Các chuyên gia nhận định chỉnh trang khu trung tâm để phục vụ người dân tốt hơn là cần thiết. Tuy nhiên các phương án cần linh động và nên để người dân cùng đóng góp.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam): Phương án đơn giản nhất là trồng cây
Nếu làm thêm bóng mát thì rất tốt. Nhưng cần chú ý chọn cây nào, tán cao bao nhiêu, giãn cách mỗi cây như thế nào? Bản thân tôi vẫn thiên về bóng mát bằng cây xanh chứ không phải mái che bằng vật liệu nhân tạo.
TP.HCM có thể chọn loại cây vừa có bóng mát vừa ít rụng lá, hoặc nhanh hơn là bứng cây đã có bóng mát ở các nơi đang chăm sóc cây di dời từ các dự án. Cây xanh thì đẹp hơn cho thành phố và cũng đảm bảo tiêu chí xanh. Dù gì thì cây xanh cũng lọc bụi và làm không khí tốt hơn.
Mái che thì mình kết hợp mái che có cây xanh dây leo ở trên như một số nước. Họ làm khung sắt xong rồi cho dây leo lên đó. Nhưng cái đó thì còn phải phụ thuộc vào kiến trúc của khu vực, và kỹ thuật làm sẽ phức tạp hơn, mất công chăm sóc nhiều hơn.
Mái che phải kết hợp hài hòa giữa phần khung và phần cây xanh phủ trên chứ tuyệt đối đừng dùng tôn hay nhựa. Như vậy, mái che xanh này vẫn đảm bảo được chức năng lọc bụi và tạo ra oxy cho bầu không khí. Khi trời nắng nó vẫn thoáng, không bí bách như mái tôn.
Đồng thời, tôi nghĩ là TP nên hỏi ý kiến chuyên gia, người dân. TP chúng ta quá thiếu cây xanh và màu sắc đô thị cũng thiếu màu xanh. Do đó phương án đơn giản nhất là trồng cây.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Bóng mát phải có gió mát, nên chọn vật liệu hạn chế hắt nóng
Đặt vấn đề tạo bóng mát cho bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ thì tôi nghĩ không phải là mái che hay cây xanh, hay gì đại loại thế. Chúng ta nên hiểu đó là sự chỉnh trang khu trung tâm để nó thân thiện với người dân và du khách. Thân thiện nghĩa là có bóng mát, hưởng được gió mát, không gian đi bộ thân thiện.
Tại sao tôi nói bóng mát chứ không nói mái che? Vì bóng mát có nhiều cách để làm lắm. Ví dụ mình trồng cây cũng có bóng mát, xây nhà cao đổ bóng xuống cũng là bóng mát, làm mái che cũng tạo ra bóng mát.
Bóng mát có rồi thì phải có gió mát. Gió mát là khi những công trình xây dựng có tính toán được luồng gió đưa vào. Điều thứ ba là mặt đường không hấp thụ nhiệt nhiều. Mình làm bê tông thì hơi nóng sẽ hắt lên.
Giờ cả phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay cả bến Bạch Đằng đều bê tông hóa quá nhiều. Chúng ta nên dùng vật liệu gì để hạn chế hắt nóng lên người đi bộ. Ngay cả chuyện làm mái che cũng vậy. Làm mái tôn thì khí nóng sẽ khiến con đường trở nên hầm hập hơn.
Thứ tư là giao thông tốt. Giao thông tốt là giao thông bộ và cơ giới tách biệt nhau nhưng cũng có một khoảng giao để dễ đi lại. Ví dụ đường Nguyễn Huệ cũng nên có những khoảng ngang, khi mà có lễ thì cấm xe còn bình thường nên để người dân đi lại.
Thứ năm là phải có những tiện ích tốt. Tiện ích này gồm nhà vệ sinh công cộng, có chỗ hướng dẫn người dân...
Chuyện chỉnh trang cho khu trung tâm rất quan trọng và cần thiết. Quan trọng là có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng, bài bản. Làm mái che cho bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng ổn nhưng phải kết hợp trồng cây. Trồng cây phải mất thời gian mới có bóng mát. Trong thời gian đó mình làm mái che "chữa cháy" để sử dụng.
Việc chỉnh trang không dừng ở 1-2 con đường, địa điểm mà chỉnh trang tổng thể. Chúng ta không giới hạn mà phải linh hoạt phối hợp các giải pháp dài hạn và ngắn hạn để bổ trợ cho nhau. Khi có các phối cảnh có thể triển lãm cho người dân xem và góp ý thêm.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng khoa văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM): Công viên, bờ sông tuyệt đối không lắp mái che
Tôi nghĩ không nên làm mái che toàn bộ khu vực công viên bến Bạch Đằng vì sẽ gây cản trở tầm nhìn, không gian bí bách. Khu vực công viên, đặc biệt là vị trí gần bờ sông tuyệt đối không lắp mái che để không gian cho người dân, du khách hít thở và có thể dễ dàng nhìn ra sông Sài Gòn.
Tôi vẫn khuyến khích nên trồng thêm nhiều cây xanh để tạo bóng mát. Nếu có làm mái che để che nắng, che mưa cho người dân thì chỉ nên lắp ở không gian sát với đường Tôn Đức Thắng. Chất liệu làm mái che không nên nặng nề bằng sắt thép. Chúng ta có thể nghiên cứu và lựa chọn chất liệu nhẹ, nếu trong suốt được để không cản trở tầm nhìn thì càng tốt.
TP.HCM giao các đơn vị nghiên cứu chỉnh trang khu trung tâm TP
Trong văn bản ký ngày 8-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và UBND quận 1 căn cứ vào đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha) để triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.
Theo đó, bến Bạch Đằng sẽ quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất, đồng thời phát triển không gian ngầm. Quy hoạch phải có tương quan giữa hai bên bờ sông Sài Gòn phía quận 1 và TP Thủ Đức. Trong quá trình nghiên cứu cần đề xuất bổ sung bãi đậu xe, các tiện ích công cộng, chức năng bến thủy.
Đặc biệt, trước mắt để giảm ùn tắc giao thông, an toàn cho người dân và du khách, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phối hợp các đơn vị lựa chọn các vị trí phù hợp để đề xuất làm cầu bộ hành kết nối từ công viên bến Bạch Đằng qua phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thiết kế cầu đi bộ cần đảm bảo mỹ quan, hài hòa.
Về phương án tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân và du khách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao nghiên cứu nhiều giải pháp. Trong đó có loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm.
Là đơn vị quản lý địa phương, UBND quận 1 cần chủ động báo cáo các vị trí làm bãi giữ xe và nhà vệ sinh công cộng… Tất cả các nội dung trên, các đơn vị được giao phải báo cáo về UBND TP trong tháng 6 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận