16/06/2020 10:01 GMT+7

Tăng tốc xây hạ tầng, cách nào?

THU DUNG - ĐỨC PHÚ
THU DUNG - ĐỨC PHÚ

TTO - Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, vốn nhà đầu tư tham gia không nhiều, chậm trễ mặt bằng... là những nguyên nhân đang làm chậm tiến độ của nhiều dự án giao thông TP.HCM, nơi mỗi năm nạn kẹt xe tại TP này làm thiệt hại hàng tỉ USD.

Tăng tốc xây hạ tầng, cách nào? - Ảnh 1.

Dự án xây hầm chui An Sương (Q.12 và Hóc Môn) mới xong nhánh đi, nhánh về trung tâm thành phố còn dở dang - Ảnh: Q.ĐỊNH

Các sở, ngành TP cùng với các chuyên gia đã mổ xẻ nguyên nhân để tìm ra giải pháp cho tình trạng trên.

Vốn, vốn và vốn!

Theo Sở GTVT TP, giai đoạn 2016 - 2020 nhu cầu vốn cho 172 công trình giao thông trọng điểm cần khoảng 373.000 tỉ đồng bao gồm vốn ngân sách và huy động bên ngoài. Kết quả: vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%, vốn huy động từ nhà đầu tư chỉ 13% so với chỉ tiêu đề ra.

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP - cho hay so với các địa phương khác, vốn đầu tư dành cho giao thông tại TP vẫn còn hạn chế. Cụ thể như Hải Phòng có số chiều dài đường bằng 1/10 của TP.HCM, dân số chỉ hơn 2 triệu người nhưng năm 2019, TP này đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng cho giao thông. 

"Còn với TP.HCM, vốn dành cho hạ tầng giao thông cả giai đoạn 2015 - 2020 chỉ khoảng 50.000 tỉ đồng, trong đó tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã chiếm hơn một nửa" - ông Lâm nói.

Cho đến nay, nhiều tuyến đường trọng điểm theo quy hoạch điều chỉnh giao thông TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 vẫn chưa hoàn thiện. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) giúp giảm thiệt hại do kẹt xe cho cửa ngõ phía đông TP phải chờ cuối năm sau. Tuyến metro số 2 cũng tới năm 2026 mới xong.

Các tuyến cao tốc cũng hình thành khá chậm, trong đó có cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa biết khi nào xong. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 53,5km "chia lửa" với quốc lộ 22 đang chờ HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp giữa năm nay. Nếu thủ tục trôi chảy, sang năm 2021 dự án mới khởi công, 4 năm sau hoàn thành mới chỉ giải được bài toán ùn tắc cho cửa ngõ tây bắc. 

Tương tự, các tuyến vành đai 2, 3, 4 giải tỏa giao thông nội thành, liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh phía Nam chỉ mới đầu tư được 66,5km/351km.

Sốt ruột với đường vành đai 3 và 4, vừa qua UBND TP kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai 2 tuyến đường mang tính chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế vùng này. Cả hai dự án trên đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 10 năm trước nhưng tiến độ triển khai chậm. Tính sơ bộ dự án vành đai 3 cần khoảng 55.805 tỉ đồng, còn vành đai 4 khoảng 99.000 tỉ đồng.

Vành đai 2 có vai trò điều phối giao thông nội thành dài 64km từng được kỳ vọng sẽ khép kín vào năm 2020, đến nay con đường này vẫn còn 4 đoạn dang dở. Riêng đoạn 3 dài 2,7km (từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức) được khởi công từ 3 năm trước theo hình thức BT đang gặp trắc trở, ngưng trệ. 

Ông Trần Đức Thắng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư dự án đoạn 3) - cho biết đơn vị đã bỏ ra hơn 1.500 tỉ đồng để thi công 55% khối lượng mà chưa được thanh toán quỹ đất nên buộc phải dừng thi công. Sở GTVT TP cho hay các sở, ngành đang rà soát quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư này.

Tăng tốc xây hạ tầng, cách nào? - Ảnh 2.

Dự án đoạn 3 đường vành đai 2 (từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng), nhà đầu tư tạm dừng thi công chờ TP.HCM rà soát quỹ đất - Ảnh: Đ.P.

Tạo vốn từ thu phí hạ tầng cảng biển?

Báo cáo HĐND TP về tình hình và tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Sở Tài chính TP cho hay nhu cầu vốn của TP cao, tuy nhiên khả năng cân đối vốn ngân sách cho các chủ đầu tư dự án còn hạn chế. Từ đó xảy ra việc các dự án đã thông qua chủ trương đầu tư nhưng bố trí không đủ vốn để thực hiện. 

Về giải pháp, Sở Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề án tỉ lệ điều tiết các khoản phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP. Từ đó, TP sẽ báo cáo và kiến nghị trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hằng năm cho TP để chi cho đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ.

Theo Sở GTVT TP, với tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân 5%/năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển chủ yếu bằng đường bộ nên xe chở hàng ra vào cụm cảng tại TP rất lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 26.000 lượt xe. Xe đông, hàng hóa tăng nhưng hệ thống đường bộ kết nối cảng phát triển chậm dẫn đến ùn tắc kéo dài dù những năm qua TP đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để làm đường trục, nhánh kết nối vào cảng như đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Hữu Thọ, Mai Chí Thọ.

Trong báo cáo UBND TP mới đây, Sở GTVT TP cho rằng để có nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp thì việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp về mặt địa lý và cơ sở pháp lý và sử dụng phương pháp so sánh mức phí các địa phương có điều kiện tương tự như Hải Phòng, Quảng Ninh... để lựa chọn mức phí phù hợp. Dự kiến, tháng 8-2020, Sở GTVT TP hoàn thiện trình đề án này cho UBND TP.

* Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức):

Không thể trông vào ngân sách

tsvuanhtuan (2) 1(read-only)

Với các TP lớn, vốn cho giao thông phải được bố trí với tỉ lệ cao hơn, phân bổ thực sự phù hợp vì áp lực giao thông rất lớn. Tuy nhiên không nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ngân sách. TP cần đi đầu trong xây dựng các chính sách thu hút nguồn đầu tư khác bằng cách tham khảo chính sách từ các nước, các TP lớn trên thế giới.

Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước mà TP phân bổ chỉ dùng để hoàn thiện đường kết nối, nút giao thông lớn trong nội thành, các tuyến đường vành đai liên kết TP và các tỉnh khác.

Để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách từ đối tác công tư (PPP) phổ biến như BOT, BT..., TP phải có chính sách thu hút hấp dẫn hơn hiện nay, sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả. Theo đó, nguồn vốn từ các dự án này sẽ được sử dụng xây dựng các tuyến đường trên cao.

Ngoài ra, TP tận dụng các nguồn phí đặc thù như phí chống ùn tắc, phí xăng dầu, thu hồi các quỹ đất trống cho thuê... đem lại một nguồn vốn lớn. Đây là các nguồn phí bổ sung không phải nộp lại cho ngân sách, đem số vốn này đầu tư vào hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông công cộng cho thật hiệu quả.

Đối với việc quy hoạch sau này, các sở ngành tư vấn cho TP có quy định yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu công nghiệp, khu dân cư... chủ động xây dựng hạ tầng giao thông hơn. Công thức là: các tuyến đường nội bộ họ phải tự bỏ vốn 100%, các tuyến đường liên kết hạ tầng bên ngoài thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.

Để làm được như thế, các sở ngành TP cần bàn bạc thêm để đưa ra cơ chế chính sách mới tập trung tăng vốn giao thông, tăng kết nối vùng miền.

Tăng tốc xây hạ tầng, cách nào? - Ảnh 6.

Cầu sắt An Phú Đông nối quận Gò Vấp và quận 12, TP.HCM cũng đang trong tình trạng thi công chậm so với tiến độ - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Tiền sẽ có nếu tận dụng chính sách

qd_tranhoangngan_2 1(read-only)

Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã trao cho TP.HCM nhiều chính sách riêng để TP có thể đầu tư cơ sở hạ tầng. Vấn đề quan trọng là TP phải tận dụng được những chính sách đó.

Ví dụ như, Quốc hội cho phép HĐND TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. Như vậy nếu TP tận dụng được chủ trương này sẽ nâng cao giá trị quyền sử dụng đất, tạo ra nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng.

Hay nghị quyết 54 cũng cho ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nếu đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa, ngân sách TP sẽ thu về một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội.

Hiện nay, TP đã nhiều lần có ý kiến và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ "điểm nghẽn" cổ phần hóa cho TP. Sắp tới đây sẽ có những văn bản quy định cụ thể, chi tiết hơn để TP dễ dàng đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa những doanh nghiệp TP không cần nắm vai trò chủ lực.

Ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù, có thể thấy, nếu trung ương nhanh chóng giải quyết những "điểm nghẽn" liên quan đến các vụ án, những vấn đề thanh tra đã kết luận sẽ tháo gỡ khó khăn và giúp lãnh đạo TP tự tin hơn khi thực hiện các quyết định. Mặt khác, hiện TP còn quỹ đất rất lớn, quỹ đất này gắn với các quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu đầu tư hạ tầng, giá đất xung quanh sẽ tăng lên.

Do vậy, TP phải có kiến nghị với trung ương xây dựng cơ chế để ngân sách nhà nước thu được nguồn lợi từ việc đầu tư, không để một nhóm người hưởng lợi như lâu nay. Nguồn lợi thu được để đầu tư lại cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Quan trọng nhất là theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP còn quá nhiều quy hoạch "treo", dự án "trùm mền". Nếu giải phóng được các quy hoạch, dự án này sẽ lập tức tạo điều kiện để người dân khai thác, sử dụng quỹ đất và TP sẽ thu được nhiều nguồn lực. Đồng thời, việc tổ chức đấu giá nguồn đất sạch cũng sẽ giúp TP thu được nguồn tiền lớn.

TIẾN LONG ghi

Hà Nội bán doanh nghiệp nhà nước để làm đường sắt đô thị

Tại dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hà Nội vừa trình Quốc hội, Hà Nội đề nghị bổ sung 3 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có một nội dung muốn giữ lại toàn bộ số thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tổng tài sản cổ phần hóa doanh nghiệp còn khoảng 25.000 tỉ đồng theo giá trị vốn. Quá trình cổ phần hóa vừa rồi, TP thu được 11.000 tỉ đồng và xin giữ lại để xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị, gồm ga Hà Nội - Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc. Hai dự án này dự kiến được Hà Nội trình Quốc hội vào tháng 10 tới.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ trong việc cho phép Hà Nội giữ lại 100% tiền từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp do TP sở hữu. Tuy nhiên cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát một số văn bản quy định về việc sử dụng nguồn thu trên để thống nhất với Luật ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý việc cho Hà Nội giữ lại khoản tiền từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp mà TP sở hữu. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình, nhưng ông lưu ý TP dùng số tiền này vào việc gì phải do HĐND quyết định. Ngoài ra, nếu các dự án đầu tư thuộc công trình trọng điểm, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng phải xin ý kiến Quốc hội.

T.LONG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kết nối hạ tầng giao thông để đón cơ hội đầu tư hậu COVID-19 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kết nối hạ tầng giao thông để đón cơ hội đầu tư hậu COVID-19

TTO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi chủ trì hội nghị các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phát triển hạ tầng giao thông để liên kết vùng sáng 30-5, tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

THU DUNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên