09/10/2024 22:54 GMT+7

Tập đoàn Adani của Ấn Độ nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai

Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cùng với Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai, Quảng Nam.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai - Ảnh 1.

Sân bay Chu Lai - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 9-10, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng, ông Lê Văn Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai.

Tập đoàn Adani và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi

Trả lời câu hỏi đến nay đã có doanh nghiệp nào vào đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai theo hướng xã hội hóa, ông Dũng cho biết năm 2022 tỉnh đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận số 135 của Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa.

Và giao Bộ Giao thông vận tải lập tổ công tác nghiên cứu, xử lý kiến nghị của tỉnh về đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay này, đề xuất báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo ông Dũng, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư chính thức, chỉ có một vài nhà đầu tư vào nghiên cứu, thấy khó khăn quá nên dừng.

Vừa qua sau chuyến đi của Thủ tướng thăm, làm việc tại Ấn Độ, Tập đoàn Adani của Ấn Độ và Vietjet đang nghiên cứu đầu tư vào sân bay này nhưng đây mới là nghiên cứu tiền khả thi.

"Nếu nghiên cứu thấy đủ điều kiện làm được, họ sẽ đề xuất tiếp, nếu đủ điều kiện thì Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ đồng ý, họ mới tiếp tục" - ông Dũng nói.

Theo ông, sân bay Chu Lai được đánh giá là một trong ba sân bay lớn nhất của cả nước hiện nay về diện tích, bởi còn hơn 2.000ha là đất sạch.

"Đây là điều thuận lợi nhất cho việc đầu tư sân bay này trở thành sân bay quốc tế, đặc biệt là nơi trung chuyển hàng hóa lớn nhất nước" - ông Dũng nói.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Dũng - Ảnh: LÊ TRUNG

Quảng Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư

Ông Lê Văn Dũng cho hay hiện nay đối với sân bay này mới là chủ trương, rồi đề xuất tiếp, nhiều việc vướng mắc cần tháo gỡ. Nếu sau này Trung ương đồng ý cho đầu tư theo hướng xã hội hóa thì đương nhiên phải làm đúng theo quy định của pháp luật.

Tỉnh sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, ai có cơ hội đầu tư được thì hoan nghênh. Tinh thần lãnh đạo tỉnh cố gắng đề xuất với Trung ương để được xã hội hóa đầu tư sân bay này.

"Nếu không đầu tư xây dựng sân bay này sẽ rất uổng, làm được thì tỉnh sẽ phát triển tốt, vì vậy phải quyết tâm" - ông Dũng nói thêm.

Giai đoạn 2021 - 2030, sân bay Chu Lai được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế, sân bay cấp 4F, công suất thiết kế dự kiến 10 triệu hành khách/năm.

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, ngày 31-7, bắt đầu chương trình thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani, chủ tịch Tập đoàn Adani - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng.

Đối với việc triển khai dự án sân bay, Thủ tướng gợi ý nhà đầu tư nên lựa chọn “có trọng tâm trọng điểm”, ưu tiên tham gia đầu tư vào sân bay Chu Lai, do sân bay này có lợi thế khi kết nối với ba tuyến quốc lộ lớn rất thuận tiện. Sân bay cũng đã sẵn sàng 1.200ha mặt bằng và sẽ là sân bay quốc tế sau khi dời sân bay quốc tế Đà Nẵng về đây.

Tập đoàn của Ấn Độ nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai - Ảnh 3.Quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối hai sân bay Chu Lai và Đà Nẵng

Tỉnh Quảng Nam quy hoạch hướng tuyến đường sắt đô thị kết nối Cảng hàng không Chu Lai với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên