Anh Bùi Minh Tuấn, phó trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn (thứ hai bên trái) cùng anh Nguyễn Duy Minh - bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng lắng nghe trao đổi sáng kiến giáo dục của trí thức trẻ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chương trình ‘Tri thức trẻ vì giáo dục’ do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức dành cho đối tượng dự thi là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi đang học tập, sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài.
Tại hội thảo, thanh niên Đà Nẵng hào hứng giới thiệu, trao đổi những ý tưởng mới trong giáo dục kỹ năng sống, nội dung dạy học trải nghiệm, bảo vệ môi trường, công trình tái hiện lịch sử...
Nhiều trí thức trẻ đặt câu hỏi về độ tuổi tham gia như trong một nhóm có thành viên trên 35 tuổi và thành viên dưới 35 tuổi có được tham gia hay không; những học sinh cấp tiểu học, THCS có sáng kiến hay có được tham gia…
Các trí thức trẻ Đà Nẵng cũng mong muốn được nhận hỗ trợ về chuyên môn để có đề tài dự thi chất lượng; mong nhận được phản hồi từ chuyên gia, ban cố vấn để hoàn thiện ý tưởng dù không đạt giải.
Anh Ngô Tuấn Anh, bí thư Đoàn Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, mong muốn ban tổ chức kết nối chuyên gia hỗ trợ cố vấn về nội dung và hình ảnh cho ý tưởng chuyển đổi nội dung các bài học lịch sử trong sách giáo khoa sang dạng tranh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Anh Bùi Minh Tuấn, ủy viên Ban Chấp hành, phó trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, khẳng định ban tổ chức sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các sáng kiến. Riêng về mặt chuyên môn, nếu cần, ban tổ chức sẽ giới thiệu các chuyên gia trong lĩnh vực để cố vấn thêm.
"Những năm vừa qua, các công trình vào vòng chung kết toàn quốc sẽ được các thầy trong hội đồng trực tiếp phỏng vấn và tư vấn cho các nhóm tác giả. Năm nay, ban tổ chức sẽ ghi lại ý kiến đóng góp, nhận xét của các chuyên gia đánh giá các công trình vào top 100 để phản hồi lại cho các tác giả và nhóm tác giả rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn sáng kiến của mình" - anh Tuấn nói.
Anh Tuấn kêu gọi các trí thức trẻ cứ thoải mái tham gia sáng kiến, chú ý bám vào các nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Các công trình, sáng kiến cần có tính mới và tính khả thi là hai yếu tố quan trọng.
Với những sáng kiến của học sinh, nếu không đạt giải cao nhưng có tính thiết thực, chất lượng vẫn được hỗ trợ thực hiện.
Anh Tuấn cho biết: "Như năm 2018, một nhóm học sinh ở Lạng Sơn có sáng kiến về việc xây dựng sổ tay phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đây là nhóm ở khu vực biên giới, mặc dù không được giải cao nhưng Ban tổ chức đã hỗ trợ một phần kinh phí cho nhóm này thực hiện và in các sổ tay để các bạn phát miễn phí ở các khu vực trường và huyện nơi các bạn sinh sống".
Giáo viên Đà Nẵng trao đổi ý tưởng nội dung dạy học trải nghiệm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ban tổ chức chương trình thông tin thêm trong 3 mùa tổ chức, nhiều công trình đã đến được với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, được nhiều trường đặt hàng sản xuất đưa vào phục vụ giảng dạy.
Phần mềm "Học tiếng anh trực tuyến IOSTUDY" và "Học song ngữ FullLook" đã được thương mại hóa và có doanh thu; tài liệu "Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học" được Ban tổ chức chương trình tài trợ xuất bản 1.500 cuốn và phát hành toàn quốc.
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019 nhận hồ sơ từ ngày 2-5-2019 đến ngày 30-9-2019. Bình chọn hàng tháng tại website www.trithuctre.doanthanhnien.
Chấm sơ khảo và công bố các công trình, sáng kiến lọt vào chung khảo (tối đa 15 công trình, sáng kiến): trước ngày 1-11-2019.
Chấm chung khảo và lễ trao giải: dự kiến 10-11-2019
Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ: emailtrithuctrevigiaoduc@
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019 nhận hồ sơ từ ngày 2-5-2019 đến ngày 30-9-2019. Bình chọn hàng tháng tại website www.trithuctre.doanthanhnien.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận