Ngày 10-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Phạm Mỹ Hạnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.
Bắt tạm giam chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mỹ Hạnh
Bà Hạnh được xác định cùng cộng sự đưa ra thông tin không đúng sự thật về việc có dự án đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum.
Đưa ra lãi suất hấp dẫn ra sao để huy động vốn?
Công an quận Cầu Giấy cho biết qua điều tra, bước đầu xác định bà Hạnh cùng cộng sự ở Tập đoàn Mỹ Hạnh (trụ sở tại quận Cầu Giấy) đưa ra rất nhiều thông tin quảng bá về hoạt động của tập đoàn, tổ chức hội thảo, ý tưởng dự án… để lôi kéo nhà đầu tư tham gia góp vốn.
Với sự chỉ đạo của bà Hạnh, Tập đoàn Mỹ Hạnh đã đưa ra cam kết lãi suất rất hấp dẫn từ 24% đến 48%/năm với các loại hợp đồng như hợp đồng vay vốn, góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, bán cổ phần. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022, Tập đoàn Mỹ Hạnh đã thu hút hàng ngàn nhà đầu tư với số tiền huy động lên đến hơn 1.200 tỉ đồng.
Theo Công an quận Cầu Giấy, sau khi huy động được cả ngàn tỉ đồng, Tập đoàn Mỹ Hạnh đã không bổ sung tiền vào phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy ghi nhận trong số hơn 1.200 tỉ đồng huy động được thì tiền đưa vào kinh doanh chỉ khoảng 1%.
Số tiền huy động được Tập đoàn Mỹ Hạnh dùng để trả lãi suất cho các nhà đầu tư, chi tiêu vào mục đích khác và mua bất động sản đứng tên Phạm Mỹ Hạnh.
Bên cạnh đó, đến nay bà Hạnh cũng chưa chứng minh tiền huy động được của nhà đầu tư đã sử dụng vào mục đích gì.
Chưa được cấp phép dự án trồng sâm Ngọc Linh
Theo Công an quận Cầu Giấy, đơn vị này đang tiến hành xác định các nguồn tiền bà Hạnh chiếm đoạt bất hợp pháp để thu hồi. Đồng thời mở rộng điều tra, làm rõ những người đã giúp sức cho bà Hạnh.
Về thông tin Tập đoàn Mỹ Hạnh từng "nổ" có dự án trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum mà báo chí phản ánh, Công an quận Cầu Giấy cho biết tập đoàn có một số hoạt động liên quan đến phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên chính quyền địa phương chưa có những xác nhận về thủ tục pháp lý chính thức, trực tiếp cho tập đoàn này.
Tập đoàn Mỹ Hạnh mới dừng lại ở việc liên kết với một số đơn vị được phát triển trồng sâm Ngọc Linh. Việc "nổ" có dự án trồng sâm Ngọc Linh cũng là một trong những căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Ngoài ra bước đầu cơ quan điều tra xác định bà Hạnh cùng cộng sự đã thổi phồng quá mức giá trị, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn và nâng khống giá trị của doanh nghiệp. Đến nay tập đoàn này đã mất khả năng thanh toán cho nhà đầu tư lượng tiền huy động từ trước đó.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, hành vi của bà Hạnh đã đủ yếu tố cấu thành dấu hiệu tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Công an quận Cầu Giấy đã khám xét trụ sở tập đoàn, kho hàng, văn phòng, nơi ở của bà Hạnh để thu thập các chứng cứ khác phục vụ quá trình điều tra.
Nhiều người dân từng phản ánh Tập đoàn Mỹ Hạnh lừa đảo
Nhiều người dân từng làm đơn gửi đến Tuổi Trẻ Online phản ánh việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh giới thiệu, ký hợp đồng hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với không ít cá nhân, tuy nhiên thực tế thì không có dự án nào như đã giới thiệu.
Trong khi đó, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cũng khẳng định trên địa bàn chưa có bất kỳ dự án đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh của tập đoàn này. Nhiều chi nhánh giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh ở Hà Nội, kể cả trụ sở chính tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy) của Tập đoàn Mỹ Hạnh từng "nổ" hợp tác trồng sâm Ngọc Linh với nhiều công ty cũng đã dỡ bỏ biển hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận