07/07/2020 18:01 GMT+7

‘Tăng trưởng kinh tế 2020 của VN dự báo thấp nhất trong vòng vài chục năm'

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - PGS.TS Nguyễn Đức Thành dự báo như trên và cho rằng trong thời gian tới lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục đi xuống vì nhu cầu vốn cho nền kinh tế giảm. Ông cũng cho rằng Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

‘Tăng trưởng kinh tế 2020 của VN dự báo thấp nhất trong vòng vài chục năm - Ảnh 1.

Nhu cầu vốn ở mức thấp nên lãi suất huy động và cho vay được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dự báo trên của ông Thành được đưa ra tại Hội thảo Vietinbank SME Stronger - cùng doanh nghiệp SME vững vàng vượt sóng, được tổ chức ngày hôm nay (7-7) tại TP.HCM.

"Dự báo lạc quan nhất là tăng trưởng GDP của VN năm nay sẽ ở mức gần 4%. Trường hợp không lạc quan như vậy, có thể tăng trưởng GDP chỉ hơn 2%. Trong bất kỳ tình huống nào thì đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của VN trong vài chục năm qua", ông Thành nhận định.

Cũng theo ông Thành, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. Lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm thêm vì cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp không có cơ hội mở rộng thị trường.

Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế VN những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắcxin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới. 

Do vậy, Chính Phủ cần thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mà điều cần nhất cho doanh nghiệp hiện nay là giúp họ "sống sót" hoặc tạo ra những thị trường mới. Trong khi gói hỗ trợ đang triển khai có vẻ chưa trúng đích khi chủ yếu là hỗ trợ trong khâu kết quả hoạt động. Chẳng hạn, doanh nghiệp có lợi nhuận thì được giảm 30%. Như vậy không thiết thực bằng việc phải hỗ trợ vào trong quá trình sản xuất, bất kể là họ có lợi nhuận hay không, thậm chí doanh nghiệp bị thua lỗ.

‘Tăng trưởng kinh tế 2020 của VN dự báo thấp nhất trong vòng vài chục năm - Ảnh 2.

Ngành dệt may cũng lao đao trong đại dịch - Ảnh: TTO

"Chính sách vĩ mô hiện nay nên mang tính chất tài khóa, thông qua việc cắt giảm các khoản thu, phí… đối với doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tiến hành các công trình đầu tư công lớn từ nay đến cuối năm để đưa vốn vào nền kinh tế. Song song với quá trình đó, chính sách tín dụng mở rộng cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nhưng không nên tăng trưởng tín dụng quá mạnh vì dễ dẫn tới bất ổn vĩ mô", ông Thành nhận định.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Minh Bình - tổng giám đốc VietinBank - nhận định hầu hết các doanh nghiệp đều chịu tác động bất lợi của dịch COVID-19 như sụt giảm doanh thu, khó khăn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, gián đoạn các chuỗi sản xuất quan trọng… 

Trong đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là thành phần kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi hạn chế về nguồn vốn, nhân lực và thị trường và sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các doanh nghiệp. 

Thời gian qua, song song với việc đưa ra hàng loạt gói tín dụng với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, Vietinbank còn tổ chức các buổi hội thảo, các buổi kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, tạo đầu ra cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp SME cũng cần nắm bắt cơ hội nhằm tìm ra hướng đi mới cùng những giải pháp phù hợp để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới" hiện nay.

"VN có cơ sở lạc quan hơn các nước khác, hy vọng điều tốt đẹp sẽ xuất hiện nhưng cũng phải có giải pháp dự phòng. Chính Phủ cũng phải giữ gìn không gian chính sách của mình để có thể can thiệp nền kinh tế trong tình huống đó. Doanh nghiệp, người dân cũng phải có sự thận trọng nhất định", ông Nguyễn Đức Thành khuyến cáo.

Thủ tướng: Cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục Thủ tướng: Cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục

TTO - Sáng 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ ngành và địa phương về đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên