08/07/2014 07:20 GMT+7

Tạo uy tín cho bệnh viện tuyến dưới

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Ngày 7-7, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với ba bệnh viện thuộc Bộ Y tế tại TP.HCM là Chợ Rẫy, Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y dược TP.

6Bk9NRNn.jpg
Bộ trưởng Kim Tiến hỏi thăm bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: T.C.

Trong suốt thời gian đi thực tế tại các khoa, phòng cũng như khi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược TP, bộ trưởng luôn dừng lại hỏi thăm bệnh nhân vì sao không đến bệnh viện tỉnh nơi sinh sống để khám, chữa bệnh.

Bệnh nhân tràn ngập

Hầu hết người được hỏi đều cho biết họ đã đến bệnh viện tỉnh khám bệnh, thậm chí đi một số bệnh viện khác khám và điều trị nhưng không bớt nên mới đến đây. Tuy nhiên, có bệnh nhân cho biết họ nghe người quen, người thân nói các bệnh viện này có bác sĩ giỏi nên đến thẳng đây khám.

Báo cáo tình hình quá tải bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết từ đầu năm đến nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 4.000 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, bệnh nhân điều trị nội trú bình quân hơn 2.400 người một ngày. Thời gian để hoàn tất việc khám bệnh trung bình mất khoảng 220 phút, giảm hơn 100 phút so với trước đây. Trung bình bệnh viện mổ 130-150 bệnh nhân/ngày nhưng phòng mổ không đáp ứng kịp nên bệnh nhân còn phải chờ. Theo PGS Trường Sơn, bệnh viện đã thực hiện một số biện pháp hạn chế quá tải cả khu vực nội trú lẫn ngoại trú như tăng số lượng giường bệnh, chuyển bệnh nhân về tuyến cơ sở, khám bệnh ngày thứ bảy cho cả bệnh nhân bảo hiểm y tế, mở dịch vụ đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080...

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP - cũng cho biết bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp giảm tải bệnh nhân như tăng bàn khám, tiếp đón bệnh nhân từ 5g sáng và 6g đồng loạt khám bệnh (trừ phòng khám nhi)... Đặc biệt là giải pháp nâng chất lượng khám bệnh, chẩn đoán đúng, điều trị ngắn để tránh tình trạng bệnh nhân phải đi khám lại nhiều lần. Thế nhưng bệnh viện vẫn quá tải, với 68 bàn khám bệnh nhưng trung bình mỗi ngày tiếp nhận 4.500-5.000 lượt bệnh nhân.

Luân phiên cán bộ y tế

Sau khi nghe các bệnh viện báo cáo, kiến nghị, Bộ trưởng Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực của các bệnh viện trong việc giảm quá tải bệnh nhân, bộ mặt khoa khám bệnh có những cải tiến, thay đổi khang trang, thuận lợi hơn cho người bệnh. Bà hứa sẽ xem lại vấn đề phân tuyến thuốc theo hạng bệnh viện và khẳng định sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành quy định về luân phiên cán bộ y tế. Theo đó, các bác sĩ đều có trách nhiệm về bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ và lúc nào ở bệnh viện tuyến dưới cũng có bác sĩ của bệnh viện tuyến trên xuống làm việc trực tiếp. Việc luân phiên này để tạo uy tín cho bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh nhân tin tưởng và yên tâm ở lại điều trị.

Bộ trưởng đề nghị Bệnh viện Đại học Y dược TP nên có hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh dễ hiểu hơn, cần công khai bảng giá khám chữa bệnh và thông tin rõ số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và của Bộ Y tế cho người dân biết... Bộ trưởng cũng nhắc Bệnh viện Chợ Rẫy sắp xếp thêm băng ca để bệnh nhân có chỗ nằm, hạn chế tối đa việc phải nằm ghép, xúc tiến nhanh việc thực hiện các dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2, khu ung bướu 350 giường...

Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cũng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy có thống kê, đánh giá xem có bao nhiêu bệnh nhân được chuyển tuyến đúng và bao nhiêu bệnh nhân không cần chuyển nhưng tuyến dưới vẫn chuyển và báo cáo bộ trưởng, chứ “không thể nào lên hết trên này để tất cả cùng khổ”.

Kiến nghị bỏ quy định phân tuyến thuốc

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - đề nghị ngoài các biện pháp hành chính nên có biện pháp tài chính để giảm tải bệnh nhân. Cụ thể, giá viện phí ở các bệnh viện tuyến trên phải cao hơn bệnh viện tuyến dưới để người bệnh có thể gắn với bệnh viện tuyến dưới, hạn chế vượt tuyến khi bệnh chưa cần thiết.

Nhiều ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng để giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện tuyến dưới thì Bộ Y tế cần xem xét bỏ quy định phân tuyến thuốc theo hạng bệnh viện. Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - nói: “Phải bệnh nào thuốc đấy. Nếu bệnh viện tuyến dưới điều trị tốt thì người bệnh ở lại tuyến dưới. Không thể có chuyện bệnh huyết áp ở xã khác với bệnh huyết áp ở huyện và khác với bệnh huyết áp ở trung ương”!

Không quá tải cũng phải xem lại

Khoảng 15g cùng ngày, đoàn của Bộ Y tế tiếp tục đến thăm khu khám bệnh của Bệnh viện Thống Nhất. Báo cáo với đoàn ông Nguyễn Đức Công, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh viện không quá đông bệnh nhân nên thời gian chờ khám bệnh không lâu, dưới mức quy định của Bộ Y tế, nhưng bệnh nhân đến đây khám phần lớn là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước nên vẫn kêu ca, phàn nàn. Tuy vậy, ông Công cũng cho rằng bệnh viện sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian khám bệnh. Thế nhưng theo ông Nguyễn Đình Khương - phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trong khi hàng loạt bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải, còn Bệnh viện Thống Nhất lại khá “êm ả” như vậy, bệnh viện cần nâng chất lượng dịch vụ y tế để thu hút được bệnh nhân đến khám, điều trị.

THÙY DƯƠNG

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên