11/10/2016 17:31 GMT+7

Tăng tuổi hưu thêm 5 năm, người lao động nói gì?

TÂM LỤA ghi
TÂM LỤA ghi

TTO - "Tôi là nữ giáo viên, nếu tuổi hưu của tôi 60, chắc lúc đó học sinh gọi tôi là... bà" - một bạn đọc cảm thán chuyện tăng tuổi hưu. Quanh những tranh luận trái chiều việc này, một số chuyên gia, người lao động nói sao?

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là để tránh và tình trạng già hóa dân số của VN.

Cụ thể, dự kiến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam.

Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, người lao động:

Việc tăng tuổi hưu phải phụ thuộc theo đối tượng ngành nghề 

Tôi chưa được tiếp cận cụ thể đề án tăng tuổi nghỉ hưu mà mới chỉ nghe phóng viên phản ánh lại. Tuy nhiên, việc tăng tuổi hưu như thế nào, đến độ tuổi bao nhiêu thì cần có lộ trình thực hiện và những giải pháp cụ thể.

Ví dụ như đối với đối tượng lao động nào thì nên tăng tuổi hưu lên 60, với đối tượng nào thì nên giữ ở độ tuổi 55. Việc tăng tuổi hưu phải phụ thuộc theo đối tượng ngành nghề lao động nặng hay nhẹ, sức khỏe người lao động như thế nào?

Nếu những công nhân làm lao động nặng trong nhà máy như đứng máy dệt, công nghiệp giày da thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 hay 62, vì đặc thù công việc của họ quá vất vả.

Nhiều người chưa đóng đủ 20 năm BHXH thì đã đến tuổi nghỉ hưu - Ảnh: TTO

Còn đối với công chức, những chuyên gia có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm thì nên tăng độ tuổi lao động để họ có điều kiện cống hiến. Tuy nhiên, nếu tăng tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng này thì không nên để họ giữ vị trí lãnh đạo.

Về lý do nâng tuổi nghỉ hưu vì lo sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, chúng ta nên tính toán kỹ. Ngày nay tuổi thọ được nâng lên sẽ ảnh hưởng một phần đến quỹ bảo hiểm xã hội. Việc vỡ quỹ chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân cần tăng tuổi hưu.

Còn nhiều vấn đề khác mà chúng ta cần tính toán. Ví dụ như quỹ bảo hiểm xã hội nếu chỉ gửi ngân hàng thì có nguy cơ vỡ thật, mà nên đầu tư để sinh lợi.

Ông Nguyễn Văn Khải (phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM)

Cần lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động

Đề xuất tăng tuổi hưu, theo tôi, cần lấy ý kiến của người lao động là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp của chính sách. Chúng ta không thể lấy lý do vỡ quỹ bảo hiểm hay tình trạng dân số bị già hóa để tăng tuổi nghỉ hưu mà không lấy ý kiến của người lao động. Họ là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp của chính sách nên cần được xin ý kiến xem họ có đồng thuận hay không.

Cá nhân tôi không ủng hộ chính sách tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, tuổi thọ người Việt Nam không cao bởi môi trường bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống rất thấp. Với lý do lo ngại quỹ bảo hiểm xã hội bị vỡ, chúng ta phải tìm nguyên nhân tại sao và giải quyết vấn đề đó thế nào? Cần tổ chức tọa đàm để các ban ngành đoàn thể, đại diện doanh nghiệp, người lao động nêu ý kiến.

Từ trước đến nay tôi chưa thấy đề cập vấn đề nguyên nhân tại sao lại vỡ quỹ bảo hiểm xã hội và phải giải quyết nguy cơ đó ra sao? Việc vỡ quỹ không thể để người dân hứng chịu. Dân đã chịu bao nhiêu thứ với mức sống thấp, kinh tế đất nước không phát triển.

Vì thế, lý do đưa ra để tăng tuổi hưu là không xác đáng. Theo tôi, nên giữ tuổi nghỉ hưu ở quy định cũ, trừ trường hợp ngoại lệ như lãnh đạo cấp cao của Đảng hoặc các thẩm phán TAND tối cao. Chứ không thể đẩy hết các loại lao động cùng một độ tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.

Luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM)

Quy định không phù hợp

Theo tôi, kiến nghị tăng độ tuổi nghỉ hưu là không phù hợp bởi 3 vấn đề.

Thứ nhất, lực lượng lao động hiện nay đi làm từ năm 20 tuổi. Họ có 35 năm lao động đối với nữ và 40 năm lao động đối với nam, thời gian này trong đời người là đã quá vất vả.

Thứ hai, tôi lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là động cơ phục vụ cho lợi ích một số nhóm người, một số cán bộ cấp cao muốn kéo dài tuổi làm việc để kiếm chác, hoặc với các đối tượng công chức sáng sắp ô đi, chiều cắp ô về.

Thứ ba, hiện nay có một bộ phận lớn giới trẻ được đào tạo rất bài bản, trình độ cao, kỹ năng làm việc tốt nhưng lại không có việc làm và xin mãi không có việc.

Nếu bắt buộc phải nâng tuổi nghỉ hưu, cần xem xét, phân loại các loại hình lao động. Xem đối với đối tượng nào nên nâng tuổi nghỉ hưu và đối tượng nào thì không nên nâng tuổi nghỉ hưu.

Lấy lý do lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm xã hội để tăng tuổi hưu là không thuyết phục và dễ bị dư luận phản ứng. Hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội bị bội chi, thất thu nhiều thì cần phải xem nguyên nhân và giải pháp khắc phục thế nào. Những lý do đó phải giải quyết triệt để, tận gốc.  

Ông Hoàng Văn Thanh (giáo viên tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An)

TÂM LỤA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên