23/03/2016 10:24 GMT+7

Tạo hành lang pháp lý cho “hiệp sĩ” bắt cướp

BÁ SƠN - ĐÌNH TRỌNG
BÁ SƠN - ĐÌNH TRỌNG

TTO - Trong năm 2015, các “hiệp sĩ” tại Bình Dương đã phối hợp bắt quả tang gần 300 vụ trộm, cướp giật, mua bán ma túy... và trả lại cho người dân nhiều tài sản có giá trị.

Thông tin từ hội nghị “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm” được tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 22-3 cho biết như trên.

Mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm (người dân thường quen gọi là “hiệp sĩ”) được thí điểm tại Bình Dương từ năm 1997. Mới đầu chỉ có một số phường của TP Thủ Dầu Một thí điểm nhưng tới nay đã nhân rộng ra tất cả các xã, phường của tỉnh Bình Dương.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, để chăm lo cho các “hiệp sĩ”, UBND tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh đã ban hành hướng dẫn để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ phòng chống tội phạm.

Theo đó, ngoài kinh phí thường xuyên cho ban chủ nhiệm các CLB thì các “hiệp sĩ” cũng có một số hỗ trợ nhất định như xăng tuần tra (1 lít/người/lần tuần tra), hỗ trợ sửa chữa phương tiện do truy bắt tội phạm...

Về hành lang pháp lý, Công an tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành “quy chế tổ chức và hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm”.

Theo đó, các câu lạc bộ phòng chống tội phạm sẽ được tổ chức gồm hai đội: đội tuyên truyền pháp luật và đội xung kích phòng chống tội phạm.

Trong đó khái niệm “hiệp sĩ” thường để chỉ các thành viên của đội xung kích phòng chống tội phạm, tức là những thành viên tham gia bắt tội phạm quả tang trên đường.

Theo quy định của Bình Dương, đội trưởng đội xung kích phòng chống tội phạm phải do trưởng công an xã, phường đảm nhiệm.

Như vậy, hoạt động của các “hiệp sĩ” (là thành viên của đội xung kích) sẽ gắn với sự quản lý, theo dõi của trưởng công an xã, phường (là đội trưởng của đội xung kích).

Việc quy định như vậy vừa để đảm bảo các “hiệp sĩ” hoạt động đúng địa bàn, đúng chức năng, vừa giao trách nhiệm của trưởng công an xã, phường đối với việc quản lý hoạt động của các “hiệp sĩ”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ những lo ngại về việc lạm quyền trong hoạt động của các “hiệp sĩ”, đại tá Nguyễn Hoàng Thao - giám đốc Công an tỉnh Bình Dương - nói: “Tất nhiên là có lo lắng nhưng không phải vì một vài trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” mà không dám làm.

Tôi đã gắn bó với lực lượng phong trào từ nhiều năm và nhận thấy nhìn chung các CLB phòng chống tội phạm tại Bình Dương hoạt động khá tốt”.

BÁ SƠN - ĐÌNH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên