21/01/2014 00:38 GMT+7

Táo quân 2014: lật lại những chuyện "tày đình"

THU HÀ
THU HÀ

TT - Công văn “nhắc nhở” của Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch càng khiến người xem chờ đợi chương trình Táo quân 2014 với những vấn đề nóng trong năm như bạo hành trẻ em, chuyện y đức, kinh tế khó khăn...

G47hpW0c.jpgPhóng to
Tèo trông xe máy bị ép đóng giả Ngọc Hoàng bằng cách nhận đầu vào thùng nước - gợi hình ảnh gây bức xúc dư luận trong vụ bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non - Ảnh: Hoàng Dương
e5lQJTXa.jpgPhóng to
Táo giao thông (Tự Long) báo cáo với Ngọc Hoàng dỏm (Quốc Khánh) trong sự giám sát và giáo huấn của Nam Tào - Bắc Đẩu (Xuân Bắc - Công Lý) - Ảnh: Hoàng Dương
yoFpdI17.jpgPhóng to
Táo kinh tế (Quang Thắng) xuất hiện trong bộ dạng trai đẹp Ả Rập bị trục xuất - Ảnh: H.Dương

Công văn “nhắc nhở” của Bộ VH-TT&DL với chương trình hấp dẫn nhất và được nhiều người xem nhất của Đài truyền hình VN trong năm là Táo quân chỉ càng khiến cho sức nóng của chương trình tăng từng giờ.

Và cũng thêm sức ép lên vai những người thực hiện.

Trước giờ tổng duyệt Táo quân tối 19-1, quảng trường Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội tràn ngập phe vé như thời bao cấp, còn các nghệ sĩ thì quyết tâm... không phát ngôn gì, dù bình thường họ vốn hay chuyện.

Ngọc Hoàng giả và những chỉ thị kinh điển

Bộ “thổi còi” sớm

Chiều 17-1, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên đã gửi công văn tới Ban Tuyên giáo trung ương đề nghị về việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2014 với nội dung: “Bộ VH-TT&DL kính đề nghị Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo Đài truyền hình VN kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc Trung tâm sản xuất phim truyền hình dàn dựng, tổ chức biểu diễn chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước, nội dung chương trình phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc để chương trình thật sự trở thành món ăn tinh thần cho khán giả mỗi dịp tết đến xuân về”.

Năm ngoái, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2013 cũng bị Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi công văn yêu cầu giải trình vì thực hiện ghi hình tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội mà không qua thẩm định và cấp giấy phép.

Một năm có quá nhiều chuyện buồn, một năm kinh tế khó khăn trầm trọng in dấu lên không khí của chương trình tổng duyệt: nhà tài trợ ít hơn, vé in đơn giản hơn, sân khấu đơn sơ hơn... Và màn giao đãi của các Táo trước phiên chầu cuối năm của thiên đình kéo dài đúng 60 phút không rộ lên được một tràng cười sảng khoái nào, dù vẫn đủ mặt anh hào Nam Tào, Bắc Đẩu, Táo y tế, Táo giao thông, Táo kinh tế... và một Ngọc Hoàng già nua, lẩm cẩm.

Không khí chỉ thật sự mang màu sắc và khẩu vị Táo quân khi phiên chầu chính thức bắt đầu.

Xuất phát từ thực tế hết sức thời sự là an toàn thực phẩm, tình huống mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải đặt ra cho màn chầu thiên đình năm nay là Ngọc Hoàng bị ngộ độc thực phẩm, phải gọi ngự y đến cấp cứu và không thể chủ tọa phiên chầu. Quốc Khánh vào vai anh Tèo trông xe dưới hạ giới, có hình dong giống Ngọc Hoàng, được Nam Tào, Bắc Đẩu “trên ninh” (đào tạo) cấp tốc để đi đứng nói năng cho thật giống người đứng đầu thiên đình. Ba “bảo bối” mà cặp tham mưu Tào - Đẩu bắt Ngọc Hoàng - Tèo thuộc nằm lòng là: “Đây là một vấn đề hết sức tế nhị”, “Cần tham khảo ý kiến lãnh đạo các cấp các ngành”, “Tuyên truyền giáo dục kết hợp với răn đe”...

Ngọc Hoàng - Tèo của Quốc Khánh kết hợp được cái ngớ ngẩn, chất phác của một người lao động chân tay, cái ranh vặt của một thị dân sống bám đường phố và những phẫn uất thật lòng của một người “thấp cổ bé họng” trong xã hội. Cũng có lẽ vì thế mà Ngọc Hoàng rởm sinh động và đa nhân cách hơn hẳn Ngọc Hoàng thật già nua lẩm cẩm lúc hết bệnh quay trở lại ngai vàng. Cách nói năng chậm rãi ề à đến sốt ruột, sự tử tế một cách vô nghĩa và giáo điều của Ngọc Hoàng thật - vẫn qua giọng nói và gương mặt Quốc Khánh - kéo dài suốt mấy mùa Táo, càng thấy một nhu cầu đổi mới gấp phiên chầu thiên đình.

