12/10/2017 09:44 GMT+7

Tập đoàn dầu khí quốc gia gây rối loạn ở Brazil

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Vụ bê bối liên quan tập đoàn dầu khí nhà nước khiến nhiều lãnh đạo chính trị ở Brazil phải rơi đài và vào tù. Mới nhất là cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị phong tỏa tài sản.

Tập đoàn dầu khí quốc gia gây rối loạn ở Brazil - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Dilma Rousseff đang đối mặt những cáo buộc nặng nề - Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, ngày 11-10, Tòa án kiểm toán liên bang Brazil (TCU) đã phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống nước này Dilma Rousseff với cáo buộc về vai trò của bà trong thỏa thuận mua một nhà máy lọc dầu thuộc bang Texas (Mỹ) của tập đoàn dầu khí quốc doanh Petroleo Brasileiro SA, vốn được gọi tắt là Petrobras.

Ngoài cựu Tổng thống Rousseff, quyết định của TCU, có thời hạn 1 năm, cũng phong tỏa tài sản đối với cựu Bộ trưởng Tài chính Antonio Palocci, cựu Chủ tịch tập đoàn Petrobras - ông Jose Sergio Gabrielli và nhiều thành viên khác trong ban lãnh đạo Petrobras.

Vụ mua "hớ" kỳ lạ

Theo TCU, năm 2006, Petrobas đã quyết định mua nhà máy lọc dầu ở Mỹ với chi phí lên tới 580 triệu USD, được đánh giá là quá cao do dựa trên "tiêu chuẩn phi kinh tế được dùng để định giá nhà máy này".

Petrobras đã chi ra 360 triệu USD để nắm lấy quyền quản lý nhà máy lọc dầu Pasadena. Điểm bất thường ở đây là việc số tiền này cao gấp 8 lần số tiền mà chủ trước là Astra Oil - một công ty của Bỉ do tập đoàn Astra Transcor Energy kiểm soát, đã bỏ ra một năm trước cho nhà máy lọc dầu có công suất 112.000 thùng/ngày ở Mỹ.

Ở thời điểm Petrobas nắm 50% quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Mỹ, bà Rousseff đang giữ cương vị chánh văn phòng của Tổng thống Brazil khi đó, Luiz Inacio Lula da Silva. Bà cũng là chủ tịch ban giám đốc của Petrobas.

Đến năm 2012, Petrobras lại còn bỏ thêm 1,18 tỉ USD vào thương vụ đó, bao gồm chi phí mua thêm nửa còn lại của tập đoàn Astra sau một tranh chấp pháp lý giữa hai tập đoàn.

Năm 2014, khi vụ bê bối liên quan đến nhà máy này nổ ra, bà Rousseff - đương kim Tổng thống khi đó, khẳng định mình chỉ phê chuẩn thỏa thuận do nhận được "thông tin không hoàn chỉnh" cho một báo cáo "sai sót về mặt kỹ thuật và pháp lý".

Năm 2015, các nhà điều tra của Brazil cho biết tìm thấy bằng chứng về số tiền hối lộ lên đến 15 triệu USD trong thương vụ mua nhà máy lọc dầu ở Mỹ.

Cuối tháng 8-2016, bà Tổng thống Rousseff đã bị Quốc hội Brazil phế truất khi do những sai phạm về tài chính và được thay thế bằng Phó Tổng thống Michel Temer.

Bà Dilma bị phong tỏa những gì?

Số tài sản mà bà Dilma Rousseff khai báo trước khi được bầu lại làm Tổng thống năm 2014 (bà kế nhiệm ông Lula năm 2011) gồm có 3 căn hộ, 2 lô đất và 1 căn nhà ở TP Porto Alegre, cùng với tiền mặt và tiền tiết kiệm tổng cộng 1,75 triệu reais (tương đương 552.000 USD).

Tập đoàn dầu khí quốc gia gây rối loạn ở Brazil - Ảnh 3.

Người dân treo băng-rôn phản đối Tổng thống Michel Temer trước trụ sở tập đoàn Petrobras ở TP Rio de Janeiro - Ảnh: REUTERS

Vụ bê bối chưa có hồi kết

Hôm 2-10, thẩm phán liên bang Sergio Moro tuyên bố quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng tiền tỉ tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras ở nước này sắp đi tới hồi kết.

Trả lời phỏng vấn báo giới tại TP Sao Paulo, thẩm phán Moro, người phụ trách điều tra vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử nền kinh tế số một Mỹ Latinh, cho biết nhà chức trách vẫn đang tiếp tục điều tra, tuy nhiên đa phần công việc gần như đã hoàn thành.

Ông nhấn mạnh quá trình điều tra "khá mệt mỏi và vất vả", tuy nhiên khẳng định sẽ nỗ lực để đi tới cùng vụ điều tra với khối lượng công việc khổng lồ này.

Bên cạnh đó, ông Moro bác bỏ khả năng ra tranh cử chức tổng thống Brazil vào năm tới dù uy tín của ông hiện đang ở mức rất cao tại Brazil do hiệu quả công việc đã và đang làm. Ông cho biết sẽ chỉ tiếp tục công việc một thẩm phán chuyên nghiệp.

Các vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bắt đầu bị phanh phui từ tháng 3-2014. Vụ việc này đã làm rung chuyển chính trường Brazil, khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như hàng loạt chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố.

Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập các băng nhóm tội phạm, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.

Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các nghị sĩ của cả hai viện Quốc hội và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.

Petrobras đã mất khoảng 2 tỉ USD trong vụ bê bối tham nhũng này. Ngoài tổng thống đương nhiệm Michel Temer, hai cựu tổng thống vốn được người dân ưa thích là bà Dilma Rousseff và "tổng thống bình dân" Lula da Silva cũng bị cáo buộc tham ô trong vụ bê bối này.

Tập đoàn dầu khí quốc gia gây rối loạn ở Brazil - Ảnh 4.

Tổng thống đương nhiệm của Brazil Michel Temer cũng đang dính líu nhiều cáo buộc tham nhũng và hối lộ - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Temer chưa thoát vành móng ngựa

Ngày 10-10, Hạ viện Brazil bắt đầu xem xét đề xuất của Tòa án Tối cao nước này về việc đưa tổng thống Michel Temer ra xét xử trước một tòa án hình sự vì cáo buộc tham nhũng.

Đây là lần thứ hai cơ quan lập pháp Brazil phải bỏ phiếu liên quan đến những cáo buộc tham ô của người đứng đầu nhà nước.

Ngày 20-9, Tòa án Tối cao Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc đưa ông Temer ra xét xử trong một phiên tòa tại Quốc hội. Theo quyết định của tòa, ông Temer bị cáo buộc tham gia vào một đường dây nhận hối lộ với số tiền lên tới 175 triệu USD để đổi lấy việc tạo thuận lợi cho công ty Caixa Económica ký hợp đồng với tập đoàn dầu khí Petrobras.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên