giới 15m đồng bộ và thông suốt từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa, cam kết sẵn sàng kế hoạch bàn giao các hạng mục hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan Nhà nước quản lý, cũng như thực hiện chủ trương mở tuyến đường kết nối ven sông.
Như vậy, chiếu theo luật định và cả quan điểm của chủ đầu tư, việc bàn giao hạ tầng đường giao thông trong dự án Saigon Pearl là điều đương nhiên phải làm. Trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước là phải nhanh chóng lập hồ sơ chuyển giao quản lý.
SSG không tự tháo dỡ thì cưỡng chế!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế, tài nguyên và môi trường TP.HCM - nhận định trong Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch, mọi chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch khi nhà nước có sự điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể, ông Thuận phân tích trong quy định, khi giao đất cho chủ đầu tư bất cứ dự án nào thì phải tuân thủ theo Luật Quy hoạch (dù có điều chỉnh hay không).
Trước đây, khi quy hoạch lộ giới 15m, sau điều chỉnh là 35m thì buộc chủ đầu tư phải tuân thủ. Năm 2004 chưa có quy hoạch chi tiết bờ sông Sài Gòn. Còn hiện nay khi có quy hoạch chi tiết, khu vực này được điều chỉnh đường 35m thì tất cả chủ đầu tư phải tuân thủ.
Ngoài ra, đây còn là trách nhiệm chung của mọi nhà đầu tư về đồng hành với sự phát triển hạ tầng của TP. Không thể vì lợi ích riêng hay nhóm nhỏ. Điều này cần phải thực hiện nghiêm túc để có cơ sở thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn trong tương lai.
"Tôi cũng đề nghị xem xét trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước của sở ngành liên quan đã để chậm trễ trong việc thực hiện quy hoạch. Nếu không tự tháo dỡ thì cưỡng chế", ông Thuận nói.
Chủ tịch TP.HCM đã chỉ đạo, SSG nên vì lợi ích chung
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo quyết liệt xử lý việc này, các sở, ngành liên quan cần quan điểm và hành động mạnh mẽ để khơi thông tuyến đường ven sông, vốn bị chặn nghẽn nhiều năm nay.
Điều đáng nói, dù ủng hộ chủ trương bàn giao và kết nối đường ven sông, nhưng SSG lại đưa ra các luận điểm để thể hiện việc không đồng tình phá dỡ bức tường chắn giữa dự án Saigon Pearl với Vinhomes.
Theo đó, SSG nêu đường ven sông D4 chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông nội bộ của dự án, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thông của TP.HCM cũng như khu vực.
Mặt khác, SSG cũng nêu một đoạn trong quyết định của UBND TP.HCM năm 2014 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 với dự án Saigon Pearl:
"Các tuyến đường được nghiên cứu phù hợp với hệ thống chung của khu vực.
Các đường nội bộ trên mặt đất được dùng làm đường đi bộ, cảnh quan và phòng cháy chữa cháy khi cần thiết, các phương tiện cơ giới không được lưu thông trên các tuyến đi bộ này".
Việc này cần phải minh định rõ là đường D4 thuộc diện chủ đầu tư phải bàn giao lại cho cơ quan chuyên ngành của Nhà nước quản lý. Việc tổ chức giao thông trên tuyến đường đó như thế nào cũng thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
Lo lắng của chủ đầu tư và cư dân ở Saigon Pearl khi bức tường phá dỡ, lượng xe lưu thông qua lại nhiều sẽ gia tăng áp lực giao thông cho dự án có thể hợp lý và đúng với hiện trạng.
Tuy nhiên, SSG chỉ có quyền kiến nghị các cơ quan quản lý có phương án tổ chức giao thông, bố trí bảng biển cấm để không gây áp lực giao thông cho dự án.
Thậm chí, SSG cũng có thể đề nghị được giao quản lý, vận hành, bảo trì công trình nhưng không vì bất cứ lý do nào có thể ngăn cản việc phá dỡ bức tường, khơi thông tuyến đường kiểu "ngăn sông cấm chợ".
Có thể xem xét lộ giới đường qua dự án tập đoàn SSG
SSG cho hay, theo quy hoạch giao thông của dự án Saigon Pearl, đường D4 ven sông của dự án rộng 15m, còn quy hoạch đường ven sông hiện tại rộng 35m. Khi mở rộng đường D4 theo lộ giới quy hoạch 35m sẽ ảnh hưởng đến một số công trình hạ tầng kỹ thuật...
Đặc biệt là phải di dời trạm xử lý nước thải của dự án Saigon Pearl cũng như phải nghiên cứu sự tác động đến kết cấu kè sông Sài Gòn (đoạn thuộc dự án Saigon Pearl) khi mở rộng tuyến này.
Việc này cũng không quá lo lắng, bởi lộ giới 35m là quy hoạch toàn tuyến đường ven sông từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa.
Theo các chuyên gia, khi mở rộng tuyến đường, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét các phương án hợp lý nhất để di dời các công trình trong phạm vi lộ giới.
Thậm chí, nếu bất khả kháng không thể di dời công trình đó, cũng có thể tính toán giữ nguyên hiện trạng đoạn đường qua dự án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận