Một dự án bất động sản đang được Hòa Bình làm nhà thầu xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại đại hội bất thường, ông Lê Viết Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đồng thời là phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - đã chỉ ra những khó khăn của ngành bất động sản Việt Nam thời điểm này.
Theo ông Hải, sau đại dịch, xuất hiện tình hình trượt giá do lạm phát, đầu tư nước ngoài không đạt được làn sóng như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Nhà nước "siết chặt" tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã khiến cho nhiều dự án bất động sản không triển khai, hoặc đang triển khai bị chậm lại.
Hệ lụy kéo theo là việc thanh toán cho nhà thầu xây dựng cũng chậm trễ. Đặc biệt, lợi nhuận của nhà thầu đã mỏng do cạnh tranh khốc liệt thì lại càng bị ăn mòn bởi trượt giá.
Theo ông Hải, đối với ngành xây dựng Việt Nam, hiện cung lớn hơn cầu, hiệu quả kinh doanh của các nhà thầu không cao bởi luôn nằm trong tình trạng cạnh tranh giá rất khốc liệt.
Trong khi đó, thị trường nước ngoài lại thiếu nguồn cung trong khi cầu lại rất nhiều, các nhà thầu quốc tế không đủ nguồn nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vật tư tăng cao… khiến nhà thầu không đảm bảo tiến độ, phá sản.
Do đó, ông Hải cho hay hiện nay là thời điểm thuận lợi để vươn ra thị trường thế giới. Bởi thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỉ USD và dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỉ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng 50 - 60 tỉ USD.
Trong khi đó, Việt Nam có 9.000 kỹ sư xây dựng/1 triệu dân, cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới và đang dẫn đầu xuất khẩu nhiều loại vật liệu xây dựng.
"Kết quả kinh doanh của Hòa Bình trong 4 năm gần đây không cải thiện nhiều, Hòa Bình như cá voi nhưng đang nuôi trong ao nhà quá chật chội, không đủ không gian để lớn lên và vùng vẫy. Do đó, phải nhanh chóng tìm con đường ra biển lớn thì cá voi mới tăng trưởng và sống được", ông Hải ví von.
Lãnh đạo Hòa Bình cũng đưa ra danh sách các dự án tiềm năng tại các thị trường ở Canada, Úc, EU… và cho biết sẽ lập các công ty con ở các nước để phát triển công trình sau khi "chốt" dự án.
Mục tiêu Hòa Bình đặt ra đến năm 2032 doanh thu đạt 19 tỉ USD, trong đó thị trường nước ngoài 13 tỉ USD, lợi nhuận 5% doanh thu.
Phát hành 5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư Nhật Bản
Các cổ đông thông qua phương án phát hành 5 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Lê Viết Hiếu, phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Bình đạt 7.000 tỉ đồng (đạt 40% kế hoạch), tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận hợp nhất đạt 331 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ở mức 63 tỉ đồng, đạt 18% kế hoạch của năm 2022.
Tuy vậy, ông Lê Viết Hải cho hay Hòa Bình tự tin sẽ đạt được doanh thu 17.500 tỉ đồng trong năm nay.
Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua chiến lược kinh doanh trong 10 năm tới với chính sách thưởng nhân viên khi đạt chỉ tiêu doanh thu 437.500 tỉ đồng và lợi nhuận 21.875 tỉ đồng vào năm 2032, với mức thưởng 10% lợi nhuận.
Trước đây, Hòa Bình đưa ra kế hoạch chào bán 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, Hòa Bình mới trình đại hội phát hành 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là Sanei Arrchitecture Planning Co. Ltd (Nhật Bản) với giá chào bán là 32.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá.
Theo ông Lê Viết Hải, do có những rắc rối liên quan đến vấn đề hủy kết quả đấu giá, bán cổ phiếu không khai báo dẫn đến thị trường bất động sản biến động lớn, đối tác chiến lược trong nước muốn đầu tư vào Hòa Bình gặp khó khăn nên chưa phát hành thêm cổ phiếu.
Dù vậy, Hòa Bình vẫn tiếp tục kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-8, cổ phiếu Hòa Bình (HBC) chốt mức 20.300 đồng/cổ phiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận