27/03/2015 11:34 GMT+7

Tang thương xã nghèo 3 người chết trong vụ sập giàn giáo

NHÓM PV-CTV
NHÓM PV-CTV

TT - Người dân ở xã miền núi nghèo Lâm Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) không thể ngờ rằng chỉ trong một đêm, xã mình lại có đến ba người chết trong vụ sập giàn giáo ở Formosa Hà Tĩnh.

Chị Chu Thị Kiều - vợ nạn nhân Lâm Hữu Chính (ở Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An) - khóc ngất bên linh cữu chồng - Ảnh: D.Hoàng
Chị Chu Thị Kiều - vợ nạn nhân Lâm Hữu Chính (ở Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An) - khóc ngất bên linh cữu chồng - Ảnh: D.Hoàng

Trưa 26-3 tại thôn 2, xã Lâm Trạch, giữa vạt đất hoang nham nhở là căn nhà nhỏ chưa tô trát của nạn nhân Nguyễn Văn Lịch (28 tuổi).

Chị Nguyễn Thị Thương, vợ anh Lịch, ngồi trước hiên nhà, ngơ ngác nhìn quanh, không nói được điều gì.

"Cứ như là có điềm chi báo trước"

Trong vòng tay chị là đứa con trai 2 tuổi đang thiêm thiếp ngủ. Dường như với chị, không thể có chuyện chồng mình đã chết. Anh Lịch mới rời mẹ con chị ra Vũng Áng làm vào ngày 22-3.

Kể về anh Lịch, anh Nguyễn Ngọc Lĩnh nói: “Trước khi Lịch ra Vũng Áng, hắn có kể với tui là hắn dặn lại với vợ rồi, là vợ hắn sẽ trả tiền cho tui hoặc chờ đến khi hắn mần ở Vũng Áng về có tiền sẽ trả... Cứ như là có điềm chi báo trước vậy...”.

Số là trước đó chị Thương có tới nhà anh Lĩnh trong thôn mua ba con heo nhỏ về nuôi, do chưa có tiền trả nên chị Thương phải nợ.

Trong khi đó làm nhà cũng còn nợ khá nhiều, đó là lý do để anh Lịch quyết định xa vợ con theo anh em trong xã ra Vũng Áng làm ăn. Khi vụ tai nạn xảy ra, anh bị một mảng sắt chuẩn bị đổ bêtông đè lên, làm giập nát phần ngực.

Ở thôn 1, nhà anh Nguyễn Văn Dũng (33 tuổi) và anh Nguyễn Văn Bảo (32 tuổi) - hai nạn nhân khác tử vong trong vụ tai nạn - nằm đối diện và cách nhau một con đường xuyên qua giữa làng.

Trước nhà anh Dũng, người trong thôn đang hối hả làm cho anh căn nhà gỗ mới để đặt lên mộ. Trong căn nhà gỗ nhỏ, chị Đinh Thị Phương, vợ anh Dũng, nằm lịm bên góc nhà, không nói năng gì với ai.

Đứa con gái lớn của chị học lớp 9 đứng ôm hai đứa em, đứa út mới 4 tuổi, nhìn mọi người đưa thi thể ba vào quan tài, thỉnh thoảng lại kéo áo chùi nước mắt.

Anh Đinh Văn Thế - người trong thôn, cùng làm việc với anh Dũng ở Vũng Áng - cho biết: “Tui và anh Dũng ra Vũng Áng ngày 1-3 theo môi giới việc làm của Công ty Nibecl (có trụ sở ở vùng Roòn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Khi giàn giáo sập, tui biết là sập ở phía anh Dũng làm nhưng không có cách chi để giúp đỡ nhau được. Mấy anh em tui làm từ ngày 1-3 nhưng đến nay chưa nhận được đồng tiền công mô cả”.

Phía bên kia đường, người dân trong thôn và họ hàng nhà anh Nguyễn Văn Bảo đang khiêng chiếc giường gỗ của anh ra khỏi nhà và đặt ở một góc vườn.

Bà Hoàng Thị Hiều - mẹ anh Bảo - ngồi lặng bên chiếc quan tài chưa đóng nắp. Nhà chỉ có hai mẹ con, ba anh Bảo đã mất, nay anh Bảo ra đi, vậy là trong căn nhà nhỏ chỉ còn côi cút mình bà.

Anh Nguyễn Văn Vân, con bác ruột anh Bảo, than thở: “Bảo mới ra Vũng Áng được một ngày rưỡi và làm việc trên công trường chưa đầy một ngày. Nhà hai mẹ con, nó là lao động chính. Ở làng không có việc chi ổn định nên nó theo anh em đi làm xa, ai ngờ cơ sự lại như rứa...”.

Không giấu nỗi buồn, ông Trần Minh Khai - chủ tịch UBND xã Lâm Trạch - tâm sự: “Lâm Trạch là xã miền núi nghèo, người lao động như Lịch, Dũng, Bảo thường ngày ở xã thì đi vác cây bạch đàn thuê cho người ta từ trong rừng ra, hoặc giúp người nhà làm ruộng nương. Nói chung ai thuê việc chi là làm việc nấy. Trước và sau Tết Ất Mùi nhiều người rủ nhau ra Vũng Áng làm việc, chủ yếu là làm việc đơn giản như buộc sắt, làm gỗ đổ bêtông... kiếm tiền công nhật thôi”. 

Cuộc điện thoại cuối cùng

“Trước khi lên công trường để làm việc, anh tôi còn điện thoại về hỏi han mọi người ăn cơm chưa và có khỏe không. Hơn 30 phút sau, tôi nhận được tin báo công trường anh tôi đang làm bị sập giàn giáo...” - anh Lâm Hữu Chiến, em trai nạn nhân Lâm Hữu Chính (38 tuổi), nhớ lại.

Sáng 26-3, thi thể anh Chính được đưa về tới quê nhà ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) trong nỗi đau đớn của gia đình.

Chiếc xe cứu thương chở quan tài của anh Chính vừa về đến đầu ngõ nhỏ thì cũng là lúc chị Chu Thị Kiều (vợ anh Chính) ôm hai đứa con nhỏ, khóc ngất bên bàn thờ vừa mới được lập vội. Bỏ dở công việc đồng áng, rất đông hàng xóm đến động viên, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình chị Kiều.

“Anh Chính ơi, mới chiều tối qua anh còn gọi điện về cho mẹ con em mà giờ anh lại bỏ mẹ con em đi đột ngột thế này...” - chị Kiều khóc nghẹn. Nhìn cảnh chị Kiều ôm hai đứa con thơ ngồi bên linh cữu anh Chính, không ai cầm được nước mắt.

Mệt mỏi sau một đêm thức trắng đưa thi thể anh trai về nhà, anh Lâm Hữu Chiến vẫn như chưa tin vụ tai nạn lao động sập giàn giáo tại công trường Formosa lại cướp đi người anh trai của mình.

Khi biết có vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng, anh Chiến và gia đình vẫn hi vọng anh Chính may mắn thoát nạn.

Thế nhưng, sau nhiều lần gọi điện cho anh Chính mà không được thì mọi người cảm thấy có điềm gở. Sau đó gia đình nhận tin báo từ người cháu cùng làm việc với anh Chính nói anh Chính bị vùi chết dưới hàng tấn sắt, gỗ.

Cưới nhau được tám năm, anh Chính và chị Kiều có hai con nhỏ. Ngoài một sào ruộng khoán, vợ anh đi làm công nhân may mặc ở gần nhà, còn anh vào làm công trường Formosa được hai năm nay, mỗi tháng cho thu nhập 10 triệu đồng.

Tuy công việc vất vả nhưng thấy lương cao hơn các công việc ở quê, nên anh Chính đưa bốn người anh em cùng vào làm tại công trường Formosa.

Anh Lâm Hữu Chiến cũng là người làm việc tại công trường Formosa cùng anh trai mình. Theo anh Chiến, tại công trình đập chắn sóng mà anh Chính đang làm, giàn giáo phục vụ thi công có chiều cao trên 20m được dựng từ ba năm nay. Mỗi ca làm việc thường có hơn 60 người ở bên trên.

Theo ông Trương Công Sửu - trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Diễn Châu, trong vụ sập giàn giáo công trường Formosa Hà Tĩnh, huyện có ba người chết là anh Lâm Hữu Chính (38 tuổi), Lê Quốc Hưng (27 tuổi), Nguyễn Xuân Hùng (29 tuổi, xã Diễn Yên), một người bị thương là Hoàng Văn Thụ (37 tuổi). Trong sáng qua, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, thi thể các nạn nhân được đưa về quê nhà.

Ở nhà mới chưa đầy 10 ngày

Anh Nguyễn Trọng Diềm, con bác ruột của nạn nhân Nguyễn Văn Lịch ở xã Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, rầu rĩ kể: “Hắn mồ côi ba mạ từ lâu rồi, một mình bôn ba làm lụng nuôi con. Vợ hắn thì tảo tần làm ruộng làm vườn kiếm thêm đôi ba đồng vô ra, chớ ở đây không có việc chi để làm thêm nữa...”.

Anh Diềm nhìn căn nhà của vợ chồng anh Lịch chưa tô trét tường, cho biết nhà được xây từ nguồn tiền hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước, tích cóp thêm của gia đình và công sức của bà con họ hàng, lối xóm... “Sau tết, hắn cứ chui vô chui ra làm nương rẫy trong rừng, ngủ lại trong đó luôn. Mấy ngày trước mới theo người ta ra Vũng Áng mần thợ buộc sắt thuê cho người ta rồi gặp tai nạn luôn...”. Người trong thôn tính ra anh Lịch ở trong căn nhà mới của mình chưa được 10 đêm.

NHÓM PV-CTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên