Ảnh chụp cắt lớp của một cơ quan não trong phòng thí nghiệm - Ảnh: GUARDIAN
Kỹ thuật nuôi cấy não người từ tế bào gốc hiện đang là trào lưu nghiên cứu "thời thượng" trong khoa học thần kinh hiện đại.
Tuy kích thước chỉ nhỏ như hạt đậu, một vài mẫu vật tạo ra trong phòng thí nghiệm thậm chí đã phát triển sóng não tự nhiên tương tự như các em bé sinh non.
Nhiều nhà khoa học tin rằng các mẫu vật nuôi cấy (organoid) có tiềm năng làm cuộc cách mạng trong y khoa vì nó cho phép họ nghiên cứu não sống, điều mà trước đây rất khó thực hiện.
Nhưng cũng chính vì vậy con đường nghiên cứu này gây nhiều tranh cãi, vì làm sao để biết khi nào người ta vượt qua lằn ranh, biến đó thành các thí nghiệm trên người sống?
Theo báo The Guardian, tại hội nghị thường niên lớn nhất của giới thần kinh học diễn ra hôm nay (21-10) tại Chicago, các nhà khoa học sẽ lên tiếng về vấn đề này, rằng một số đồng nghiệp của họ dường như đã vi phạm nguyên tắc đạo đức khi tạo ra não "sống".
"Chúng tôi không muốn người ta thực hiện nghiên cứu khi có khả năng một sinh vật nào đó phải chịu thống khổ" - ông Elan Ohayon, giám đốc Phòng thí nghiệm Green Neuroscience ở California (Mỹ), nêu quan điểm.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học của Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện não nuôi cấy phát triển được nhiều dạng tế bào khác nhau, từ tế bào thần kinh vỏ não đến tế bào võng mạc.
Nếu để phát triển trong 8 tháng, chúng tự hình thành mạng lưới thần kinh có khả năng hoạt động và phản ứng nếu bị chiếu ánh sáng.
Tuy có tiềm năng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu các căn bệnh về thần kinh như tâm thần phân liệt, tự kỷ, teo não do virus Zika... những người như ông Ohayon phản đối mọi thí nghiệm cấy ghép trên động vật hoặc để não phát triển thành "có ý thức".
Tại Anh, giới nghiên cứu đã bị cấm thí nghiệm trên bào thai hiến tặng lớn hơn 14 ngày tuổi. Giới hạn này được đặt ra nhằm bảo vệ một sinh vật (con người) đang phát triển không phải chịu đau đớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận