26/03/2020 09:35 GMT+7

Tăng tốc chặn nguồn lây COVID-19

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sáng 25-3, Bộ Y tế có cuộc làm việc với Bệnh viện Bạch Mai, nơi có 2 điều dưỡng và 1 bệnh nhân mắc COVID-19, ngoài ra còn có 252 cán bộ, nhân viên y tế đang bị cách ly nhưng nguy cơ tiếp tục lây lan trong bệnh viện.

Tăng tốc chặn nguồn lây COVID-19 - Ảnh 1.

Hành khách thực hiện thủ tục khai báo y tế ngay tại sân bay Nội Bài ngày 18-3 - Ảnh: NAM TRẦN

Từ đó cho thấy mầm bệnh có thể lây lan trong cộng đồng và nếu không tìm được những "bệnh nhân số 0", cách ly sớm điều trị sớm, nguy cơ lây lan sẽ rất khó lường. Điển hình như bệnh nhân số 133, bệnh nhân bị mắc COVID-19 sau thời gian điều trị tại bệnh viện này.

Khó khăn với "bệnh nhân không dấu hiệu bệnh"?

Báo cáo nhanh về trường hợp dương tính mới ở Hà Nội (nữ bệnh nhân 20 tuổi, người Đan Mạch) cho thấy bệnh nhân đã đến Hà Nội từ ngày 8-3, từ ngày 9 đến 12-3 ở Hà Nội, đi du lịch Hà Giang cùng 11 người khác từ 12 đến 15-3. 

Ngày 15 và 16-3, bệnh nhân này tiếp tục ở Hà Nội rồi đi xe giường nằm vào Huế, 17-3 ở Huế và sau đó vào Hội An, đến 23-3 trở lại Hà Nội, 24-3 bệnh nhân ăn sáng ở Hàng Bài, Hà Nội rồi tự đi taxi đến Bệnh viện Nhi trung ương để xét nghiệm và ngồi chờ kết quả xét nghiệm khoảng 4 giờ ở siêu thị do đã trả phòng khách sạn. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với virus corona nhưng không có dấu hiệu bệnh lý trước đó.

Kể ra vậy để thấy vấn đề là bệnh nhân lây bệnh từ thời điểm nào, và mối liên quan dịch tễ, số lượng khách sạn, số lượng xe khách giường nằm, xe taxi đi lại và thậm chí cả siêu thị, nhà hàng cùng những người tiếp xúc quá dài. Việc truy tìm ngược những người có liên quan để cách ly, phòng dịch sẽ rất khó khăn do có thời điểm bệnh nhân không nhớ hết cụ thể nên sẽ không thể đảm bảo hết những người có tiếp xúc trực tiếp (F1) với bệnh nhân. Mầm bệnh như vậy lại tiếp tục tồn tại ngoài cộng đồng.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với Bộ Y tế sáng 25-3, Bệnh viện Bạch Mai cho biết nữ điều dưỡng - bệnh nhân thứ 86 trước thời điểm phát hiện mắc bệnh có đi du lịch, không có thông tin chuyến bay của bệnh nhân có người bệnh trước đó, cũng chưa tìm thấy bệnh nhân F0 của bệnh nhân này. 

Như vậy là đã có những người bệnh không có biểu hiện lâm sàng ngoài cộng đồng, làm lây bệnh nhưng chưa được cách ly. Và từ bệnh nhân thứ 86, lại có 1 điều dưỡng và 1 bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai bị lây bệnh. Đây là những bệnh nhân lây trong cộng đồng, không phải là nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài như phần lớn các ca phát hiện được hiện nay.

VN mới thực hiện cách ly tập trung người từ châu Âu về nước hoặc đến du lịch từ 15-3, thời điểm đó châu Âu đang ở cao điểm của dịch, những người đến trước đó có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được cách ly. 

Một chuyên gia về phòng chống dịch nhận xét khi dịch đang còn tập trung ở châu Á, ông đã e ngại trong 2-3 tuần sau đó là cao điểm dịch tại châu Âu và thực tế diễn ra đúng như dự báo.

Dự trù tăng hàng trăm ngàn bộ xét nghiệm

Tại Quảng Ninh, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết Quảng Ninh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm mở rộng, tất cả những người có ho, sốt đều được nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tận nhà. Chiến lược xét nghiệm mở rộng như thế này sẽ giúp sàng lọc được bệnh nhân ở diện rộng hơn. Chiến lược xét nghiệm rộng rãi để phát hiện sớm bệnh nhân cũng là cách mà Hàn Quốc đã áp dụng và thành công.

Từ đầu mùa dịch, chiến lược của VN là phát hiện và cách ly, giờ thêm xét nghiệm rộng rãi bởi sắp tới sẽ có nguồn xét nghiệm được tài trợ (nhà tài trợ 100 tỉ đồng bằng hiện vật, trong đó có bộ xét nghiệm nhanh mua của Hàn Quốc cho kết quả sau 40 phút), cùng với thiết bị PCR xét nghiệm COVID-19 nhỏ gọn, dễ di chuyển.

26 bệnh nhân âm tính 1 - 3 lần

Bộ Y tế cho biết trong tổng số bệnh nhân ghi nhận được cho đến nay, ngoại trừ 16 bệnh nhân giai đoạn 1 đã ra viện trước 26-2 và một người (bệnh nhân thứ 18) mới ra viện tuần trước, đã có thêm 26 người có kết quả xét nghiệm âm tính 1 - 3 lần, trong khi theo tiêu chuẩn hiện hành thì sau 2 xét nghiệm âm tính là đủ tiêu chuẩn ra viện.

Tuy nhiên do đây là loại bệnh mới, nhiều điểm chưa rõ ràng về nguy cơ tái bệnh và lây lan, nên người bệnh sau 2 kết quả âm tính vẫn phải cách ly, theo dõi thêm 14 ngày.

Ông Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cũng cho biết trong dự trù mua sắm hàng hóa, tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã dự trù mua hàng trăm ngàn bộ xét nghiệm. 

Với 22 phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19, việc xét nghiệm sẽ được mở rộng hơn.

Tuy nhiên hiện nay toàn bộ xét nghiệm, kể cả cho người nước ngoài đều được miễn phí, nên chỉ có người đi về từ vùng dịch, có ho, sốt, ốm và có yếu tố dịch tễ liên quan (ngoại trừ tỉnh Quảng Ninh) mới được xét nghiệm. 

Hiện có ý kiến đề xuất đẩy mạnh khai báo y tế toàn dân và áp dụng rộng rãi xét nghiệm với người khai báo có ho, sốt như ở Quảng Ninh đang áp dụng hiện nay. 

Bên cạnh đó, hiện nhiều nước đã yêu cầu có chứng nhận âm tính với corona mới được nhập cảnh, VN có thể cho phép xét nghiệm dịch vụ có thu phí với những người có nhu cầu. Đây cũng là nguồn sàng lọc bệnh nhân.

Còn 100 người trên các chuyến bay từ nước ngoài chưa tìm được

Hôm 25-3, Bộ Y tế đã có thông báo tìm hành khách từ 7 chuyến bay quốc tế có bệnh nhân COVID-19. Nếu tính cả 7 chuyến bay này, Bộ Y tế đã phát đi 7 thông báo tìm hành khách trên 31 chuyến bay quốc tế đến VN, chưa kể các chuyến bay nội địa (9 chuyến có liên quan tính cho đến nay). Đã có rất nhiều ca dương tính tìm được từ những chuyến bay này, như trường hợp chuyến bay VN0054 từ Anh về VN ngày 2-3 sau khi ghi nhận bệnh nhân đầu tiên (bệnh nhân số 17), đã có thêm 14 bệnh nhân được phát hiện, 100% hành khách từ chuyến bay này đã được tiếp cận và xét nghiệm.

Trong những ngày vừa qua, Bộ Y tế đã phát đi 6 thông báo khẩn để tìm hành khách trên 24 chuyến bay có bệnh nhân COVID-19 với 4.000 hành khách. Khi đến VN, hành khách lại bay tiếp các chuyến bay nội địa, dẫn đến tổng số chuyến bay có liên quan lên đến 40 chuyến.

test covid san bay (15)

Xét nghiệm nhanh COVID -19 cho hành khách tại sân bay Nội Bài - Ảnh: NAM TRẦN

Mỗi lần có thông báo khẩn, người dân lại lo lắng, bởi họ sợ sẽ khó tìm được hành khách, nguy cơ mầm bệnh lan ra cộng đồng. Tuy nhiên đến nay cơ quan y tế đã tiếp cận hầu hết các hành khách này, chỉ còn khoảng 100 người cơ quan y tế chưa tiếp cận được trên 24 chuyến bay, trong đó bao gồm cả những người đã rời VN.

Có kết quả đó là nhờ nhóm tìm kiếm hành khách từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu và cả sinh viên tình nguyện. Những người đầu tiên trong nhóm đã làm việc từ 6-3, sau khi ghi nhận bệnh nhân số 17 - ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội và là bệnh nhân đầu tiên của giai đoạn thứ 2 của dịch tại VN.

"Chúng tôi làm việc hầu hết vào ban đêm, khi hành khách về khách sạn, và cũng là khi phòng xét nghiệm trả kết quả. Có chuyến bay mọi người thức trắng đến 4h sáng mới tìm được chút hi vọng nhỏ, nhưng rồi kinh nghiệm nhiều lên, giờ đã có khoảng 70% các chuyến bay có "thông báo khẩn" đã được đóng lại, do đã tìm được hết các hành khách có liên quan" - một thành viên nhóm truy tìm chuyến bay cho biết.

Chủ tịch Hà Nội: Tất cả nên ở nhà, trừ ra ngoài mua đồ ăn Chủ tịch Hà Nội: Tất cả nên ở nhà, trừ ra ngoài mua đồ ăn

TTO - Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết với tỉ lệ ca bệnh COVID-19 phát hiện qua rà soát người nhập cảnh Hà Nội, còn ít nhất 8-12 ca mắc chưa được phát hiện kịp thời và khoảng 20 ca dương tính "đang lang thang trên địa bàn".

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên