Trailer Táo quân vi hành
Lấy cớ Bắc Đẩu (Công Lý đóng) bị loạn thần vì ăn phải chiếc bánh có chất gây nghiện do một người đem từ nước ngoài về, bộ ba Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu quyết định vi hành trời Âu.
Chuyến đi mang mục đích "điều tra" về chất gây nghiện nguy hiểm này, nhưng trên thực tế là Ngọc Hoàng và Bắc Đẩu bị dạt hết từ nơi này đến nơi khác, phải đối phó với khá nhiều công dân Việt có tính láu cá, thậm chí bị lừa đảo.
Đội ngũ diễn viên Táo quân đã "vi hành" thật sự. Họ sang châu Âu và diễn tại đây cho cộng đồng người Việt Nam xem. Phần ghi hình tiểu phẩm này đã được phát sóng tối 17-1.
Giữ phong cách đả kích những thói hư tật xấu, Táo quân vi hành tiếp tục tìm ra những vấn đề của xã hội người Việt tại châu Âu để châm biếm.
Ngọc Hoàng cùng Bắc Đẩu, Nam Tào vi hành tại Czech - Ảnh: VTV
Trong chuyến đi này, Ngọc Hoàng gặp anh chàng "ma cô" (Trung Ruồi đóng) chuyên "chăn" những người Việt từ trong nước mới sang cần tìm việc; phụ nữ đanh đá (Vân Dung) tìm cách moi tiền của những người Việt có nhu cầu làm "hôn thê giả" để ở lại châu Âu; ông bố (Quang Thắng) thiếu hiểu biết, bạo lực, ép uổng con cái; đứa trẻ sinh ra tại châu  nói tiếng Việt không sõi (Duy Nam); bầu sô chuyên làm mấy sô người đẹp vớ vẩn để trục lợi (Tự Long). Nhân vật tử tế nhất là anh trai của Nam Tào (Xuân Bắc) đóng.
Dù sau đó những người viết kịch bản đã cố gắng lý giải vì sao những con người này lại chọn những công việc như vậy, họ cũng có điểm tốt của họ, cũng có những vấn đề, tâm sự riêng. Nhưng về cơ bản "bức tranh" về cộng đồng người Việt ở nước ngoài do Táo Quân vẽ lên khá ảm đạm và có phần phiến diện.
Táo quân với thói quen khái quát những vấn đề xã hội lớn lao, khai thác những sự kiện thời sự nổi bật hằng ngày để gây cười, vẫn rất ổn khi ở trong nước.
Nhưng khi "chuyển vùng" ra nước ngoài diễn cho cộng đồng người Việt sinh sống tại nước ngoài, kịch bản cho thấy đội ngũ biên kịch thiếu chất liệu, đã dùng những hiểu biết rất đơn giản để đưa ra một cái nhìn sơ sài về cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
Những thông điệp của nhân vật Ngọc Hoàng cũng như các táo như: phải học tiếng Việt để thể hiện bản sắc người Việt; làm bầu sô phải làm cho tử tế đàng hoàng, đừng để lợi nhuận che mờ mắt, mỗi chương trình phải đậm đà bản sắc văn hóa, hướng mọi người tới chân thiện mỹ; "cháu hơn các bạn ấy ở lòng hiếu thảo, cháu sẽ không gửi bố mẹ vào trại dưỡng lão như các bạn bên Tây"… thông qua thoại của diễn viên trở thành một thứ tuyên truyền, răn dạy khiên cưỡng.
Nếu nói về tiểu phẩm phản ánh đời sống của người Việt tại nước ngoài chắc khán giả sẽ khó có thể quên tiết mục của những nghệ sĩ như Hoài Linh, Bảo Liêm, Vân Sơn.
Từ người viết kịch bản, đến nghệ sĩ đều có trải nghiệm sống tại đây nên họ diễn rất hay. Kịch bản của họ cũng chỉ tập trung vào một vài nhân vật, họ tự trào chính họ và khai thác sự khác biệt về văn hóa để gây cười.
Có rất nhiều tiểu phẩm của Hoài Linh, sau tiếng cười, khán giả sẽ rơi nước mắt. Trong khi Táo quân lại tự làm khó mình khi khái quát về đời sống của cả một cộng đồng.
Từ lâu đội ngũ thiên đình của Táo quân được xây dựng rất dung dị, đời thường. Nhưng trong phạm vi kịch bản này, việc để cho những nhân vật như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu ăn nói sỗ sàng, sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với Thiên Lôi, sau đó lại đi răn dạy người khác là rất không ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận