TTCT - Đúng hôm 3-2 xảy ra vụ nổ súng tại Bảo tàng Louvre (Pháp), một người bạn ở quê tôi đưa lên Facebook ảnh chiếc chạn gỗ mốc meo nằm nép xó bếp “30 chưa phải là tết”. Minh họa: VIIP Ngồi ở Bỉ nhớ tết nhớ quê, tôi bồi hồi nhắn: “Gắng giữ cái chạn, sớm thành hiện vật bảo tàng đấy”. Bạn hồi âm: “Còn cái chạn cót ép nữa, nhưng ống tre để cắm đũa vỡ rồi. Làng ta bây giờ mê man phục dựng lễ hội nhưng chạn gỗ, cối đá, bụi tre, ông đầu rau... thì vứt ráo, đốt ráo”. Ra giêng, xóm trên thôn dưới tất bật gói thêm nồi bánh chưng mừng hội làng. Trẩy hội như lũ mà cấm thấy được một góc be bé gọi là lưu lại ký ức làng xưa. Giá mà làng tôi có một bảo tàng nho nhỏ, bộ sưu tập cá nhân cũng được, đem ra trình hội thì không những thánh thần được mát mặt mà người trần mắt thịt như lớp con cháu phố thị về dự cũng bổ não, sáng mắt. Lại nói chuyện làm bảo tàng. Đâu cần bảo tàng nào cũng phải đỉnh cao như cái chóp nhọn hình kim tự tháp trồi lên giữa sân Napoléon của Bảo tàng Louvre. Phần lớn các bảo tàng “đời” hơn ta tưởng. Tại sao một đất nước nhỏ bé như Hà Lan sở hữu đến hơn 1.200 bảo tàng. Còn người Bỉ có câu “giàu hơn ta tưởng” ám chỉ những thứ ông bà để lại vẫn phủ bụi trong xó phòng áp mái hoặc tầng hầm, một ngày lôi ra sẽ lấp lánh như kim cương dưới ánh mặt trời. Tôi nghĩ nếu một Việt kiều nào đó chán làm bếp kiếm sống xứ người, về làng lập bảo tàng rau muống rau má kèm xưởng dạy chế biến món ngon từ rau quê, thu tiền vé vào cửa trị giá nửa cân thịt ba chỉ, không khéo bị cả làng cười chê đầu óc có vấn đề. Nhưng người dân ở thị trấn Kampenhout và Riemst (Bỉ) chắc chắn sẽ ngả mũ đón chào, bởi nhiều năm nay họ vẫn tự hào mời du khách ghé địa phương, đàng hoàng thu 2,5 euro/vé thăm bảo tàng nấm và cải búp trắng. Với người phương Tây, những gì có thể nhìn thấy hoặc không còn hiện diện trong cuộc sống đều có thể tìm được trong bảo tàng. Trong mỗi gia đình, với mỗi cá nhân, công việc lưu trữ có tính hệ thống đã trở thành một phần cuộc sống. Có lần tôi dùng nhờ máy tính của mẹ chồng Tây, ngỡ ngàng nhận ra bao năm nay bà cụ vẫn miệt mài cập nhật hồ sơ ảnh từng thành viên gia đình, sắp xếp theo thời gian và sự kiện. Riêng tôi, con dâu Việt, lặng nhìn gương mặt chính mình suốt bảy năm qua lần lượt hiện ra với bao sắc thái. Từ cô gái mặc áo dài đỏ tươi rói nhẹ thênh bước chân vào tòa thị chính đăng ký kết hôn cho đến người đàn bà gương mặt đẫy đà, mắt ám màu khói vì thiếu ngủ đang bế đứa con thứ ba trên tay. Chỉ những bức ảnh cũng đủ hồi sức cho một phần đời sống lại. Ngày nào đó, tôi sẽ xin mẹ chồng cho thừa kế “bảo tàng” này. Mùa hè năm ngoái, tôi lái xe quanh quẩn vùng Nam Tyron của Ý, từ nhà hàng, khách sạn, biển hiệu trên phố đều thấy gương mặt đàn ông quen quen. Chính là người tuyết Otzi - tồn tại gần 53 thế kỷ trong băng tuyết (được phát hiện năm 1991 khi băng tan chảy trên sườn núi Otztal Alps). Xác Otzi trưng bày trong Bảo tàng khảo cổ học Nam Tyron ở thành phố Bolzano. Có biết bao điều hấp dẫn khó cưỡng ở Ý, lại không quan tâm các thể loại xác ướp, tôi vẫn thấy cần phải bỏ ra 7 euro mua vé vào bảo tàng này. Bởi người Bolzano đã tha thiết nhiệt thành nói về kho báu của họ thế này còn gì: Bảo tàng không chỉ là một phần sự thật trong quá khứ, đó còn là lối dẫn đến hiện tại và gợi mở tương lai. Tôi đã cận cảnh dung nhan người châu Âu thời kỳ đồ đồng. Xác ướp chỉ một, nhưng biết bao quần áo, vũ khí, công cụ sản xuất và săn bắn, các nghiên cứu khoa học, phân tích môi trường... đã làm nên một bảo tàng hoành tráng mỗi năm thu về hàng triệu đôla tiền vé. Trò tiểu học cho đến sinh viên đều có chương trình tham quan riêng, phù hợp sự quan tâm từng lứa tuổi. Gần đây, tôi quen một vài sinh viên Trung Quốc sang châu Âu du học, so sánh: học phổ thông ở đây quá nhàn, chủ yếu đi bảo tàng, nhưng lên đại học chương trình còn căng hơn ở Trung Quốc, Singapore. Vì sao thời học phổ thông của người Âu lại nhàn? Vì sao lại có quá nhiều bảo tàng để tham quan? Song hành trường học, bảo tàng là nơi lưu giữ, giới thiệu, thức tỉnh chúng ta cả về kỹ năng sống. Cái chạn đã lùi vào xó bếp nhường chỗ cho tủ lạnh. Nhưng được nhìn thấy chạn bếp nghĩa là còn được nhắc nhớ rằng nguồn thức ăn không phải lúc nào cũng dồi dào vô tận. Và nếu quên không tra nước đầy bốn chiếc bát kê dưới chân chạn, thế nào lũ kiến cũng bu đầy âu mỡ lọ đường. Tags: KIỀU BÍCH HƯƠNGTạp bút TTCTCái chạn bếp và bảo tàngKampenhout
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.