Chưa đắng và chưa sắc

Buồn nhất tất nhiên vẫn là chuyện cơm áo gạo tiền. Dù Táo kinh tế xuất hiện trống giong cờ mở với đội vệ sĩ khiêng kiệu toàn doanh nhân đẹp trai, với trang phục trai đẹp Ả Rập “bị trục xuất” và dàn vũ nữ múa bụng rất nóng bỏng, thì điệp khúc Đòi nợ cải biên bài hát Hoa sữa vẫn khiến người xem ngồi dưới lặng người vì nghĩ đến... cái ví lép của mình. Màn “leo cột mỡ” của các doanh nghiệp và cá nhân để mong mỏi với tới gói cứu trợ 30.000 tỉ tuy hơi minh họa lộ liễu nhưng giàu tính biểu tượng. Lẽ ra với biểu tượng ấy, các nghệ sĩ có thể nói ít hơn mà tiếng cười và sự cay đắng vẫn thấm sâu hơn.

Vắng Chí Trung trong vai trò quen thuộc là Táo giao thông, đạo diễn Đỗ Thanh Hải bổ nhiệm “tư lệnh ngành” giao thông mới là Tự Long. Giọng hát đẹp và khả năng diễn xuất cực linh hoạt, Tự Long tung tẩy trong vai diễn vốn thuộc về đàn anh hàng chục năm trời mà không hề có chút gắng gượng. Dù các biên kịch Lê Đình Lộc - Thanh Bình - Đinh Tiến Dũng - Thế Anh năm nay đã quá ưu ái ngành giao thông khi để cho vị Táo trẻ nằng nặc đòi nhận những lỗi không thuộc về mình, và để cho Táo giao thông hát bài ca Cầu vượt bất kỳ lúc nào có thể, Táo giao thông thật sự đã đem lại những phút thư giãn cho một sân khấu đôi lúc trở nên nặng nề.

Trên một cái nền xám xịt đầy những chuyện tày đình mà báo chí theo suốt cả năm: tiêm văcxin khiến trẻ tử vong, thẩm mỹ Cát Tường, phong bì bệnh viện, vị Táo nữ của ngành y tế đã phải mặc giáp đeo khiên lên chầu, và cái giọng ra rả nheo nhéo của chiếc cân y đức - y như cân dạo ngoài đường - “quý khách có mùi thuốc sát trùng cao 160cm, miệng rộng môi mỏng, có nốt ruồi bên mép” hình như châm chích có hơi sa đà. Cái hài ở đây không bật ra vì bị dồn nén đến tức thở như tình huống đổi vai bác sĩ - bệnh nhân của Táo 2013. Táo y tế chưa mới và chưa sắc - ít ra cũng là so với mong mỏi của người xem sau một năm chứng kiến các vụ kinh hoàng của bệnh viện.

Còn Chí Trung, làm gì khi không còn làm Táo giao thông? Câu hỏi của rất nhiều người hâm mộ được giải đáp khi thấy danh hài xuất hiện trong vai trò Táo điện lực: diễn xuất nhẹ nhàng và thoải mái. Vì không còn phải “căng mình ra khi đã hết trò” qua gần chục mùa Táo giao thông khiến Chí Trung thành công hơn với sự ngụy biện trơn tuột của Táo điện lực: “điện không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi”, “Trong kinh tế thủy điện, nước chính là tiền, chúng tôi không dại dột xả tiền tức là xả nước đi - phải biết hi sinh quyền lợi của một nhóm người để phục vụ cộng đồng...”. Tiếc là kịch bản cho Táo điện lực chưa xoáy sâu vào chuyện xả lũ chết người mà chỉ nặng về kêu ca mất điện, cái hài vì vậy cũng nhạt hơn vì nó không bật lên từ cái bi.

Không xuất hiện, không có nghĩa là không có chuyện

Khá nhiều hẫng hụt khi hai “mặt trận” rất nổi cộm lại không được đề cập kỹ càng ra ngô ra khoai trong phiên chầu cuối năm quen thuộc này: giáo dục và văn hóa. Cả hai chỉ được xếp hàng ngang ra chào, và mỗi Táo nói một câu tổng kết ưu - khuyết - nguyện vọng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Có phải vì những công văn qua lại cảnh báo từ khi chương trình chưa bắt đầu mà Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) tránh không đề cập tới Bộ VH-TT&DL?”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - tổng đạo diễn chương trình và giám đốc VFC - cười: “Kịch bản chúng tôi viết xong trình ban giám đốc VTV duyệt, duyệt đến đâu chúng tôi làm đến đấy. Riêng Táo văn hóa thì đúng là tôi chủ động cắt. Thời lượng chương trình giao thừa chỉ có 100 phút, mà lên sân khấu đã hơn ba tiếng đồng hồ, không phải bất cứ cái gì xã hội bức xúc cũng đưa lên. Mà cũng có những thứ quá hiển nhiên, không cần đưa lên Táo quân thì tất cả mọi người đều đã biết”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải hé lộ thêm: “Thật ra, chúng tôi cũng muốn để dành chất liệu cho một chương trình khác: Gala hài. Đây là chương trình hội tụ các nghệ sĩ hài hai miền Nam - Bắc, với chủ đề là các vấn đề xã hội, từ đạo lý gia đình đến hôi bia, nghệ sĩ phản cảm... Chương trình sẽ phát vào mồng 2 tết, hi vọng khán giả sẽ tìm thấy ở đây những gì chưa đủ trong Táo quân”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên