Cổ phiếu HSG vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá, đạt 9.130 đồng/cổ phiếu khi chốt ngày giao dịch 12-4, duy trì xu hướng tăng trưởng gần 5% so với giá giao dịch ngày 1-3 - Ảnh : TRẤN KIÊN
Ngày 1-3, Tập đoàn Hoa Sen bắt đầu công bố thông tin về việc HĐQT của doanh nghiệp này ban hành nghị quyết 09 chấp thuận chấm dứt hoạt động của 10 chi nhánh trực thuộc ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Định, Lạng Sơn, Ninh Bình.
Lý do được Hoa Sen đưa ra là "tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, phục vụ công tác chuyển đổi các chi nhánh thành địa điểm kinh doanh thuộc chi nhánh tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động".
Sau khi Hoa Sen công bố thông tin, dư luận bắt đầu xôn xao về việc giải thể chi nhánh.
Ngày 4-3, doanh nghiệp này có văn bản gửi HoSE, lý giải rằng phương án tái cấu trúc vốn đã được thông qua từ đại hội cổ đông niên độ tài chính 2017-2018.
Theo phương án tái cấu trúc, Hoa Sen "sẽ chọn 1 chi nhánh để thành lập chi nhánh tỉnh, các chi nhánh còn lại trong tỉnh/thành đó sẽ được chuyển đổi thành cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh với hình thức pháp lý là địa điểm kinh doanh".
Cụ thể, Hoa Sen chấm dứt hình thức pháp lý đối với khoảng 500 chi nhánh trên toàn quốc thuộc mô hình cũ, chuyển sang vận hành mô hình mới bao gồm hơn 56 chi nhánh tỉnh và hơn 500 cửa hàng trực thuộc.
Sau khi ban hành nghị quyết 09 giải thể 10 chi nhánh vào ngày 1-3, HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục ban hành thêm 5 nghị quyết nữa cũng liên quan đến việc giải thể hàng loạt các chi nhánh từ Bắc vào Nam, với cùng một lý do "tái cấu trúc hệ thống phân phối".
Đáng lưu ý là nghị quyết 20 ban hành ngày 5-4 chấp thuận việc giải thể cả hai văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP.HCM.
Nghị quyết gần đây nhất là nghị quyết 22 ban hành ngày 12-4, giải thể đến 70 chi nhánh trực thuộc.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng rưỡi, HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen đã ban hành 6 nghị quyết giải thể đến 199 chi nhánh và 2 văn phòng đại diện ở hai thành phố lớn nhất cả nước.
Việc giải thể ồ ạt các chi nhánh diễn ra trong bối cảnh kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 sụt giảm đáng kể so với năm 2017.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Hoa Sen chỉ còn hơn 409 tỉ đồng, giảm đến 70%. Đáng nói là lợi nhuận sau thuế quý 4 - 2018 ghi nhận lỗ trên 100 tỉ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu HSG cũng giảm ba lần, còn 1.090 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo tài chính cho thấy giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp cùng với chi phí tài chính của Hoa Sen bị đội lên rất nhiều so với năm 2017.
Giá trị chênh lệch của hai khoản mục trên lần lượt là hơn 8.700 tỉ và hơn 380 tỉ đồng. Chỉ riêng các khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái đã làm chi phí tài chính của Hoa Sen đội lên trên 93 tỉ đồng.
Hiện tại, cổ phiếu HSG vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá, đạt 9.130 đồng/cổ phiếu khi chốt ngày giao dịch 12-4, vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng gần 5% so với giá giao dịch ngày 1-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận