Theo một bản tin vào tháng 3 - đợt đầu đại dịch, công an trong cả nước đã xác minh, làm việc với hơn 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.
Còn sau khi TP Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính với virus corona, ngay lập tức thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 tái bùng phát trên mạng xã hội. 30 vụ tung tin giả về dịch COVID-19 bị xử lý chỉ trong 5 ngày và đang không dừng lại ở số lượng đó.
Lý do đưa thông tin giả cũng rất phong phú. Người ta tỏ ra là người biết nhiều thông tin bí mật do có mối quan hệ rộng.
Một số cố tình tung tin nhằm khoe mẽ với những người khác trên mạng. Bên cạnh người phát tán, chia sẻ thông tin đã thiếu kiểm chứng nguồn tin (như trường hợp một nữ ca sĩ). Một số đối tượng thì câu view bán khẩu trang, hàng hóa liên quan.
Thông tin càng "nóng sốt" lượng truy cập, sự tương tác sẽ cao, sẽ bán được hàng. Thế nên, mức phạt dù cao cỡ nào chắc chắn sẽ không đủ đối trọng để ngăn chặn hành vi tạo tin giả cho mục đích kinh tế.
Thậm chí có chuyện một nữ doanh nhân cho dàn dựng kịch phản cảm "câu vui" gây phản ứng vì kỳ thị người dân vùng dịch. Dịch bệnh, nỗi lo lắng thành ra trò vui quá quắt, kiếm chác. Vừa đối phó với dịch bệnh, chính quyền các nơi lại phải dập thông tin giả, tiêu cực trên mạng.
Chực chờ thông tin, sự kiện nóng để tạo nội dung bất chấp đúng sai nhằm thu hút người xem, không quá khi so sánh hành vi này là kền kền sự kiện, thu lợi từ sự cả tin của người tiếp nhận thông tin... Phạt người này sau đó vẫn có người khác "đu dây" theo sự kiện khác.
Bên cạnh việc nghiêm khắc xử phạt người vi phạm, thay đổi hành vi, thói quen là vô cùng quan trọng. Tin giả, tin xấu độc hại trên mạng sẽ không bao giờ ngừng, không dễ chấm dứt.
Nhưng chúng ta có thể tránh sự tác động khi tạo được "miễn dịch" đủ mạnh, đủ lớn trong cộng đồng. Đó là cùng nhau xây dựng được ý thức cảnh giác với tin giả, thói quen đọc tin chính thống, kiểm chứng thông tin trước khi ấn like, share.
Đó không chỉ là thói quen tốt, lành mạnh của chính tự giác bản thân người xem, đọc thông tin mà còn là trách nhiệm trước cộng đồng của mỗi người trên không gian mạng, để từ đó tin giả, tin thất thiệt không còn sức ảnh hưởng, đất sống.
Có thể ví chuyện lên mạng với chuyện tham gia giao thông. Mức xử phạt các kiểu vi phạm trên mạng và ngoài đường đều tăng cao, rất nghiêm khắc nhưng số người vi phạm vẫn không hề nhỏ. Lý do gì? Là do thiếu tự giác thay đổi mình, gây thiệt hại cho mình và hệ lụy cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận