Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề án này, ông Vũ Đăng Minh (vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) cho biết:
Phóng to |
Ông Vũ Đăng Minh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
"Chúng ta thu hút tài năng trẻ thì phải bố trí đúng khả năng, không chỉ bằng chính sách đãi ngộ mà phải qua rèn luyện trong thực tiễn, từ đó ghi nhận năng lực, đưa vào quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm về lâu dài" |
Đề án do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm trưởng ban chỉ đạo, dự kiến đến tháng 6-2013 xây dựng xong với các sản phẩm như: tờ trình Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ; báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách có liên quan cũng như phản biện độc lập của các cơ quan khoa học... Sau khi Bộ Chính trị có kết luận thì sẽ giao các cơ quan của Chính phủ xây dựng chính sách cụ thể. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp cần chính sách gì để thu hút nhân lực giỏi, hay với lực lượng vũ trang thì lĩnh vực công nghệ quốc phòng cần các nhà khoa học trẻ ra sao... Nếu như lâu nay chúng ta thường nói đến tình trạng “chảy máu chất xám” từ các cơ quan nhà nước ra bên ngoài, thì một trong những mục tiêu của đề án này là thu hút lực lượng tinh hoa từ bên ngoài vào cơ quan nhà nước.
* Những năm qua nhiều địa phương đã xây dựng chính sách “trải thảm đỏ” thu hút tài năng trẻ, tuy nhiên không phải nơi nào cũng thành công?
- Nhiều địa phương, bộ ngành đã thực hiện như Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM... Mỗi nơi có cách làm riêng và mức độ thành công khác nhau. Như TP Đà Nẵng làm khá tốt, chúng tôi đến khảo sát và thấy rằng Đà Nẵng xây dựng đề án do bí thư thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo, quá trình triển khai đưa ra nhiều cơ chế, chính sách rất hay, không chỉ thu hút tài năng trẻ mà còn đầu tư đưa cán bộ trẻ đi đào tạo trong và ngoài nước, sau đó về bổ nhiệm ngay vào các vị trí có thể phát huy được khả năng. Tuy nhiên, cũng có nơi như Hà Nội thì người ta phản ảnh nhiều trí thức trẻ sau khi được thu hút vào bộ máy nhà nước một thời gian lại ra đi... Như vậy, chúng tôi phải tổng kết trên toàn quốc, đánh giá cả về lý luận và thực tiễn, cùng với đó là tham khảo cả kinh nghiệm thu hút tài năng trẻ từ tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và của một số nước khác.
* Báo Tuổi Trẻ đã nhiều lần phản ánh tình trạng “hắt hủi người trẻ”, như câu chuyện của cô Trần Thị Diệu Hương ở Quảng Bình từng bị mất việc vì có bằng đại học, hoặc trường hợp cử nhân Phan Thị Cảnh là một đảng viên trẻ và tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng vẫn rất vất vả khi về tìm việc ở địa phương theo chính sách thu hút. Ông nghĩ sao?
- Vấn đề của chúng tôi là xây dựng, đề xuất được những khung chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ ở tầm quốc gia chứ không riêng cho địa phương nào. Về thực tế nơi này nơi khác, chúng tôi nghĩ rằng phải tính đến những giải pháp căn cơ trong bố trí, sử dụng cán bộ. Từ việc xác định vị trí việc làm cho từng cơ quan đơn vị đến công khai, minh bạch các khâu có liên quan như nhu cầu tuyển dụng, tiêu chuẩn tuyển dụng... Ở đây sự giám sát của xã hội, trong đó có báo chí, cũng đóng vai trò quan trọng.
* Các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài sẵn sàng trả lương hàng ngàn đôla mỗi tháng cho các tài năng trẻ, làm sao để chúng ta có thể thu hút được lực lượng tinh hoa này để tạo nguồn cán bộ?
- Tôi nghĩ một trong những vấn đề quan trọng nhất là sau khi thu hút, tuyển chọn được rồi thì phải bố trí công việc, sử dụng các tài năng trẻ sao cho họ phát huy được cao nhất thế mạnh của mình. Thực tế có nơi bước đầu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được nhận vào cơ quan nhà nước với một vài đãi ngộ nào đó, tuy nhiên về sau việc phân công không hợp lý, như vậy làm sao giữ chân người tài được.
Chúng ta thu hút tài năng trẻ thì phải bố trí đúng khả năng, không chỉ bằng chính sách đãi ngộ mà phải qua rèn luyện trong thực tiễn, từ đó ghi nhận năng lực, đưa vào quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm về lâu dài. Với những tài năng trẻ, điều đầu tiên họ quan tâm là môi trường cống hiến cho đất nước chứ chưa hẳn đã là thu nhập. Tất nhiên chúng ta cần thiết tính đến các chính sách đãi ngộ, nhưng dù sao cũng không thể vượt lên quá cao so với chính sách chung.
* Thưa ông, việc xây dựng đề án này có thể rút được kinh nghiệm nào từ dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về các xã thuộc 62 huyện nghèo để làm phó chủ tịch UBND xã?
- Hai cái này bổ trợ cho nhau rất nhiều. Qua triển khai dự án 600 trí thức trẻ, tôi càng thấy cần phải tin tưởng vào các bạn trẻ, giao cho họ các trọng trách và bằng trí tuệ, bằng sức bật của tuổi trẻ, họ sẽ sớm chứng tỏ được bản thân. Đơn cử các bạn trẻ được tuyển chọn hầu hết chưa có kinh nghiệm trong việc viết đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng khi về lăn lộn ở xã trong thời gian bốn tuần thì các bạn đã xây dựng được những đề án chất lượng tốt, thậm chí còn hơn cả một số chuyên viên trong vụ chúng tôi. Đến nay việc triển khai dự án bước đầu có kết quả tích cực, nhiều bạn được lãnh đạo xã và người dân địa phương đánh giá cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận