08/05/2015 11:55 GMT+7

Tăng tỉ giá, có tác động đến lạm phát ?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Động thái chỉnh tỉ giá giúp thị trường ngoại hối tự điều chỉnh và ổn định hơn. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo lắng khi tỉ giá tăng sẽ tác động đến lạm phát.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại - Ảnh: TTO

Trái với nhiều lo ngại giá USD sẽ tăng mạnh, ngày 7-5 ngay sau khi tỉ giá bình quân liên ngân hàng (NH) được điều chỉnh tăng 1%, giá USD chỉ nhích lên vào buổi sáng nhưng nhanh chóng hạ nhiệt trong buổi chiều cùng ngày, thậm chí có thời điểm giá bán USD thấp hơn giá niêm yết.

Giá USD tăng rồi giảm

Ngày 7-5, ngay sau khi NH Nhà nước tăng tỉ giá bình quân liên NH, giá USD tại các NH và thị trường tự do cũng đồng loạt tăng theo. Tại các NH lớn như Vietcombank, Eximbank và ACB, giá bán USD sáng 7-5 có lúc tăng lên đến 21.740 đồng/USD, giá mua USD cũng tăng lên 21.670 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá bán USD tăng lên 21.800 đồng/USD, còn giá mua USD ở mức 21.700 đồng/USD.

Tuy nhiên, mức giá này không tồn tại lâu. Đến cuối ngày, giá bán USD niêm yết tại Vietcombank chỉ còn 21.720 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD so với buổi sáng. Eximbank và ACB cũng giảm giá bán USD 20 đồng so với buổi sáng. Giá mua USD tiền mặt tại các NH còn 21.640 đồng/USD. Giá bán USD tại thị trường tự do cũng hạ nhiệt còn 21.770 đồng/USD vào cuối ngày, giá mua USD còn 21.700 đồng/USD.

Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ một NH lớn cho biết sau khi NH Nhà nước tăng tỉ giá thêm 1%, giao dịch USD tại NH rất sôi động. Các doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ bán ra thêm nhằm hưởng mức giá cao dù những ngày trước họ đã bán ra một lượng đáng kể khi giá USD tăng.

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, do đó giá bán USD cũng giảm nhanh, từ mức 21.740 đồng/USD đầu ngày, đến cuối ngày chỉ còn xoay quanh mức 21.725 đồng/USD, có thời điểm NH bán giá thấp hơn giá niêm yết.

Không quá lo lạm phát, lãi suất

Ông Ngô Đăng Khoa - giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC VN - cho rằng với xu hướng tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác cùng với thâm hụt thương mại khá cao trong bốn tháng đầu năm đã tạo tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỉ giá trên thị trường trong thời gian gần đây. Do đó, việc điều chỉnh tỉ giá có thể hỗ trợ một phần cho xuất khẩu, nhưng động thái này không hoàn toàn vì mục đích hỗ trợ xuất khẩu.

“Bốn tháng đầu năm, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 3 tỉ USD, lạm phát hiện khá thấp khoảng 1%, nên có thể NH Nhà nước tận dụng cơ hội điều chỉnh tỉ giá để có thể hỗ trợ một phần cho xuất khẩu, hỗ trợ cán cân thương mại trong thời gian tới.

Ngoài ra, động thái này cũng giải tỏa tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỉ giá, găm giữ ngoại tệ, giúp thị trường ngoại hối tự điều chỉnh và ổn định hơn” - ông Khoa nói. Cũng theo ông Khoa, không quá lo ngại việc điều chỉnh tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến lạm phát vì mức lạm phát bốn tháng đầu năm khá thấp, dự đoán cả năm 2015 khoảng 3%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói việc điều chỉnh tỉ giá này có những mặt lợi. Đó là bổ trợ cho xuất khẩu.

“Việc tỉ giá tăng 1% khiến giá thành hàng xuất khẩu của VN trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời khiến nhà nhập khẩu cũng phải cân nhắc hơn khi nhập khẩu. Việc tăng tỉ giá cũng có lợi khi NH có thể mua được thêm ngoại tệ từ nhiều nguồn. Nếu neo giá quá thấp sẽ khiến doanh nghiệp, người dân không muốn bán ngoại tệ cho NH. Việc tăng tỉ giá cũng giúp giải nhiệt thị trường, phá tan tâm lý đầu cơ, kỳ vọng” - ông Hiếu nói.

Tuy nhiên theo ông Hiếu, việc tăng tỉ giá này cũng có thể ảnh hưởng đến lãi suất. Lãi suất huy động có thể tăng khiến lãi suất cho vay bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả mới là dự đoán và tại thời điểm này chưa thấy dấu hiệu cho thấy việc tăng tỉ giá có ảnh hưởng đến lãi suất.

Về tác động đến lạm phát, ông Hiếu cho rằng về nguyên tắc, khi tỉ giá tăng thì các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng và tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, điều này không nên quá lo vì lạm phát đang được khống chế ở mức thấp.

Về lo ngại NH Nhà nước khó giữ cam kết tăng tỉ giá không quá 2% trong năm vì mới năm tháng nhưng đã sử dụng hết biên độ này, theo ông Hiếu, nếu quyết liệt NH Nhà nước vẫn giữ được cam kết nhưng áp lực sẽ dồn lên tỉ giá thời gian tới, chưa kể các yếu tố vĩ mô khác như nhập siêu, nợ công tăng cao...

Với những áp lực như thế nếu không linh hoạt tỉ giá thì có thể dẫn đến một số hệ quả. “Thay vì làm mọi cách để giữ tỉ giá trong biên độ 2% như cam kết, NH Nhà nước có thể dự trù “room” để đối phó với tình huống không thuận lợi” - ông Hiếu nói.

 

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên