20/11/2021 09:33 GMT+7

Tăng tiện ích cho thanh toán online

N.BÌNH - ĐỨC THIỆN
N.BÌNH - ĐỨC THIỆN

TTO - Theo khảo sát của Visa, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng đáng kể qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR trong thời gian đại dịch tại Việt Nam.

Tăng tiện ích cho thanh toán online - Ảnh 1.

Khách tự thanh toán không dùng tiền mặt (Self-check out) tại siêu thị Saigon Co.op ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: TẤN THANH

Trong đó, thanh toán qua mã QR cũng tăng vọt, đặc biệt trong các giao dịch hằng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%).

Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững

Ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op đã tăng lên hơn 10 lần, chiếm gần một nửa doanh số bán hàng.

Nhưng sự tăng trưởng này cũng thể hiện phần nào sự chuẩn bị chưa thật tốt của nhà bán lẻ về hạ tầng kỹ thuật, những tiền đề để khách hàng có thể sử dụng hình thức này trong quá trình mua hàng tại hệ thống. Hơn nữa, tỉ lệ này cũng nhanh chóng giảm xuống ngay khi dịch dần được khống chế.

"Do đó, để duy trì thói quen này với khách hàng, từ cơ sở nghiên cứu hành vi tiêu dùng của mình, chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ" - ông Đức nói. 

Đồng thời cho rằng cần có chính sách đối với khách hàng giao dịch thanh toán không tiền mặt như thuế, phí, đảm bảo bảo mật... 

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích nhưng vẫn cần có sự thay đổi, liên tục rà soát để kích thích người dân không dùng tiền mặt nhiều hơn.

Ngoài ra, phải đưa thanh toán không dùng tiền mặt thành văn hóa trong cuộc sống hằng ngày, gắn thói quen này với các xu hướng thanh toán không tiếp xúc, không sử dụng túi nilông, tiêu dùng xanh... để tỉ trọng thanh toán không tiền mặt tăng một cách bền vững.

"Chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị cho nền tảng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, có sự liên kết giữa các đơn vị được chuẩn hóa chung cùng tạo sự lan tỏa, tiện lợi cho người dùng" - ông Đức nhấn mạnh.

Cần thống nhất chuẩn QR cho thanh toán

Ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước - cho biết trong hệ thống NH Việt Nam hiện nay có 80 NH cung cấp dịch vụ Internet banking, 44 NH cung cấp mobile banking, 46 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, với 20.000 máy ATM và hơn 90.000 điểm thanh toán mã QR.

Số liệu này cho thấy hệ thống các máy ATM đã phát triển từ rất lâu nhưng nhanh chóng bị công nghệ thanh toán quét mã QR bỏ xa, dù chỉ mới bùng nổ thời gian gần đây. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), thanh toán bằng mã QR đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian qua do những ưu điểm của công nghệ thanh toán bằng mã QR như: phát triển với tốc độ nhanh chóng, mạng lưới các đơn vị công nhận thanh toán ngày càng lớn, tăng trưởng về khách hàng sử dụng ứng dụng thanh toán.

"Chẳng hạn với mã VietQR - nhận diện thương hiệu chung cho các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền bằng mã QR được xử lý qua hệ thống NAPAS - đang được sử dụng để tiền chuyển nhanh 247 thay vì nhập số tài khoản. Mã VietQR được tạo dễ dàng trên ứng dụng của các NH phát lệnh hoặc tại website VietQR.net" - ông Long nói.

Theo ông Long, bất kỳ người dân hay NH nào cũng có thể tạo mã QR chứa các thông tin cá nhân của mình để thực hiện giao dịch NH. Có 27 NH đang phát lệnh cho phép chuyển khoản nhanh 247 qua mã VietQR trên ứng dụng của NH và 50 NH thụ hưởng cho phép nhận chuyển khoản...

Tuy nhiên, công nghệ này lại đang gặp phải một số khó khăn như chưa có tiêu chuẩn QR thanh toán chung, không đồng nhất trải nghiệm thanh toán, chưa liên thông thanh toán giữa các mã QR của NH và trung gian thanh toán.

Do đó, ông Long đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu và cho phép các trung gian thanh toán được kết nối trực tiếp với hệ thống ACH (hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ) để kết nối liên thông thanh toán giữa tài khoản NH với ví điện tử, tạo ra mạng lưới thanh toán thống nhất, sử dụng thống nhất bộ tiêu chuẩn thanh toán mã QR.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng gắn với xu hướng không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, làm sao để dịch đi qua, người tiêu dùng tiếp tục duy trì thói quen này vẫn là thách thức cho các nhà kinh doanh, nhà quản lý.

Liên thông để tăng tiện ích cho người dùng

Ông Nguyễn Hoàng Long - phó tổng giám đốc NAPAS - cho biết NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các NH, trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ công và các đơn vị phát triển mạng lưới thanh toán để mở rộng phạm vi thanh toán, chuyển tiền bằng mã VietQR.

Đến nay, NAPAS đã triển khai kết nối với cổng chuyển mạch NITMX của Thái Lan, dưới sự chỉ đạo của NH trung ương hai nước, cho phép khách hàng Việt Nam sử dụng ứng dụng thanh toán của các NH Việt Nam quét mã QR tại Thái Lan để thanh toán và ngược lại.

"Chúng ta cần có sự liên thông để làm sao người dân có thể dễ dàng sử dụng QR cho mọi dịch vụ, mọi đơn vị thanh toán như nhau" - ông Long chia sẻ.

Thanh toán online: Chưa bao giờ dễ dàng và hấp dẫn đến vậy Thanh toán online: Chưa bao giờ dễ dàng và hấp dẫn đến vậy

TTO - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang ngày càng chiếm ưu thế không chỉ bởi tính tiện ích, dễ dàng mà còn đi kèm vô số ưu đãi hấp dẫn hơn so với thanh toán bằng tiền mặt.

N.BÌNH - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên