Tạo hình mới cho hộp sọ khuyết hổng
TT - Các bệnh nhân có hộp sọ khuyết hổng sau tai nạn được tạo hình hộp sọ mới, mà mảnh ghép hoàn toàn trùng khít với chỗ khuyết hổng.
Thạc sĩ Chính giới thiệu phần mảnh ghép và phần khuyết hổng - Ảnh: Lan Anh |
Theo thạc sĩ Phạm Ngọc Chính - phó trưởng khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện 108, hơn 10 năm qua đã có 300 bệnh nhân bị khuyết hổng hộp sọ do tai nạn giao thông, tai nạn lao động được tạo hình hộp sọ mới tại khoa này. Bệnh nhân bị khuyết hổng lớn nhất là gần nửa hộp sọ.
Có những trường hợp phần khuyết hổng nằm ngay ở vị trí “mặt tiền” như góc thái dương, chân mày... ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sự tự tin trong cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Chưa kể bệnh nhân khuyết sọ thường gặp chứng đau đầu, có căn nguyên từ sự chênh lệch áp lực không khí.
Mảnh ghép trùng khít
Trước đây, để giải quyết chứng khuyết hổng hộp sọ đã có nhiều loại vật liệu được sử dụng. Theo thạc sĩ Chính, sơ khai các thầy thuốc dùng... sọ dừa, san hô biển làm mảnh thay thế. Sau đó, xương sườn hoặc xương mào chậu của bệnh nhân được sử dụng. Ưu điểm là chống được tình trạng thải ghép, nhưng nhược điểm là phần xương ghép thường bị tiêu nhỏ sau một thời gian và sụp xuống gây chứng động kinh, nhiều bệnh nhân phải mổ lại.
Với những mảng khuyết hổng nhỏ có thể sử dụng vạt xương sọ phủ lên. Với mảnh khuyết hổng lớn, vật liệu thường được sử dụng hiện nay là titan, xương nhân tạo... tuy nhiên giá thành rất đắt, có thể đến 54-162 triệu đồng/mảnh ghép.
Tại VN, từ những năm 1990 các bác sĩ đã sử dụng nhựa duracryl tạo hình mảnh ghép cho bệnh nhân, nhưng nếu phần khuyết hổng có những chỗ không bằng phẳng, việc tạo mảnh ghép bằng tay sẽ khó tạo được mảnh ghép khít khao với phần còn lại của hộp sọ, cố lắm cũng chỉ đạt 70-80%.
Để giải quyết khó khăn này, khoa phẫu thuật thần kinh cùng với các nhà khoa học thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội tạo hình phần khuyết hổng nhờ sự trợ giúp của máy tính. Ban đầu, các bác sĩ sử dụng máy chụp cắt lớp chụp phần hộp sọ bị khuyết hổng, tạo hình phần khuyết hổng bằng công nghệ 3D, đúc mô hình bằng nhựa trước khi đúc mảnh khuyết hổng bằng duracryl dựa trên khung mô hình.
Với công nghệ này, mảnh ghép hoàn toàn khít khao với phần khuyết hổng, kể cả những chỗ lồi lõm, răng cưa. Thời gian từ khi tiến hành bước đầu tiên (chụp cắt lớp) đến lúc tạo được khung mô hình là một tháng do phải gửi đúc ở Mỹ và chi phí riêng cho mảnh ghép mới bằng duracryl hơn 5 triệu đồng. Thời gian qua có 11 bệnh nhân được tạo hình hộp sọ mới bằng phương pháp này và tất cả đều thành công.
Vẫn mọc tóc
Theo thạc sĩ Chính, ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là phần mảnh ghép khít khao hoàn toàn, cân xứng, đạt yêu cầu về thẩm mỹ. Thời gian phẫu thuật cũng giảm, chỉ khoảng 1 giờ. Phần da đầu vẫn có thể mọc tóc bình thường.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Yên (khoa phẫu thuật thần kinh) cho biết tại Bệnh viện 108 ngoài tạo hình hộp sọ mới, phương pháp này cũng có thể sử dụng để tạo hình, phục hồi thẩm mỹ và sức khỏe cho bệnh nhân bị u xương sọ, u men xương hàm... nhất là trường hợp phần khuyết hổng ở cung mày, gốc mũi ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
Bệnh nhân khuyết hổng hộp sọ do tai nạn phải 3-6 tháng sau mới có thể tạo hình, còn khuyết hổng hộp sọ do khối u có thể đặt mảnh ghép mới vào ngay.
LAN ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận