Nhiều chuyên gia khẳng định chính người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thuế VAT tăng - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia, mọi người nghèo hay giàu đều phải chi cho những nhu cầu và hàng hóa thiết yếu hằng ngày. Do vậy, khi thuế VAT tăng từ 10% lên 12%, tính ra số thuế phải nộp tăng thêm 20%, vì thế người nghèo phải chịu tác động lớn hơn.
Người nghèo thêm khó
Ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng rốt cuộc thì rồi tất cả cũng sẽ dồn vào giá.
Theo ông Thắng, dù mua rau hay ký thịt ở chợ sẽ không nộp thuế VAT hoặc chỉ ở mức ưu đãi là 5%, nhưng những hàng hóa đó muốn ra chợ phải vận chuyển... "Chi phí vận chuyển sẽ đội lên khi thuế VAT xăng, dầu tăng. Như vậy, giá mớ rau, ký thịt cũng sẽ tăng lên theo và thu nhập ít ỏi của người nghèo bị ảnh hưởng", ông Thắng nói.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, cho rằng tăng thuế VAT thì người càng nghèo càng bị ảnh hưởng.
Ông Long nói rằng Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế VAT lên 12% sẽ tác động không lớn đến người nghèo "là không đúng".
"Đây là thuế tiêu dùng, đánh vào mọi đối tượng tiêu dùng, ai cũng như ai, đều phải nộp mức thuế như nhau. Do đó, người có 100 triệu sẽ bị tác động ít, còn người có 1 triệu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều là vì thế", ông Long nhận định.
Chuyên gia đánh giá như thế, người tiêu dùng phản ứng như thế nào?
Chị Hương, ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết gia đình chị cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, với tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, phải nuôi hai con nhỏ. "Nếu tăng thuế, giá cả ngoài chợ sẽ đồng loạt tăng theo, cuộc sống của chúng tôi đã khó sẽ càng thêm khó. Bởi gạo, rau mua ở chợ vẫn phải chịu thuế ở các khâu như vận chuyển, sản xuất... nên không thể nói những mặt hàng này không tăng giá", chị Hương than.
Còn chị Thu Trang ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết bữa ăn sẽ tăng giá.
Theo chị Trang, Bộ Tài chính lập luận là người nghèo ít bị tác động vì chi tiêu ít hơn người giàu nhưng không có nghĩa là người nghèo thoát được ảnh hưởng từ tăng thuế, vì họ cũng phải chi dùng những mặt hàng cơ bản và các mặt hàng này đều bị tăng thuế.
"Người lao động phải chắt chiu từng đồng giờ lại phải bớt ra một khoản cho số thuế phải nộp thêm. Ít hay nhiều cũng là một khoản chi, dù theo Bộ Tài chính là "nhỏ" nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nghèo", theo chị Trang.
Đừng chỉ chăm thu, hãy kiểm soát chi
PGS.TS Nguyễn Hồng Thắng, Đại học Kinh tế TP.HCM kiến nghị cần kiểm soát chi trước khi tăng thuế.
Theo ông Thắng thì người nghèo không chi tiêu nhiều cho tiêu dùng nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nhất nếu tăng thuế VAT, bởi người nghèo chủ yếu sử dụng các dịch vụ cơ bản như ăn uống, đi lại và khả năng tích lũy không có.
"Khi thuế tăng, giá cả hàng hóa sẽ tăng, đặc biệt là các hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Và một khi các loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản tăng giá, người nghèo sẽ thắt chặt chi tiêu hơn", ông Thắng nói.
Như vậy, việc tăng thuế VAT còn tác động dây chuyền đến nhà sản xuất, nhà cung cấp vì người tiêu dùng có quyền từ chối hoặc tiêu dùng ít đi. Do vậy, để giải quyết thâm hụt ngân sách một cách tốt nhất, theo tôi, không nên chỉ nghĩ đến tăng thu mà nên kiểm soát chi ngân sách sao cho phù hợp. Vì các khoản chi ngân sách phù hợp cũng là một cách chia sẻ với người dân khi phải tăng thuế.
Trong khi đó, thạc sĩ Đỗ Dzoan Hảo, giảng viên khoa thuế - hải quan, Đại học Tài chính - Marketing cho rằng: Đừng chăm chăm tăng thuế.
Ông Hảo cho rằng chuyện nói người nghèo ít chịu ảnh hưởng nếu tăng thuế VAT là "thiếu thuyết phục và phiến diện".
Lý do là để sản xuất ra những mặt hàng bán ở chợ, chẳng hạn thịt, gạo hay rau, nhà sản xuất phải mua các nguyên liệu đầu vào và những nguyên liệu này đã chịu tác động bởi việc tăng thuế, từ đó giá các mặt hàng cũng tăng và người tiêu dùng cuối cùng gánh chịu.
"Dù mua ở chợ hay siêu thị, giá hàng hóa cũng tăng, nên không thể nói là tăng thuế VAT ít tác động đến người nghèo", ông Hảo nói.
Hơn nữa, theo ông Hảo, hàng hóa đến được tay người tiêu dùng phải qua 3-4 tầng nấc và mỗi tầng nấc giá cả đều đội lên do chi phí đi lại, vận chuyển... Một khi thuế tăng, giá cả hàng hóa sẽ tăng nhiều hơn mức mà Bộ Tài chính tính toán được trên lý thuyết.
"Do vậy, phải hết sức thận trọng khi tăng thuế VAT vì ảnh hưởng đến mọi nhà, nhất là người nghèo. Cách tốt nhất là kiểm soát cơ sở đánh thuế thay vì chăm chăm vào tăng thuế suất", ông kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận