Chatbot theo hình mẫu người nổi tiếng
Theo Đài France 24, Meta - gã khổng lồ mạng xã hội Meta của tỉ phú Mark Zuckerberg - vừa công bố 28 chatbot (phần mềm mô phỏng hội thoại với người dùng bằng ngôn ngữ thông thường), được cho là có cá tính riêng và được thiết kế đặc biệt cho người dùng trẻ tuổi.
Meta giải thích rằng mục tiêu của họ là mang đến cho chúng “những câu chuyện cá nhân độc đáo”. Nói cách khác, những người sáng tạo ra những AI này đã biên soạn cho chúng những tiểu sử, với kỳ vọng chúng có thể tự triển khai để hình thành nhân cách, dựa trên những gì chúng đã học.
Bà Anna Strasser, một triết gia Đức, người tham gia vào dự án tạo ra một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có khả năng tư duy trừu tượng, cho biết: “Đó là một cách tiếp cận thú vị, nhưng sẽ rất có ích nếu bổ sung thêm các nhà tâm lý học vào các nhóm sáng tạo này để xác định rõ hơn đặc điểm cá tính”.
Những chatbot này bao gồm Victor, một vận động viên ba môn phối hợp, có thể thúc đẩy "để bạn là phiên bản tốt nhất của chính bạn". Và Sally, "người bạn có tinh thần tự do, biết nói với bạn khi nào cần chộp lấy một cảm hứng sâu sắc".
Người dùng Internet cũng có thể trò chuyện với Max, một "đầu bếp dày dặn kinh nghiệm", người sẽ cho bạn "mẹo và nghệ thuật ẩm thực". Hoặc tham gia vào một cuộc đấu khẩu với Luiz, người không ngại “khiêu khích” bằng lời.
Để củng cố ý tưởng rằng những chatbot này có cá tính riêng và không chỉ đơn giản là sự kết hợp của các thuật toán, Meta đã gán cho mỗi chatbot một khuôn mặt.
Nhờ hợp tác với những người nổi tiếng, những robot này trông giống như doanh nhân kiêm ca sĩ Mỹ Paris Hilton, ngôi sao TikTok Charli D'Amelio và vận động viên quần vợt người Mỹ gốc Nhật Naomi Osaka.
Và đó không phải là tất cả. Meta đã tạo ra tài khoản Facebook và Instagram cho từng “người giả” của mình để giúp "họ" hiện hữu bên ngoài giao diện trò chuyện và đang nỗ lực để “họ” cất tiếng vào năm tới.
Đế chế Meta của tỉ phú Zuckerberg cũng đang tìm kiếm những nhà biên kịch đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo nhân vật rèn luyện cá tính cho các chatbot nhằm “tạo ra các nội dung hỗ trợ khác thu hút nhiều khán giả".
Trò chơi nguy hiểm?
Dù Meta giới thiệu 28 chatbot này như những “sinh vật ảo” vô tội, chỉ có mục đích giải trí, nhưng mọi nỗ lực của họ lại đang hướng tới dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng AI giống con người nhất có thể, theo tờ Rolling Stone.
Và điều này khiến nhiều nhà quan sát lo lắng. Những người này vốn đã lo ngại về những phát triển gần đây được thực hiện trong nghiên cứu mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT và Llama 2.
Trong khi triết gia Dennett kêu gọi nhốt những người như Zuckerberg, một số nhà tư tưởng như Ibo van de Poel - giáo sư đạo đức và công nghệ Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) - đang tố cáo cách tiếp cận lừa đảo có chủ ý của các mô hình LLM này.
Theo ông van de Poel, ý tưởng về các tác nhân đàm thoại "có tính cách" theo nghĩa đen là không thể thực hiện được: các thuật toán không có khả năng thể hiện "ý định trong hành động" hoặc "ý chí tự do" - hai đặc điểm được coi là có mối liên hệ mật thiết với ý tưởng của một nhân cách.
Hơn nữa, việc đào tạo những LLM này để bày tỏ quan điểm giống với người mà nó muốn mô phỏng, là một hành vi phức tạp trong lập trình, vì nó liên quan đến việc triển khai một loại hình tinh thần chính xác về tất cả các ý kiến của người đó.
Tờ Wall Street Journal tham khảo các tài liệu nội bộ của Meta phát hiện một trong những tác nhân trò chuyện mà Meta thử nghiệm đã bày tỏ ý kiến "sai lệch về phụ nữ".
Các chuyên gia được Đài France 24 phỏng vấn đều cảm thấy Meta đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi nhấn mạnh "cá tính con người" trong AI của họ.
Meta (Facebook) coi những chatbot này là trí tuệ nhân tạo "vui nhộn". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận thấy sự phát triển công nghệ mới nhất này có thể là dấu mốc đầu tiên hướng tới việc tạo ra "con người nhân tạo nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại" (trích bài tiểu luận của triết gia người Mỹ Daniel C. Dennett về "người giả").
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận