Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và nhà báo Vũ Kim Hạnh tại buổi họp mặt báo chí vào chiều 20-6 - Ảnh: Quang Định |
Tổng bí thư viết:
“... Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng.
Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang do các thế hệ những người làm báo bồi đắp suốt 90 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân.
Sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi các báo phải cạnh tranh. Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền.
Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội.
Những người làm báo chúng ta cần thấy hết vinh dự và trách nhiệm lớn lao của nghề làm báo - một nghề cao quý, thiêng liêng, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nhà báo.
Càng đi vào phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhà báo càng phải nêu cao tính tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, chống lại thứ “văn hóa” lai căng, đồi bại, xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ, hình thành và phát triển nhân cách, lối sống, đạo đức, tâm hồn của con người Việt Nam.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình.
Các tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, cơ quan chủ quản vừa phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, ngăn chặn tình trạng “thương mại hóa báo chí”, vừa phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc trao đổi, định hướng thông tin, đặc biệt là đối với các sự kiện lớn, hoặc những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, để kịp thời thông tin chính xác đến các tầng lớp nhân dân.
Tăng cường công tác quản lý, nhưng cũng cần cởi mở hơn trong việc cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, tạo tiếng nói chung, sự thống nhất cao giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với báo chí; khắc phục tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đầu tư cho phát triển báo chí theo hướng hiện đại, đồng thời thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới báo chí...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận