Mùa hè xanh - hoạt động đầy nghĩa tình của tuổi trẻ TP.HCM, và đó cũng là một trong những mục tiêu để phát huy, xây dựng TP văn minh, hiện đại... Trong ảnh: các bạn sinh viên tình nguyện hào hứng tại lễ xuất quân Mùa hè xanh 2015 - Ảnh: Duyên Phan |
Ông Phan Minh Tánh - Ảnh: P.Vũ |
Giỏ hoa thường trực Thành ủy TP.HCM tặng nhân kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành dân vận còn tươi nguyên trên bàn, ông bày tỏ:
- Tôi nay đã 86 tuổi, “cổ lai hi” rồi, không mong gì hơn là được chứng kiến lý tưởng, mục đích của thế hệ mình thành hiện thực: đất nước độc lập, người dân sống tự do, hạnh phúc.
* Gắn bó với Sài Gòn từ những ngày còn chiến tranh, với TP.HCM suốt thời bao cấp đến khi đổi mới, ông nhận thấy bài học nào của các cấp lãnh đạo trước còn giá trị cho những người lãnh đạo trẻ hôm nay?
- Bài học thứ nhất là lấy thực tiễn cuộc sống để soi sáng, dẫn đường cho lý luận, không sao chép máy móc, mạnh dạn từ chối những gì không phù hợp với quy luật phát triển. Tôi còn nhớ khi triển khai mô hình hợp tác xã ở Củ Chi, một bà má đã nói: “Xứ này mà làm hợp tác xã từ mười năm trước thì lấy gạo đâu nuôi quân giải phóng?”.
Chúng tôi chỉ có cách ủng hộ các má. Đổi mới của chúng ta nảy sinh từ trong những bức bách của cuộc sống, thúc đẩy những hành động “xé rào” như thế. Bài học thứ hai là đồng tâm hiệp lực vì lợi ích chung, giải quyết cái khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Khi quyết tâm “xé rào”, lãnh đạo TP đã bị quy kết, phải chịu kiểm điểm, kiểm thảo... Nhưng tất cả vẫn bình tĩnh, tạo cơ hội dùng thực tiễn để trình bày, giải thích, thuyết phục lãnh đạo trung ương, bẻ lái cho những lý thuyết sai lầm về với đúng quy luật thực tiễn.
Bài học thứ ba là đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình để tìm các ưu điểm cần phát huy, nhược điểm cần khắc phục. Bài học thứ tư là tin vào trí thức, vào thanh niên, giới trẻ, dựa vào các tổ chức Đoàn, Đội để đào tạo thật sớm cho các thế hệ trẻ tinh thần vì xã hội.
Ở TP.HCM, Thành đoàn luôn có vai trò rất quan trọng là vì vậy. Hãy nhớ tương lai là của lớp trẻ chứ không còn là của chúng tôi hay của lớp lãnh đạo đương thời.
* Có rất nhiều ý kiến cho rằng TP cần phải tiếp tục đổi mới nữa, cùng với sự đổi mới của cả nước. Theo kinh nghiệm của ông, cái cần đổi mới trước nhất là gì?
- Tạo điều kiện để mở rộng dân chủ, càng rộng càng tốt. Tôi theo dõi thấy thời gian vừa qua ở TP.HCM có diễn ra một số cuộc tuần hành bảo vệ chủ quyền Biển Đông, toàn vẹn lãnh thổ. Rất tốt, rất mừng là một truyền thống đẹp của Sài Gòn đã được sống lại.
Lãnh đạo TP trước hết nên hoan nghênh hình thức biểu lộ tình cảm này của nhân dân, đừng quá lo ngại việc có những người trà trộn vào với mục đích xấu, vì nếu có cũng chỉ là số ít.
Sau nữa, các đồng chí nên rút kinh nghiệm để đưa thông tin đến công luận nhanh hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn, có vậy mới không đẩy quần chúng ra xa mình.
Tôi cũng mong các lãnh đạo của TP lắng nghe nhiều hơn những ý kiến phản biện, nhất là của các trí thức.
Chúng ta không chấp nhận chỉ trích cá nhân nhưng phải lắng nghe và phân tích các ý kiến góp ý trái chiều một cách thật thấu đáo, sâu sắc, có vậy mới đổi mới được chính sách, đưa được các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhân dân.
TP.HCM luôn có nhiều trí thức phản biện, luôn là nơi xuất phát điểm của nhiều ý kiến phản biện, đó luôn là những trí thức yêu nước, những ý kiến có tính xây dựng. Quý lắm, đừng bỏ lỡ.
* Đã 65 năm tuổi Đảng, trước kỳ đại hội này, ông thấy điều gì là đáng suy nghĩ nhất?
- Tôi mong đại hội lần tới này sẽ có nhiều phương cách cụ thể để sửa đổi chính sách, củng cố con người, nhận sai để làm đúng.
Riêng về Thành ủy TP.HCM thì tôi thấy sự đoàn kết ở mức khá tốt, thể hiện qua những quyết tâm đột phá cho TP như cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa, Lò Gốm, đề ra mục tiêu TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình...
Như vậy lãnh đạo đã nắm được sâu sắc đặc thù của TP: có chất lượng sống tốt với từng người dân nhập cư, nghĩa tình như người dân Nam bộ.
Tôi rất cảm kích với những chương trình chăm sóc người nghèo, người yếu thế mà chính quyền TP và các tổ chức xã hội, người dân cùng làm, đó chính là nghĩa tình Sài Gòn đã trở thành truyền thống từ xưa tới giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận