14/05/2018 20:07 GMT+7

Tăng tuổi hưu để giảm 'gánh nặng' cho con cháu

ĐỨC BÌNH - UYÊN TRINH ghi
ĐỨC BÌNH - UYÊN TRINH ghi

TTO - Ông DOÃN MẬU DIỆP, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, không sửa tuổi nghỉ hưu tức đã "chuyển gánh nặng mà lẽ ra chúng ta phải xử lý sang cho thế hệ con cháu chúng ta phải gánh chịu".

Tăng tuổi hưu để giảm gánh nặng cho con cháu - Ảnh 1.

Cô Phan Thị Xuyến - giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - đi chợ chuẩn bị bữa ăn cho mình với đồng lương giáo viên khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng - Ảnh: NHƯ HÙNG


img_0482 (read-only)

Nâng tuổi nghỉ hưu là để thích ứng với quá trình già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, là xu hướng tất yếu mà hầu như tất cả các nước trên thế giới thực hiện. 

Đối với nước ta hiện nay, số lượng người tăng thêm trong độ tuổi lao động đang thấp hơn số người tăng thêm của những người thuộc độ tuổi nghỉ hưu.

Trung ương thống nhất rằng tuổi nghỉ hưu của ta đang thấp và cần được nâng lên trong thời gian tới. 

Phương án nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam và 60 với nữ là phương án được Chính phủ trình trung ương trong đề án sau khi đánh giá kỹ lưỡng nhiều mặt, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. 

Về lộ trình, mỗi năm tăng 3 tháng là phù hợp, đảm bảo dòng chảy của thị trường không bị tắc nghẽn, nâng nhanh quá thì có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ và sốc với người đến tuổi nghỉ hưu. 

Thu hẹp khoảng cách giới về tuổi nghỉ hưu cũng là trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia các công ước quốc tế.

Trung ương đồng ý về nguyên tắc, còn mức tăng, chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng như lộ trình cụ thể sẽ giao Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Bộ luật lao động.

Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp cho đất nước thích ứng được với quá trình già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. 

Nếu Việt Nam tiếp tục giữ nguyên tuổi nghỉ hưu thì tỉ lệ người trong tuổi lao động sẽ dần ít đi, tỉ lệ người già ngày càng nhiều lên, gánh nặng sẽ nặng hơn trong tương lai đối với giới trẻ. 

Không sửa tuổi nghỉ hưu chính là chúng ta chuyển gánh nặng mà lẽ ra chúng ta phải xử lý sang cho thế hệ con cháu chúng ta phải gánh chịu.

Nâng tuổi nghỉ hưu cũng làm giàu lên vốn nhân lực của đất nước, không chỉ là số lượng mà quan trọng hơn là kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. 

Nâng tuổi nghỉ hưu cũng là một trong các giải pháp góp phần làm bền vững quỹ bảo hiểm xã hội, nâng cao năng lực đảm bảo an sinh xã hội cho cả quốc gia cũng như mỗi người lao động.

Như vậy, đây là bài toán của cả quốc gia, bài toán mà cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp cả nước phải chung sức để giải, không phải là vấn đề Nhà nước được gì, mất gì, người lao động được gì, mất gì.

* Ông LÊ MINH TẤN (giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM):

Cải cách tiền lương là cấp thiết

rua anh 3 (read-only)

Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết. Tôi cho rằng giai đoạn này trung ương thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho người lao động là bước tiến rõ rệt. 

Xác định giá trị sức lao động của người lao động bỏ ra để trả mức lương xứng đáng là phù hợp, tránh tình trạng cào bằng, không kích thích lao động sáng tạo.

Trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm, chức vụ, năng suất lao động là cần thiết và phù hợp với Luật cán bộ công chức và Luật viên chức. 

Trước nay thang bậc tiền lương được xác định quá gần không tạo động lực cho sự phấn đấu, nỗ lực công việc. Nay tính theo vị trí việc làm, cấp bậc, chức vụ là phù hợp với công sức lao động bỏ ra, cống hiến. Làm nhiều, cống hiến nhiều phải được hưởng nhiều.

Coi việc trả lương đúng sức lao động người lao động bỏ ra là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

* Luật sư ĐẶNG ĐỨC TRÍ (Đoàn luật sư TP.HCM):

Một bước tiến

anh ls trí (read-only)

Việc cải cách bảo hiểm xã hội hướng đến bảo hiểm toàn dân, tạo điều kiện cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp tham gia bảo hiểm xã hội là một bước tiến, hướng đến sự có lợi cho người dân. 

Vì trước đây những người lao động trên không được tham gia bảo hiểm xã hội.

Tôi cũng cho rằng việc trích tổng lương thực nhận bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp để đóng bảo hiểm xã hội cũng là bước tiến vì trước đây chỉ có trích lương cơ bản để đóng bảo hiểm xã hội. 

Bảo hiểm xã hội chủ yếu vì người dân, là một trong những chính sách phúc lợi chính về an sinh xã hội.


ĐỨC BÌNH - UYÊN TRINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên